Doanh nghiệp F&B phải thích ứng 'luật chơi' mới

Doanh thu sụt giảm

Khảo sát của Công ty Cổ phần iPOS.vn về thị trường kinh doanh ẩm thực 2023 tại Việt Nam gần đây cho biết, có tới hơn 40,1% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023. Nếu xét trên quy mô, doanh nghiệp F&B lớn (có từ 150 chỗ ngồi trở lên) có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi có tới 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy thị trường F&B đang chứng kiến những cuộc rời đi lặng lẽ của các thương hiệu lớn tại khu vực đắt giá.

Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới nay hàng loạt quán nổi tiếng ở khu vực trung tâm hiện không hoạt động và thông báo trả mặt bằng hoặc dời địa điểm kinh doanh, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn diễn ra khá phổ biến. Trong đó, Mellower Coffee - một hệ thống cà phê đặc sản Trung Quốc thông báo đóng cửa vĩnh viễn tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 30/4/2023. Hay cửa hàng McDonald’s (kế Bưu điện trung tâm TP. Hồ Chí Minh) cũng đã trả mặt bằng từ lâu nhưng vẫn chưa có hàng quán nào thế chỗ. Ngoài ra, một quán cà phê PhinDeli ở Hồ Con Rùa (quận 1) cũng đã dời địa điểm hoạt động sang một điểm kinh doanh mới vào tháng 5/2023…

Doanh nghiệp F&B đang thay đổi để thích ứng với xu hướng mới

Không chỉ vậy, các thương hiệu trong ngành F&B cũng rơi vào khó khăn khi sức mua sụt giảm.

Cụ thể, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà cũng tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Điều này đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Vũ Thanh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn nhận định, giai đoạn cuối năm sẽ là đáy của thị trường F&B.

Doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa

Trước khó khăn của thị trường và để góp phần thu hút người tiêu dùng, mới đây The Coffee House - chuỗi cà phê quen thuộc trong ngành F&B Việt Nam và LG - tập đoàn thiết bị điện tử đã bắt tay hợp tác triển khai “Chiến dịch Better Choice”. Đây là chiến dịch khá độc đáo khi hướng tới “xanh hóa” chuỗi ẩm thực từ nguồn nguyên liệu xanh, cho tới vật dụng bao bì xanh.

Theo chia sẻ của The Coffee House, dù khác lĩnh vực kinh doanh nhưng hai bên có cùng tầm nhìn. “Nếu The Coffee House bằng các sản phẩm dẫn đầu xu hướng, mang đến cho giới trẻ nhiều trải nghiệm mới mẻ, tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần thì LG luôn sáng tạo những thiết bị công nghệ hiệu quả và thân thiện với môi trường, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, sự đồng hành giữa các doanh nghiệp là điều rất cần thiết”- đại diện The Coffee House cho biết.

Vị đại diện này cũng cho biết, mở đầu hợp tác, hai bên đã ra mắt bộ sưu tập “Trà xanh Tây Bắc” và từ nay cho đến tháng 12/2023, hàng loạt hoạt động thuộc chiến dịch sẽ được hai bên triển khai trên nhiều phương diện, như ngày hội Better Day Festival, thử thách “Scan ly xanh, nhận quà khỏe lành"”với hiệu ứng (filter) thực tế ảo (AR), và nhiều hoạt động khác sẽ giới thiệu trong thời gian tới. Bộ sưu tập với 4 sản phẩm trà xanh vùng Tây Bắc - không chỉ là thức uống, mà còn mang đến trải nghiệm văn hóa, ủng hộ tấm lòng của đồng bào miền cao. Và điểm đáng chú ý là trong sự hợp tác lần này là chiếc ly xanh tái sử dụng độc quyền, được bày bán giới hạn trong suốt thời gian chiến dịch diễn ra.

Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất F&B, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải bắt nhịp với xu hướng xanh để bắt kịp với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Minh chứng là tại Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào tối 13/9 đã có tới 14 trong tổng số 90 doanh nghiệp được trao danh hiệu là doanh nghiệp ngành F&B, số còn lại thuộc các lĩnh vực khác như bất động sản, dịch vụ, khách sạn…

Để đạt “Doanh nghiệp xanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA)- cho biết, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí như xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; có trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải hiện đại; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; sản phẩm thân thiện môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường…

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn TP. Hồ Chí Minh, xanh hóa đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không ngoài mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, F&B là một trong những ngành có vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển. Theo nghiên cứu Euromonitor được công bố vào đầu năm nay, giá trị thị trường F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng. Trải qua giai đoạn biến động do đại dịch cùng với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh - bền vững, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.

Mai Ca