Gia Lai: Đưa truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vào trường học

Ngày 15-4 vừa qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP. Pleiku) tổ chức buổi ngoại khóa chuyên đề “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và bình đẳng giới, phòng-chống HIV/AIDS” cho trên 1.250 học sinh toàn trường.

Tại buổi ngoại khóa, học sinh được chia thành các đội thi tìm hiểu kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và bình đẳng giới, phòng-chống HIV/AIDS. Nhiều vấn đề các em chưa hiểu đều được các chuyên gia giải đáp đầy đủ, cặn kẽ. Qua đó, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản về giới, những thay đổi về thể chất, tâm sinh lý tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên, về tình bạn, tình yêu và tình dục, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Theo ông Vương Nhật-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành. Ở giai đoạn này, các em có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá bản thân, mở rộng các mối quan hệ và có rất nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cần được trang bị nhưng thường ngại chia sẻ, không biết tâm sự với ai.

Thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, đặc biệt ít được tiếp cận với các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là những nguyên nhân khiến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên trở nên trầm trọng hơn.

Buổi ngoại khóa chuyên đề “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và bình đẳng giới, phòng-chống HIV/AIDS” tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: N.N

Hàng năm, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đều triển khai kế hoạch phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi truyền thông chuyên đề “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và bình đẳng giới, phòng-chống HIV/AIDS”. Nhiều buổi truyền thông tổ chức hiệu quả, hình thức tuyên truyền sinh động, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh.

Cô Tạ Thị Thu Huyền-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh-cho biết: Trường có 400 học sinh, trong đó 47 nam còn lại là nữ; 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức giáo dục nền nếp, nội quy, hướng dẫn kỹ năng sống trong ký túc xá, vấn đề chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân…

“Nhà trường cũng tổ chức cho các em ký cam kết chấp hành tốt các quy định về tuổi tham gia kết hôn, không yêu sớm, mang thai ngoài ý muốn…; triển khai cho phụ huynh ký cam kết đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Qua tuyên truyền, học sinh chấp hành tốt, không có trường hợp tảo hôn nào xảy ra”-cô Huyền nói.

Em Kpă Hoàng chia sẻ: Những buổi tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên rất cần thiết với học sinh chúng em. Qua tuyên truyền, tư vấn, chúng em được trang bị những kiến thức cơ bản, nhận thức đúng đắn vấn đề nêu ra, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân.

“Một người họ hàng của em mới học lớp 9 đã nghỉ học, kết hôn. Tuổi nhỏ chưa ý thức được trách nhiệm, thiếu kiến thức chăm sóc gia đình, con cái nên đã dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống”-Hoàng tâm sự.

Vấn đề truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên giúp các em học sinh có kiến thức, kỹ năng cần thiết và biết cách ứng xử, lựa chọn hành động phù hợp khi đang ở độ tuổi vị thành niên. Ảnh: Như Nguyện

Tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai, việc lồng ghép tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Thầy Trần Anh Vũ-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trường hiện có 150 học sinh ở nội trú. Vì vậy, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên là một trong những nội dung được nhà trường quan tâm triển khai thường xuyên.

“Chúng tôi tuyên truyền lồng ghép trong các tiết học, truyền thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa và các hoạt động khác nhằm giúp các em có kiến thức, kỹ năng cần thiết về sức khỏe sinh sản vị thành niên, từ đó giúp các em nhận thức đúng đắn, trách nhiệm hơn trong những mối quan hệ, biết cách ứng xử và lựa chọn hành động phù hợp để bảo vệ bản thân khi đang ở độ tuổi vị thành niên”-thầy Vũ nói.

Trao đổi với P.V, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh nhấn mạnh: Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên nói chung, trong các trường học nói riêng hết sức cần thiết và quan trọng. Những kiến thức, kỹ năng quan trọng được cung cấp giúp các em nâng cao nhận thức, xây dựng hành vi lối sống đúng đắn để bước vào đời.

Thông qua hoạt động truyền thông, các em có được những hiểu biết, kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, sức khỏe sinh sản, tạo môi trường xã hội thân thiện trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đối với vị thành niên, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi học đường.