Gia Lai: Truyền thông sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc ít người

Nguồn: UNFPA

Các buổi truyền thông nhằm mục đích cung cấp các kiến thức cơ bản về thực hành tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình và làm mẹ an toàn.

Tại các buổi truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã tổ chức các trò chơi tương tác, đóng vai, tranh biện theo nhóm và các hoạt động tạo không khí thoải mái và cởi mở để thu hút sự tham gia của thanh thiếu niên tại hai xã trên và giúp cho họ tham gia tích cực vào các hoạt động này. Đây cũng là cách để các bạn trẻ không cảm thấy ngượng ngùng khi thảo luận về các hành vi tình dục.

Buổi truyền thông nhằm mục đích cung cấp các kiến thức cơ bản về thực hành tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình và làm mẹ an toàn

Đây là một trong những hoạt động của dự án: "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam". Với sự tài trợ của tổ chức Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và (Quỹ dân số Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam, dự án nhằm hỗ trợ giảm tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc ít người tại 6 tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.

Theo đánh giá của UNFPA, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở cấp độ quốc gia trong vòng 20 năm qua và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa giá đình vẫn còn tồn tại ở các nhóm dân tộc và vùng miền khác nhau.

Theo kết quả nghiên cứu của cuộc điều tra được thực hiện trong khuôn khổ dự án, chỉ có 11% các bà mẹ dân tộc ít người sống tại các xã trọng điểm được khám thai ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ. Tỷ lệ các bà mẹ sinh con tại các cơ sở y tế chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước là 96%.

Về kế hoạch hóa gia đình, chỉ có 53% các bà mẹ ở các xã này sử dụng biện pháp tránh thai (so với tỷ lệ trung bình cả nước là 72%, tức thấp hơn 19 điểm phần trăm) và nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 18% (cao hơn gần gấp đôi khi so với tỷ lệ trung bình cả nước là 10%).

Đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc Mông, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ là 41% và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 21%; đối với phụ nữ dân tộc Thái, tỷ lệ này lần lượt là 39% và 49%.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ tự ra quyết định về sử dụng dịch vụ y tế đạt 86%; tự ra quyết định về quan hệ tình dục đạt 70% và tự ra quyết định trong sử dụng biện pháp tránh thai đạt 86%; Sự tự chủ của người phụ nữ trong cả 3 lĩnh vực sử dụng dịch vụ y tế, quan hệ tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai đạt 61%.

Thục Anh