Giá trị nhân văn trong tiểu thuyết 'Làm dâu' của Duyên Phùng

Làm dâu của Duyên Phùng là câu chuyện cảm động, ở đó có những niềm đau, nỗi buồn, những giọt nước mắt bởi những điều không trọn vẹn. Số phận và cuộc đời của May được chính nhân vật kể lại một cách tỉ mỉ, chi tiết với tất cả những gì đã xảy ra với bản thân. Từ lúc về làm dâu cho đến khi sinh con, ra ở riêng đến lúc con đã trưởng thành... với bao thăng trầm, tổn thương và cả những thua thiệt trong cuộc sống thường nhật của người phụ nữ.

Tiểu thuyết “Làm dâu”

May luôn đấu tranh giữa việc lựa chọn một cuộc sống tự do để thực hiện khao khát của chính mình với cuộc sống bình yên khi lấy chồng có công ăn việc làm ổn định, kinh tế nhà chồng ổn. Cuối cùng, May đã chọn cuộc sống bình yên. Nhưng đó lại là một chuỗi dài những bi kịch khi tình yêu không được trọn vẹn, những định kiến, bao biến cố ập đến với chị và gia đình. Một tay May phải lo toan, định liệu.

“Học hết cấp ba trường dân tộc nội trú thì tôi lấy chồng tôi bây giờ. Người đàn ông làm nghề xây dựng, nay đây mai đó. Người ấy làm chủ của một toán thợ xây dựng khoảng ba mươi người, vào bản tôi xây công trình thủy lợi.

Mười sáu tuổi, bảy tháng tôi làm vợ người ấy. Người đàn ông hơn tôi tròn ba mươi tuổi. Đã có một đời vợ và con riêng. Con riêng của chồng tôi hơn tôi bốn tuổi (Điều ấy mãi sau này tôi mới biết)”...

Những chấn thương trong cuộc hôn nhân không đến từ tình yêu do May lựa chọn đã tạo thành vết thương lòng. Không chỉ mình May, mà số phận nhiều người phụ nữ trong tác phẩm cũng đều có những nỗi khổ tâm riêng. Mỗi nhân vật đã được vô thức ẩn chứa, làm cho họ sống trong ám ảnh, đau khổ dồn nén, có lúc rơi vào trạng thái bất an. Hình ảnh người phụ nữ tảo tần, bao dung, sẵn sàng hy sinh vì chồng con để vun vén cho hạnh phúc gia đình thật đáng trân trọng. Hình ảnh mẹ chồng, nàng dâu và cách đối xử của họ với nhau thật đáng quý. Tình yêu thương, sự cảm thông đã giúp họ tìm thấy sự đồng điệu, gắn bó như ruột thịt. Chính người mẹ chồng là điểm tựa vững chắc nhất để May làm tròn bổn phận và thiên chức của một người mẹ, người vợ. Những phong tục, tập quán của người đồng bào dân tộc Tây Bắc cũng được Duyên Phùng khéo léo lồng ghép vào từng tình huống, sự việc cụ thể gây được sự chú ý đối với người đọc.

Điều đặc biệt là Duyên Phùng có sử dụng những yếu tố về vô thức, giấc mơ, những ẩn ức về thời tuổi trẻ. Điều này giúp chị khai thác thác sâu hơn thế giới nội tâm nhân vật, biểu hiện hiệu quả hơn nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Làm dâu là một câu chuyện buồn nhiều hơn vui nhưng lại có sức hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm, bởi những tình huống chân thực, tưởng gần gũi lại hóa ra xa lạ, tưởng của thời đại trước nhưng lại đang tồn tại và xảy ra ở thời hiện đại. Chuyện thật mà như ảo, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Duyên Phùng rất có duyên trong việc kể, tả; chị kể một cách chậm rãi, nhấn nhá tự nhiên, nhẹ nhàng mà tinh tế và đầy chắt lắng.

Chính cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác với người đàn ông lớn hơn mình 30 tuổi và cả những lời hứa “suông” đã càng khiến cho May thêm hụt hẫng. Nỗi nhớ gia đình, mẹ cha, người thân và những năm tháng đi học, khao khát được làm cô giáo... càng làm cho May thấm thía nỗi đau, sự tủi hờn và cả những uất ức.

“Về làm dâu, lấy người chồng mà mình không yêu. Sắp tết rồi! Đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ trường lớp, nhớ bản. Sau tết có khi hội bản này nối sang bản kia cả tháng, chợ nào cũng đông nghìn nghịt, con gái con trai mặc đẹp, đeo đầy vòng bạc, mua sắm thì ít mà ngắm nhau thì nhiều. Những đứa gái mười ba, mười bốn tuổi khỏe khoắn. Đôi nhũ nhô lên sau làn áo cóm mỏng, nửa như vênh vang, nửa như thèn thẹn. Lũ trai gái thường rủ nhau ra bãi cỏ chơi, cười rúc rích. Đi ngang qua nhà í ới gọi tôi. Tôi ghét lũ trai dán con mắt vào gáy tôi mỗi lần tôi đi qua. Tôi muốn thương và một người đàn ông giống như Ải tôi, vợ không biết đẻ con trai cũng không bỏ đi lấy người khác...”.

Mỗi một con người mà May gặp, mỗi sự việc xảy ra đối với cô đều để lại một câu chuyện, một ý nghĩa, một bài học cho cuộc đời. Vì thế, May phải sống, phải trải nghiệm với những ám ảnh đắng cay để làm tròn bổn phận và sự hiếu nghĩa với mẹ cha, ông bà. Sự va đập của cuộc người, cuộc đời, cuộc sống hôn nhân và hoàn cảnh không may xảy ra với mình. Chồng May lại lâm bệnh trọng, May lại vùi đầu vào với nhiều trọng trách, gánh nặng cơm áo, sự gìn giữ mái ấm gia đình... Những bất trắc ấy như là sự đánh đố và thử thách đối với May...

Ngôn ngữ trong Làm dâu của Duyên Phùng rất giản dị, trong sáng, giàu tính nhạc, thấm đẫm chất thơ.... Câu chuyện kết thúc mở, với những day dứt, xót xa, đặt ra bao nhiêu câu hỏi và gợi lên trong lòng bạn đọc về bao giá trị nhân văn của cuộc sống.

“Duyên Phùng là cô gái Thái họ Phùng, tên trong tác phẩm là May và nick name là Duyên Phùng. May làm dâu nhà họ Hoàng, Tiên Lữ, Hưng Yên từ tháng 10/1991 khi mới 16 tuổi. May từng học cấp 3 trường dân tộc nội trú của tỉnh Lào Cai. Thật tiếc cho một tài năng văn học như Duyên Phùng lại không có cơ hội được đào tạo chuyên ngành Ngữ văn ở một trường đại học nào đó. Tuy nhiên, có lẽ cũng nhờ những cái không may đó của Duyên Phùng mà chúng ta được đọc một tác phẩm văn học tả thực hay đến vậy, rất núi rừng, rất chân quê, rất đời, rất đạo. Người đọc ngất ngây, sửng sốt về cách tả cảnh, lối viết ẩn dụ và kiến thức văn hóa đáng nể của Duyên Phùng cả về dân tộc Thái lẫn dân tộc Kinh” (Nguyễn Văn Nọi).

Nguyễn Văn Hòa