Lễ hội Le Monde

Tòa nhà không tên

Le Monde là nhật báo tư nhân hình thành năm 1944 khi nước Pháp được giải phóng. Tuy không phải là tờ báo được đọc nhiều nhất (hiện có 2,5 triệu độc giả, trong đó 500.000 độc giả mua báo dài hạn), nhưng được xem là tờ báo "tham khảo" trong công luận Pháp, tờ báo "quy chiếu" bên ngoài nước Pháp; có quy chế đảm bảo tính độc lập tương đối của bộ biên tập (tự bầu tổng biên tập) đối với chủ các cổ phiếu.

Trụ sở mới - không bảng tên nhưng cực kỳ nổi tiếng - khánh thành năm 2020 do nhóm kiến trúc Na Uy Snohetta đảm nhiệm.

Trụ sở Le Monde. Ảnh: IDEAT

Tòa nhà đồ sộ bảy tầng có diện tích 23.000 m2 là nơi sinh hoạt của 1.600 cộng tác viên, gồm hai tháp nối nhau kiểu vòm cầu do không thể can thiệp móng xuống những đường xe lửa của nhà ga Austerlitz kế cận. Nóc tòa nhà cấu thành bởi 1.200 bảng quang điện, đảm bảo cung cấp 33% điện năng.

Mặt tiền tòa nhà hình thành từ 20.000 mảng kính trong/mờ khác nhau, thay đổi màu sắc tùy góc nhìn, ánh nắng, mùa, giờ trong ngày. Nổi bật nhất là sân trước dưới vòm nhà - không gian mở hoàn toàn cho công chúng mà không có bất kỳ cản trở, che chắn nào, kể cả nhân viên bảo vệ! Cảm nhận tự do này rõ hơn khi về đêm bởi hệ thống chiếu sáng tạo nên “bầu trời” lấp lánh nghìn sao...

Trụ sở báo Le Monde khi về đêm. Ảnh: VL

Lễ hội trẻ của người già

Lướt qua kiến trúc, bài này chủ yếu nói về lễ hội thường niên lần thứ 9 của nhật báo Le Monde, tổ chức vào trung tuần tháng 9 mà người viết có dịp mục kích. Dự lễ hội Le Monde hầu hết là người đứng tuổi, cao tuổi so với thiểu số thanh niên. Con số 7.000 người tham dự Festival Le Monde 2023 trong ba ngày – theo tổng kết của tờ báo - không có được tính quần chúng sôi động nếu so sánh với 500.000 người dự lễ hội báo l’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cùng thời gian ở ngoại ô Nam Paris.

Phục vụ đối tượng độc giả đa phần trí thức của mình, chương trình lễ hội của Le Monde khá phong phú, bao gồm các sinh hoạt miễn phí tổ chức ở sân trước tòa nhà. Các dàn nhạc, ca múa cổ điển, nhạc nhẹ, nhạc tango, múa sam ba, diễn tập K-pop, khiêu vũ với ca sĩ tân nhạc và DJ… tuy nhộn nhịp nhưng không bao giờ đông đảo. Bạn sẽ xao xuyến khi thấy những người lớn tuổi - độc giả lâu năm của Le Monde nhảy múa. Nhìn họ, ta nhận ra ấn tượng “già” của Le Monde, cùng lúc, như tòa nhà trụ sở không tên tự tin, ta cũng cảm nhận tính bền vững và khát khao được “trẻ” của cơ quan truyền thông đại thụ.

Các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình lễ hội của Le Monde.

Một đặc điểm của lễ hội Le Monde là trao phần phối cảnh sân trước tòa nhà cho công ty đi đầu trong hoạt động "upcycling", tái chế vật liệu phế thải. Studio 5.5 đã có sáng kiến đến nhà in báo Le Monde thu gom tất cả vật phế thải bằng giấy, cao su, thiếc…, từ đó tạo dựng bàn ghế, trụ cột, cảnh trí… trong tinh thần "kinh tế vòng tròn" bảo vệ môi trường.

Olga và Sacha

Các sinh hoạt nội sảnh phải mua vé và đăng ký trước vì nhanh hết chỗ: tham quan tòa soạn, tiếp xúc ban biên tập, hội thảo, trình diễn kịch nói, xưởng nghệ thuật đường phố, giới thiệu ẩm thực… Trong đó ấn tượng nhất với người viết là buổi trình diễn “kịch đọc” mang tên Olga và Sacha - chương trình đinh của liên hoan.

Trong khán phòng 350 chỗ đầy ắp, khán/thính giả sẽ lắng nghe những trang “nhật ký chiến tranh” Ukraina của hai chị em Kurovska - Olga 34 tuổi ở Paris và Sacha 32 tuổi ở Kyiv (Kiev), mà các bức thư được tạp chí Le Monde Magazine đăng liên tục suốt năm đầu cuộc chiến, đã xuất bản thành sách.

Các sinh hoạt nội sảnh phải mua vé và đăng ký trước vì nhanh hết chỗ.

Qua diễn xuất-giọng đọc đầy cảm xúc của Juliette Léger (vai Sacha) và Macha Isakova (vai Olga), tiếng đàn ghi ta ray rứt của Jérome Castel, giọng hát tiếng Ukraina da diết của chính Olga, một ít ánh sáng, âm thanh phụ trợ; đạo diễn Marcel Bozonnet - nguyên giám đốc Nhà hát kịch quốc gia Comédie francaise đã làm nên một chương trình độc đáo, sâu sắc và cảm động.

Tiếng vỗ tay kéo dài nhiều phút khi chương trình kết thúc cho thấy nội dung vở-kịch-đọc đã thấm vào tâm trí người xem. Thông qua đường truyền vô tuyến từ Ukraina, sự xuất hiện trên màn hình của Sacha trong phần thảo luận với khán giả Paris càng khiến câu chuyện trở nên chân thực. Khán phòng lặng đi khi Olga nói: “Cái thảm khốc hơn cuộc chiến tranh thảm khốc, là sự kéo dài khiến nó bị quen, bị lãng quên”.

Quen biến thành quên - cụm từ buồn không chỉ cho chiến tranh…

Hạ Lian