Giáo dục giới tính học đường: Giải pháp ngăn ngừa tảo hôn

Là đơn vị đặc thù với 100% học sinh người DTTS, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh luôn tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… cho các em thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt nội trú và lồng ghép trong các tiết học. Riêng năm học 2023-2024, nhà trường còn tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo đó, nội dung cam kết gồm: không kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (tảo hôn), chỉ kết hôn khi đủ tuổi (nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi); không sống chung, sống thử như vợ chồng với người khác giới khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật; không quan hệ tình dục trước hôn nhân; bản thân và gia đình kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu về hôn nhân tại gia đình và địa phương nơi cư trú; đối với nữ, không để mang thai ngoài ý muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhân viên y tế Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh hướng dẫn học sinh ký cam kết chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh: M.T

Cô Tạ Thị Thu Huyền-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học này, toàn trường có 400 học sinh, trong đó, học sinh nữ chiếm gần 90%. Vì vậy, công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là điều vô cùng cần thiết nhằm giúp các em chủ động bảo vệ bản thân, không biến mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, có được một tương lai tươi sáng hơn. Ngoài các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong môn học, nhà trường còn có tổ tư vấn tâm lý học đường, sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ, giáo dục khi học sinh gặp vấn đề về tâm sinh lý, tình cảm; giúp các em nâng cao nhận thức về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Em Siu Phai (lớp 12A) chia sẻ: “Qua các hoạt động trong nhà trường, nữ sinh chúng em đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên và những hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, em càng quyết tâm học tập thật tốt để mai này có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi khi trở về thăm gia đình tại làng Grang (xã Ia O, huyện Chư Prông), em cũng tuyên truyền lại cho người thân và bạn bè của mình biết với mong muốn hủ tục này sớm được xóa bỏ”.

Tương tự, các nội dung về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thể chất, tinh thần và kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ, tình yêu học trò, bảo vệ an toàn cho bản thân… cũng được Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) thường xuyên chuyển tải đến học sinh ở cả 2 bậc học. Phó Hiệu trưởng Đỗ Quang Tuấn cho biết: “Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động lồng ghép những nội dung trên vào chương trình, kế hoạch dạy học; đồng thời, phối hợp với Phòng Tư pháp, Ban Dân tộc huyện và các đơn vị liên quan về tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp cho học sinh, nhất là học sinh người DTTS nhằm giúp các em nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng tảo hôn khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Toàn tỉnh hiện có 234 trường THCS, 47 trường THPT công lập, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Học sinh người DTTS bậc THCS có trên 46.200 em (chiếm 43,35%) và bậc THPT có trên 10.600 em (chiếm 22,33%). Theo ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, ngày 18-6-2021, Sở đã ban hành Kế hoạch số 1276/KH-SGDĐT về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” trong toàn ngành.

Trên cơ sở này, những năm qua, các trường học đã thực hiện tốt công tác truyền thông; tổ chức tư vấn, giáo dục giới tính, diễn đàn giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình trong hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, tọa đàm, thảo luận và trong các tiết học môn Giáo dục công dân, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật…

Đối với các đơn vị có đông học sinh người DTTS, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nhà trường còn tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết không bỏ học giữa chừng để lấy vợ/chồng, không kết hôn khi đang còn là học sinh THCS và THPT. Đặc biệt, nhiều trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ kịp thời những học sinh có nguy cơ tảo hôn; cung cấp cho các em những ấn phẩm truyền thông liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình, về những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân cũng như những hủ tục không còn phù hợp cần xóa bỏ.

Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) tổ chức ngoại khóa tư vấn tâm lý và sức khỏe tinh thần cho học sinh. Ảnh ĐVCC

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song từ năm 2021 đến tháng 5-2023, toàn ngành vẫn xảy ra 7 trường hợp học sinh tảo hôn ở độ tuổi 15 (đã học hết lớp 9); 2 học sinh tảo hôn ở độ tuổi 16 (đã học hết lớp 11); 2 học sinh tảo hôn ở độ tuổi 17 (đã học hết lớp 12). Riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, năm 2022 có 7 học sinh tảo hôn (2 em ở độ tuổi 15-16, 4 em ở độ tuổi 16-17 và 1 em ở độ tuổi 17); năm 2023 có 7 học sinh tảo hôn (3 em ở độ tuổi 15-16, 2 em ở độ tuổi 16-17 và 2 em ở độ tuổi 17).

“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai các kiến nghị của HĐND tỉnh sau giám sát về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, ngày 6-9, Sở GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến học sinh và phụ huynh về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tư vấn tâm sinh lý của học sinh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp có nguy cơ tảo hôn”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin thêm.

MỘC TRÀ