Giữ vị thế trung tâm du lịch lớn của cả nước

Dưới đây là một số ý kiến đóng góp của các nhà quản lý và doanh nghiệp lữ hành về vấn đề này.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh:

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ, ngày 4-7-2023, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ngành Du lịch thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội; quan tâm đến công tác quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch; thu hút đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch và công dân Thủ đô; tập trung thu hút đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch giai đoạn hậu Covid-19 như du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch đêm...

Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội cần tập trung triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch chủ đạo của du lịch Thủ đô theo các mùa, khu vực và thời gian hoạt động, phát triển du lịch Hà Nội theo hướng an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực vốn là thế mạnh của Thủ đô.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm.

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch và dịch vụ liên quan phục vụ khách du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu. Ngoài ra, cần lưu ý đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu...

Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng:

Đầu tư cho sản phẩm và điểm đến để tăng nguồn thu

Nếu như trước đây, du khách chủ yếu chọn điểm du lịch ở các tỉnh, thành phố miền Nam thì nay cơ cấu nguồn khách đã có sự dịch chuyển dần ra Hà Nội và bắt đầu ở thế cân bằng. Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, đặc biệt là vào mua thu và các ngày lễ lớn, Hà Nội đón rất nhiều du khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, nguồn thu từ du lịch chưa tương xứng với lượng khách tới Thủ đô.

Giải pháp trước mắt là Hà Nội cần rà soát từng điểm, đầu tư có chọn lọc để xây dựng các sản phẩm độc đáo, khác biệt gắn với mùa thu Hà Nội, các đường phố, điểm check-in đặc trưng hay thưởng thức mùa cốm, mùa sen Tây Hồ...

Cùng với đó, cần kéo giãn lượng khách từ khu vực nội đô ra khu vực ngoại thành Hà Nội để mở rộng, phát triển điểm đến, từ đó thu hút được nhiều khách đến và các địa phương mới có nguồn thu từ du lịch. Như vậy thì sẽ tạo nên sự cân bằng và hài hòa về phát triển du lịch giữa nội đô và ngoại thành.

Nếu so với các điểm đến, di tích nổi tiếng của các nước xung quanh, giá vé tham quan ở Hà Nội khá thấp so với mặt bằng chung. Ngành Du lịch cần đề xuất với HĐND thành phố để nâng phí vé tham quan, từ đó các điểm đến, di tích sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư trở lại cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và nâng cấp điểm đến.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, Chi nhánh Hà Nội:

Tập trung vào chính sách visa

Mới đây, Quốc hội đã thông qua chính sách nâng thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 15-8-2023, bao gồm nhiều nội dung mới, được kỳ vọng tạo đột phá để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để du khách đến Việt Nam và Hà Nội nhiều hơn nữa, ngành Du lịch cần tăng cường tuyên truyền về những điểm mới, ưu việt của chính sách này trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và trong các sản phẩm, chương trình quảng bá xúc tiến để lan tỏa đến khách quốc tế nhiều hơn. Những quy định này khá mới mẻ, nên nhiều du khách chưa kịp cập nhật và vẫn bị “đóng đinh” với suy nghĩ rằng việc cấp visa của Việt Nam rất khó khăn.

Khi chính sách visa cởi mở hơn, cần mở thêm đường bay thẳng từ các nước được miễn visa và các nước trong khu vực ASEAN để thu hút khách. Ngoài ra, nên thu hút thế hệ thứ 2, 3 của các gia đình Việt kiều về thăm quê hương. Thông qua các đại sứ quán, có thể lồng ghép các chương trình quảng bá về du lịch Việt Nam và Hà Nội để thu hút sự chú ý của họ, đặc biệt là về mùa thu Hà Nội - mùa đẹp nhất trong năm. Các thế hệ con em Việt kiều có thể có chuyến du lịch về thăm quê hương đầy ý nghĩa với những trải nghiệm thú vị và ấn tượng.

Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh:

Thúc đẩy phát triển kinh tế đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách

Hoạt động kinh tế đêm là một trong những giải pháp hiệu quả giúp thu hút khách đến Hà Nội. Nhiều du khách nước ngoài có ấn tượng rất tốt với Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận bởi các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực tại đây.

Nhưng cần sắp xếp, quy hoạch lại các khu vực phát triển dịch vụ kinh tế đêm sao cho quy củ, bài bản, an toàn và hiệu quả vì hiện nay, các nhà hàng ăn uống, mua sắm đều đang phát triển một cách tự phát, khá lộn xộn. Hơn nữa, quy định về giờ đóng cửa hiện nay không phù hợp để phát triển du lịch bởi du khách sẽ phải về ngủ sớm. Cần có quy định linh hoạt hơn về thời gian tổ chức các hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, qua đó tăng số thu từ khách du lịch.

Muốn làm được điều đó, cần có sự phối hợp của các ban, ngành liên quan nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cần quy hoạch các khu riêng biệt về ẩm thực, mua sắm, các không gian biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống để tạo cho du khách ấn tượng tốt về Thủ đô văn hóa.