Hà Nội trầm lắng sau sự đổ bộ của BlackPink?

Sau hai đêm diễn của BlackPink, thành phố Hà Nội thiếu vắng các chương trình nghệ thuật quốc tế

Vắng bóng sao quốc tế

Gần 1 năm kể từ khi hai đêm diễn của thành công khép lại, số lượng chương trình có sao quốc tế tại Thủ đô chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài những sự kiện quốc tế thường niên như Lễ hội gió mùa, HAY FEST được ấn định tổ chức tại Hà Nội, các ngôi sao quốc tế không chọn Hà Nội là điểm dừng chân. Nữ ca sĩ đình đám Katy Perry đã biểu diễn tại Hà Nội nhưng trong một lễ trao giải về khoa học, không phải sự kiện nghệ thuật bán vé.

Trong khi đó, tại TPHCM các sự kiện của các ngôi sao quốc tế liên tục được tổ chức thành công. Tháng 11/2023, cuộc đổ bộ của các sao Hàn: Lee Hyo Ri, , ZICO, Zion đã đốt cháy sân khấu GENfest (The Global City - TP Thủ Đức, TPHCM). Cũng trong tháng 11/2023, người hâm mộ nhóm nhạc Westlife đã có hai đêm diễn đầy cảm xúc tại sân vận động Thống Nhất (TPHCM). Mới đây, hai đêm diễn của thành viên nhóm nhạc EXO - Baekhyun thành công rực rỡ với hàng nghìn khán giả.

Thực tế, thành phố à Nội không thiếu sức hấp dẫn với các ngôi sao quốc tế, bằng chứng là cuối năm 2023 hàng chục ngôi sao Hàn Quốc đã lên kế hoạch biểu diễn trong đại nhạc hội Hàn - Việt kéo dài hai đêm tại sân vận động Mỹ Đình. Tuy nhiên, vì một số lý do bất khả kháng, chương trình bị hủy vào phút chót. Trước đó, vào năm 2019, một đại nhạc hội Hàn - Việt tại sân vận động Mỹ Đình cũng bị hủy trong phút chót.

Phú Quốc đón thành công hai ngôi sao quốc tế Charlie Puth, Maroon 5

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chương trình lớn như của BlackPink tại Hà Nội chỉ dừng lại ở một sự kiện, chưa trở thành một xu hướng. Ông khẳng định, việc tổ chức đêm diễn lớn như của BlackPink hay đón các ngôi sao lớn không dễ xảy ra. Dù khó có thể so sánh, nhưng PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Singapore đã khá vất vả để có thể có được các buổi biểu diễn của Taylor Swift.

“Hà Nội cần rút ra những bài học cụ thể để có thể tổ chức tốt hơn những chương trình biểu diễn lớn để khẳng định thương hiệu điểm đến nghệ thuật hàng đầu khu vực cho các ngôi sao thế giới, và lan tỏa ảnh hưởng sang sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Chưa có nhiều chính sách hấp dẫn

Các đơn vị tổ chức sự kiện khẳng định, chương trình, sự kiện biểu diễn quốc tế có chất lượng cao, đòi hỏi ê-kíp của nước sở tại phải có chất lượng tương đương. Tuy nhiên, chất lượng, nhân sự của các đơn vị sản xuất Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và chỉ là đơn vị hỗ trợ.

“Với những sự kiện quốc tế như đêm diễn BlackPink, đơn vị sản xuất Việt Nam chỉ mang tính hỗ trợ, bởi nhân sự chủ chốt thực hiện đêm diễn đều đến từ nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore... Tất cả trang thiết bị từ sân khấu tới dưới khán đài đều nhập từ các nước với số lượng hơn 30 container”, bà Đỗ Huyền Trang, Giám đốc điều hành Media Max - đơn vị tổ chức nhiều sự kiện lớn trong đó có đêm nghệ thuật giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc 2022 cho biết. Bên cạnh đó, chi phí tổ chức các buổi diễn quốc tế rất tốn kém, lên tới cả trăm tỷ đồng khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp nao núng.

Một trong những nguyên nhân khiến thành phố Hà Nội thiếu sức hút là việc thiếu các thiết chế văn hóa lớn, đặc biệt là các trung tâm nghệ thuật. Ngoài ra, sự năng động, nhanh nhẹn của đơn vị tổ chức nghệ thuật, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của người dân... là những nguyên nhân khiến thành phố Hà Nội kém thu hút hơn so với các tỉnh, thành khác.

Sau thành công của BlackPink tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội từng khẳng định với Tiền Phong, chính sách thiếu đột phá khiến công nghiệp văn hóa Thủ đô chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực văn hóa. “Trong vài năm gần đây, môi trường thể chế dù có nhiều thay đổi, nhưng cho đến thời điểm này chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng được sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên, các thành tố văn hóa với khoa học công nghệ. Chính vì vậy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hà Nội chưa độc đáo, chưa thể hiện thật sự sống động bản sắc văn hóa”, ông Nguyễn Văn Phong nêu.

Để tháo gỡ những vướng mắc về thiếu thiết chế văn hóa, lãnh đạo thành phố định hướng Hà Nội sẽ tập trung vào thu hút và hỗ trợ đầu tư và quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao. Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

GIA LINH