Hàn Quốc kiểm tra sức khỏe, điều trị tâm lý cho giáo viên trước áp lực công việc

Thầy giáo khóc thương đồng nghiệp trước một trường tiểu học ở Daejeon ngày 8/9. Ảnh: Yonhap

Theo hãng thông tấn Yonhap, kế hoạch này được Bộ Giáo dục và Bộ Y tế Hàn Quốc phối hợp đưa ra trong bối cảnh lo ngại về tình trạng trầm cảm tập thể trong cộng đồng giáo viên sau loạt vụ tự tử của giáo viên trước áp lực từ phụ huynh và học sinh ngỗ ngược trong trường.

Mới đây, một giáo viên tại thành phố Daejeon trong độ tuổi 40 đã tự tử ở sau khi liên tục 4 năm phải chịu đựng những lời phàn nàn từ phụ huynh của một học sinh mà cô từng kỷ luật vì có hành vi ngang ngược trong lớp.

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết các giáo viên sẽ được kiểm tra sức khỏe tâm thần trong học kỳ hai năm nay. Bên cạnh đó, những giáo viên nào có nhu cầu cũng sẽ được tham gia các chương trình tư vấn tại các trung tâm điều trị quốc gia dành cho giáo viên hoặc trị liệu tâm lý tại các trung tâm y tế tư nhân.

Các bài kiểm tra sẽ được thực hiện trực tuyến hoặc tại các trung tâm sức khỏe tâm thần hoặc trung tâm điều trị cho giáo viên của Bộ Y tế trên toàn quốc, ưu tiên cho các giáo viên mẫu giáo, tiểu học và giáo dục đặc biệt.

Bộ Y tế Hàn Quốc cũng có kế hoạch cung cấp dịch vụ tư vấn di động cho giáo viên. Đây là những chiếc xe buýt chở theo chuyên gia tư vấn tâm lý đến các trường để đánh giá tình hình sức khỏe tâm thần của giáo viên một cách kịp thời.

Trong tương lai, chính phủ cũng sẽ tạo ra một công cụ kiểm tra tâm lý đặc biệt dành cho giáo viên và tiến hành kiểm tra thường xuyên hai năm một lần. Đây là lần đầu tiên chính phủ nỗ lực tạo ra một công cụ kiểm tra sức khỏe tâm thần như vậy cho một nhóm nghề nhất định.

“Hồi phục sức khỏe tâm thần của giáo viên là điểm khởi đầu hướng tới sự bình thường hóa giáo dục công”, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết, đồng thời cam kết duy trì một đội ngũ đặc biệt chuyên hỗ trợ các giáo viên gặp khó khăn.

Tâm điểm dư luận ở Hàn Quốc đang tập trung vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần mà các giáo viên đang phải đối mặt. Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử từ năm 2018 đến tháng 6/2023. Đáng chú ý, 11 trường hợp đã xảy ra trong nửa đầu năm 2023.

Đánh giá đây là một tình huống nghiêm trọng mà các trường học đang gặp phải, bác sĩ tâm thần Kim Hyun-soo lãnh đạo Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc hồi tháng 7 đã đưa ra lời kêu gọi thành lập một cơ chế để hỗ trợ giáo viên và bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng. Nhu cầu thay đổi cơ chế đã thôi thúc các giáo viên tập trung biểu tình ở Seoul trong nhiều ngày liên tiếp.

Trước đây, theo luật phúc lợi trẻ em được thông qua năm 2014, có quy định “làm tổn hại đến sức khỏe hoặc phúc lợi của trẻ em, hoặc thực hiện hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần hoặc tình dục hoặc các hành vi tàn ác” sẽ cấu thành tội lạm dụng trẻ em. Chính vì vậy giáo viên bị buộc tội lạm dụng trẻ em sẽ tự động bị đình chỉ và sẽ bị pháp luật trừng phạt.

Các giáo viên cho biết điều này đã làm sai lệch vai trò tương tác của giáo viên với cả học sinh và phụ huynh, vì giáo viên không thể đưa ra biện pháp kỷ luật, ngay cả khi tình huống cho phép.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yonhap)