Kim Sơn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Trường Tiểu học Lưu Phương trang bị các thiết bị công nghệ phục vụ học sinh học tập.

Hiện nay, những phương pháp dạy và học theo kiểu truyền thống như cô giáo giảng bài, học sinh nghe và ghi chép đã dần được thay đổi. Các tiết học ngay từ bậc mầm non đều đã được giảng dạy dưới nhiều hình thức khác nhau, kết hợp cùng các thiết bị thông minh, giúp giáo viên giảm bớt phần thuyết giảng, học sinh chủ động và có thêm thời gian thảo luận, nêu quan điểm, ý kiến, từ đó có thể hiểu bài và nắm vững kiến thức ngay trên lớp.

Tại Trường Tiểu học Lưu Phương, trước đây, mỗi giờ học thầy đọc, trò chép thì nay nội dung bài giảng phong phú, hấp dẫn, tăng tính tương tác giữa thầy và trò, kích thích sự sáng tạo của học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Hằng, giáo viên bộ môn Tin học, Trường Tiểu học Lưu Phương cho biết: Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, chúng tôi đã tự cập nhật kiến thức, đồng thời được tập huấn nâng cao trình độ, từ đó áp dụng CNTT vào giảng dạy ở tất cả các bộ môn. Thông qua những hình ảnh minh họa, tăng tính tương tác giữa cô và trò, giúp các em tiếp thu bài giảng nhanh, hiệu quả hơn. Với bản thân tôi, xác định rõ muốn ứng dụng tốt CNTT, bản thân mình phải tìm hiểu và say mê với những đổi mới, tiến bộ không ngừng của giáo dục thời đại công nghệ. Khi giáo viên có trình độ chuyên môn vững, dạy tốt môn Tin học, giúp học sinh làm quen với máy tính, với công nghệ, từ đó yêu thích và tích cực tham gia các cuộc thi qua mạng Internet dành cho học sinh tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn cho nhà trường.

Em Vũ Trung Hiếu, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lưu Phương cho biết: Hiện nay, trong nhiều tiết học, thay vì phải ghi chép dài, chúng em được kết hợp xem hình ảnh và được cô giáo gợi ý để suy nghĩ, tìm hiểu và thể hiện hiểu biết của mình nên nếu bạn nào tập trung, chăm học, thích học thì về nhà chỉ cần xem lại một chút là có thể thuộc và hiểu bài. Em yêu thích môn Tin học nên các tiết học tại phòng máy tính của trường, em thường hỏi thầy cô để nâng cao trình độ cho mình. Hiện em đã biết lập trình cơ bản, tiến tới sẽ tích cực học thêm để nâng cao dần kỹ năng lập trình, phấn đấu sau này trở thành một lập trình viên...

Theo cô giáo Đinh Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Phương, để ứng dụng và thực hiện hiệu quả CNTT trong các giờ học, tất cả các lớp đều có ti vi kết nối mạng Internet. Nhà trường được đầu tư 1 phòng tin học khang trang, đảm bảo mỗi em có một máy tính và được học 2 tiết/tuần.

Bên cạnh đó, Trường còn chỉ đạo giáo viên bộ môn chủ động nghiên cứu, thiết kế bài giảng theo hướng sáng tạo, tích cực. Nhờ vậy, tuy mới thực hiện chương trình môn Tin học nhưng các em học sinh đã thực hiện tốt và đạt giải thưởng trong các cuộc thi qua mạng. Năm học 2021-2022, toàn trường có 232/700 em đạt giải, trong đó có 16 giải Quốc gia, 59 giải cấp tỉnh.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy và học vừa góp phần đổi mới phương thức quản trị tại các cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục, vừa giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng, huy động sự hợp tác giữa thầy với trò và giữa trò với trò, hướng đến xây dựng nền giáo dục hiện đại.

Giờ dạy học áp dụng CNTT cho trẻ tại Trường Mầm non Lưu Phương.

Tại các trường mầm non, mặc dù là bậc học thấp nhất, học sinh còn nhỏ tuổi nhưng việc áp dụng CNTT vào dạy học đã cho thấy có sự đóng góp đáng kể trong sự phát triển toàn diện của học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Hồng Trang, giáo viên Trường Mầm non Lưu Phương cho biết: Với sự quan tâm của nhà trường trong việc đầu tư thiết bị công nghệ như ti vi, đường truyền Internet, mỗi giáo viên chúng tôi đã học hỏi thêm các kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ và mua sắm thêm các thiết bị để sử dụng trong các giờ dạy của mình, giúp trẻ say mê, yêu thích và tích cực hợp tác.

"Đơn cử như việc dạy các chủ đề về động vật, thực vật đối với trẻ mầm non từ 3-4 tuổi. Bằng các video, hình ảnh, phim hoạt hình được khai thác trên mạng, các em nhỏ có thể quan sát trực tiếp, rõ ràng qua màn hình ti vi, trình chiếu dưới sự hướng dẫn, thuyết minh của cô giáo, giúp các em hiểu về các chủ đề và cảm thấy thú vị hơn... Bởi thực tế, việc bố trí các mô hình, học cụ, nguyên vật liệu... bằng hình ảnh thật tại các trường mầm non thường khó đủ điều kiện để thực hiện được. Do đó, việc tổ chức cho trẻ khám phá bằng hình ảnh thông qua màn hình ti vi, điện thoại cũng là cách giáo dục phù hợp với xu thế hiện nay..." - cô giáo Bùi Thị Hồng Trang chia sẻ.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo và các kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Sơn đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh, của huyện về kỷ cương, kỷ luật hành chính; về kỷ cương, nền nếp trường học, về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả, sát tình hình thực tế kế hoạch chuyển đổi số như: nâng cấp đường truyền Internet của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường học; chủ động mua sắm thiết bị (hầu hết các trường đã có phòng họp trực tuyến, sử dụng hiệu quả trong thời gian dịch COVID-19 và hiện nay vẫn đang sử dụng). Lắp đặt hệ thống camera an ninh, quản lý nội bộ hoạt động tại các trường.

Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các cơ sở giáo dục đã cắt giảm tối đa hồ sơ bản giấy. Theo đó, 100% văn bản thường của Phòng ký số; triển khai áp dụng chữ ký số đối với ký duyệt giáo án, sổ điểm; thử nghiệm ký số đối với học bạ… Quản lý thiết bị, thư viện, tài sản công trên phần mềm chuyên dùng. Việc mua sắm thiết bị, phần mềm thông minh phục vụ dạy và học cũng có sự thay đổi, như sử dụng tivi kết hợp bảng viết phấn; trang bị phần mềm soạn giáo án để giáo viên có công cụ thuận lợi xây dựng kế hoạch bài dạy nhưng đồng thời phải tư duy sáng tạo khi soạn bài; khai thác sử dụng thiết bị dạy học ảo (tranh ảnh, bản đồ, mô hình, thí nghiệm…).

Các cơ sở giáo dục đã thực hiện không sử dụng tiền mặt. 100% các trường đã mở tài khoản để phụ huynh nộp các khoản theo quy định; vận dụng các phần mềm, tiện ích để tạo thuận lợi cho phụ huynh, như phần mềm Misa, dịch vụ của Viettel, VNPT để phụ huynh đóng góp theo quy định mà không phải nộp tiền mặt tại trường. Đồng thời, việc tiếp nhận các công văn, giấy tờ, văn bản... giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường được thực hiện phần lớn qua môi trường mạng, giảm dần việc thực hiện bằng văn bản giấy, từ đó kiểm soát được quá trình tiếp nhận và xử lý văn bản của Phòng và các cơ sở giáo dục trong toàn huyện...

Bài, ảnh: Hạnh Chi