Loại quả chỉ có ở Thanh Hóa, xưa đầy người biết, giờ thành đặc sản tốt cho sức khỏe với 40.000 đồng/kg

Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi, quyết rừng) là loài cây bản địa, thường mọc trên sườn núi cao huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Nó có tên tiếng Thái cổ là “pén hoi”, vùng Pù Luông gọi là “nghia hoi”.

Câu quýt hôi có đặc điểm: thân có cành lá xum xuê và cao hàng chục mét; thường mọc ở những nơi thưa thớt nên tán lớn; quả khi thu hoạch to bằng chén trà loại nhỏ, lúc chín ngả màu vàng cam, vỏ hơi sần sùi rất dễ bóc.

"Trước đây, quýt hôi mọc tự nhiên trong rừng, trên các sườn núi. Sau này, nhận thấy giá trị kinh tế nên người dân quê mình dùng hạt để ươm mầm và nhân giống trồng thêm nhiều cây mới.

Việc ươm giống và chăm sóc không quá khó, sau 1 năm chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển, có thể để cây phát triển hoàn toàn tự nhiên. Hiện chúng đã mang lại cho người dân vùng núi quê mình thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm", chị Thanh (32 tuổi, ngụ Bá Thước) cho hay.

Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi, quyết rừng) là loài cây bản địa, thường mọc trên sườn núi cao huyện Bá Thước (Thanh Hóa)

Cũng theo người phụ nữ, quýt hôi chua hơn các loại quýt khác nhưng có vị rất riêng. Khi ăn, chúng ta sẽ cảm nhận vị đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Ngoài phần ruột bên trong, phần vỏ của chúng có mùi thơm rất đặc trưng, người dân địa phương chúng tôi thường lấy vỏ làm gia vị tạo hương thơm khi nấu món canh ốc và một số món ăn khác.

Trên chợ mạng có vài địa chỉ bán quả quýt hôi với giá từ 20.000-40.00 đồng/kg. "Mình nhớ xưa cứ tới mùa thu hoạch, người dân thường hái quả mang ra chợ bán, giá trị không cao. Vài năm gần đây, loại quả này được nhiều người ưa chuộng, chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị nên cứ tới mùa, thương lái đến tận vườn thu mua, người trồng bớt vất vả, thu nhập lại ổn định", chị Thanh nói.

Ngoài phần ruột bên trong, phần vỏ của chúng có mùi thơm rất đặc trưng

Theo chị Thanh, người dân quê trồng quýt hôi chia làm 2 loại, trồng để lấy quả và lấy vỏ. Một số nơi chủ yếu trồng và phát triển tự nhiên (không bón phân) nên vỏ rất dày, nhiều tinh dầu, sẽ dùng để lấy vỏ làm trà. Một số chỗ khác trồng để bán quả làm đặc sản, vì thơm ngon nên loại quả này rất được ưa chuộng trên thị trường vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo tìm hiểu, vỏ quýt hôi còn có rất nhiều tác dụng mà mọi người vẫn chưa biết tới. Trong đông y, vỏ quýt hôi còn gọi là trần bì, khi dùng làm thuốc thì tốt nhất là dùng ở dạng khô, càng để lâu càng tốt. Trần bì tính ấm, có tác dụng kiện vị (khỏe dạ dày), long đờm, trị ho, trị phong, lợi tiểu, chữa ợ hơi, đau thượng vị.

Khai Tâm