Lối nào cho phim fantasy thuần Việt?

Là ẩn số của mùa phim cuối năm 2023, "Người mặt trời" của đạo diễn Timothy Linh Bùi là bộ phim hiếm hoi có yếu tố giả tưởng. Với đoạn "nhá hàng" mới đây, phim hé lộ về cuộc chiến giành sự sống giữa con người và ma cà rồng. Nhà sản xuất cho biết cốt truyện diễn ra ở một thành phố giả tưởng vừa quen vừa lạ. Ở đó, những ma cà rồng khát máu săn tìm con mồi. Sau tất cả, bộ phim gửi đi thông điệp về tình anh em, về ý nghĩa của việc làm người.

Đạo diễn Timothy Linh Bùi tiết lộ: "Khán giả có thể kỳ vọng đây là một bộ phim với nhiều cảnh hành động, nhưng đây không phải phim hành động. Rất nhiều máu, nhưng không phải phim kinh dị. Rất hồi hộp, nhưng không phải phim thriller giật gân". Có thể kỳ vọng, màu sắc fantasy sẽ xuất hiện đậm đặc trong bộ phim này.

Poster phim "Người mặt trời".

Ngoài "Người mặt trời" sắp ra rạp, một dự án fantasy khác đậm chất thần thoại mang tên "Cố nội anh là Thủy Tinh" cũng được công chúng mong chờ. Dự kiến ra rạp vào mùa Tết 2023, nhưng đạo diễn Đức Thịnh phải hoãn lại vì việc tuyển lựa diễn viên vẫn còn dang dở. Pha màu sắc thần thoại vào cuộc sống hiện đại, tác phẩm được kỳ vọng là cú trở lại ngoạn mục của đạo diễn Đức Thịnh.

So với những năm trước, dòng phim giả tưởng, kỳ ảo có dấu hiệu chững lại. Lên ngôi ở phòng vé hiện nay là những bộ phim mang chất đời thường, bình dân hoặc thể loại giật gân. Phải chăng sự "khó nhằn" của dòng fantasy với vô số pha "ngã ngựa" khiến nhà làm phim không còn hào hứng? Thực tế thể loại này vẫn là mảnh đất rất mới mẻ, giàu tiềm năng với điện ảnh Việt.

Vì mới mẻ nên đến nay, vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa phim fantasy với phim khoa học viễn tưởng (sci-fi) hoặc phim kinh dị (horror). Quả thực ba dòng phim này có nhiều điểm chung: cùng khai thác về một thế giới với những con người, hiện tượng huyền bí, kỳ lạ. Tuy nhiên, ba dòng lại có những đặc điểm riêng để phân định. Dòng khoa học viễn tưởng dựa trên các căn cứ khoa học để hư cấu nên thế giới, sinh vật tưởng tượng (thế giới và sinh vật đó có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai). Sci-fi thường khai thác về các chuyến du hành không gian, thế giới tương lai, người ngoài hành tinh, thảm họa diệt vong vì một hóa chất hay sinh vật nào đó… Ở Việt Nam, phim "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" (đạo diễn Hàm Trần), "Nước 2030" (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) là tác phẩm điển hình của dòng sci-fi.

Trong khi đó, thế giới siêu nhiên của fantasy không thể giải thích bằng căn cứ khoa học. Nó là thế giới hoàn toàn của trí tưởng tượng bay bổng, không tồn tại giữa đời thực. Đó là sinh vật có phép thuật, một thế giới huyền diệu với các hiện tượng kỳ lạ, nhân vật chính xuyên không về quá khứ hay tương lai hoặc hoán đổi thân xác với người khác… Do vậy, những câu chuyện thần thoại, cổ tích cũng được xếp vào dòng này. Nếu thể loại kinh dị thiên về cảnh máu me, rùng rợn, bạo lực để hù dọa khán giả thì thể loại kỳ ảo, giả tưởng không chú trọng điều đó.

Điện ảnh thế giới có hàng loạt phim fantasy đình đám như "Harry Poster", "Chúa nhẫn", "Alice ở xứ sở thần tiên", "Alice và thế giới trong gương", "Cuộc chiến của những vì sao", "Chạng vạng", "Người yêu tôi là Hồ Ly"… thì ở điện ảnh Việt, số phim được coi là tạm ổn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những người tiên phong khai thác thể loại này với phim "Nụ hôn thần chết" và "Giải cứu thần chết". Về sau, nhiều nhà sản xuất cũng thử sức. Có thể kể đến "Lửa Phật", "Fan cuồng", "Hồn pa pa, da con gái", "49 ngày", "Nhân duyên - Người yêu tiền kiếp", "Người lạ ơi", "Cậu chủ ma cà rồng"… Ngô Thanh Vân cũng là nhà sản xuất theo đuổi fantasy khi ra mắt "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Ngày nảy ngày nay"…

Nhìn chung, phim fantasy thuần Việt đều có ý tưởng hấp dẫn, sáng tạo. Thể loại fantasy cho phép nhà làm phim tha hồ tưởng tượng, biến hóa. Những câu chuyện kỳ lạ diễn ra trong đời sống thực hay mượn thần thoại, cổ tích để làm nền thì vẫn gây chú ý ban đầu vì ý tưởng táo bạo. Ý tưởng thì táo bạo nhưng những cái tên để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ quá ít ỏi so với lượng phim ra rạp.

Các đề tài xuyên không về quá khứ trong "Fan cuồng" hay "Thiên sứ không phép màu", cha con hoán đổi xác thân trong "Hồn papa, da con gái" … nghe qua có vẻ rất hấp dẫn. Thế nhưng khi thể hiện lên phim, khán giả vẫn thấy chưa thỏa mãn khi kịch bản non tay, cách diễn xuất gượng gạo không phù hợp tâm lý nhân vật, tình tiết lan man, thiếu hợp lý. Là người chuyên viết truyện mang yếu tố fantasy, nhà văn Phạm Bá Diệp thừa nhận: "Dù thế giới trong fantasy hoàn toàn tưởng tượng nhưng sự tưởng tượng đó cũng phải hợp lý trong thế giới của riêng nó. Người sáng tạo không thể tùy ý thích cài cắm cái gì là cài cắm".

Tạo hình và kỹ xảo trên poster phim "Cố nội anh là Thủy Tinh" bị chê tơi tả.

Ở dòng fantasy, kỹ xảo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các yếu tố siêu nhiêu, biến hóa, phép màu… phải được thể hiện thật đã mắt, choáng ngợp. Tai hại thay, đây lại là điểm yếu nan giải của phim Việt. Không ít phim như "Người lạ ơi", "Thiên sứ không phép màu"… khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm vì kiểu biến hóa, bay lượn xuyên không… y như phim thời "một chín trăm hồi ấy".

Chuyên gia kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh cho hay, vì kinh phí eo hẹp của nhà sản xuất cộng với hệ thống máy móc, công nghệ ở Việt Nam còn khiêm tốn nên kỹ xảo trong phim thường rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Nghĩa là đầu bộ phim, kỹ xảo rất bắt mắt, tự nhiên. Nhưng càng về sau, kỹ xảo càng sơ sài, cẩu thả. Có vẻ như chuyên viên chỉ làm cho xong nhiệm vụ với hầu bao đang cạn dần của nhà sản xuất. Tiền nào của đó là điều hiển nhiên. Sự thiếu hụt máy móc, công nghệ hiện đại khiến giới kỹ xảo trong nước bó tay trước các đại cảnh hoành tráng. Nếu đoàn phim nào chơi lớn, có đủ hầu bao thì họ sẽ khăn gói sang nước ngoài để dàn dựng những kỹ xảo đại cảnh này. Nhưng ekip chịu chi như thế không nhiều.

Nhà sản xuất Quỳnh Chi (phim "Nhân duyên - Người yêu tiền kiếp") cho biết: "Dòng phim này không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian, vì xử lý các cảnh kỹ xảo rất lâu". Đầu tư kinh phí lớn nhưng đầu ra chưa được như kỳ vọng khiến các nhà sản xuất khá dè chừng dòng phim này.

Ngoài chuyện ngốn kinh phí và thách thức kỹ xảo, khó khăn đầu tiên mà người trong giới đều kêu trời chính là nguồn kịch bản. Đạo diễn Việt Linh từng ví von, kịch bản như tấm bản đồ chỉ đường. Nếu chúng ta có xe hơi xịn nhưng không có tấm bản đồ ấy thì mãi mãi chúng ta không biết mình phải đi từ đâu đến đâu. Nhìn lại các bộ phim fantasy bom tấn nước ngoài, dễ dàng nhận thấy nguồn kịch bản đến từ kho văn học hấp dẫn và dồi dào.

Phim fantasy "made in Việt Nam" khó có thể liên tục ra mắt và làm nên chuyện khi dòng văn học fantasy ở nước ta vẫn còn quá trầm lắng. Chỉ một vài nhà văn theo đuổi thể loại này và đa số là người trẻ như Phan Hồn Nhiên (với tác phẩm như "Những đôi mắt lạnh", "Chuỗi hạt Azoth", "Xuyên thấm"…), Phạm Bá Diệp ("Urem - Người đang mơ", "Yagon - Những kẻ vô cảm"), Nhật Phi ("Người ngủ thuê")…

Fantasy Việt Nam vẫn chỉ là kiểu thể nghiệm bước đầu hoặc chủ yếu nặng tính giải trí để đáp ứng bạn đọc chứ chưa chú trọng chất văn chương, sự thần bí và tính tư tưởng. Do đó tác phẩm đỉnh cao tạo tiếng vang, gây ấn tượng mạnh với công chúng gần như không có. Nhà làm phim thì chỉ ưu ái tác phẩm nào thu hút lượng công chúng lớn để đảm bảo đầu ra.

Việc khơi thông dòng văn học fantasy đi liền với hy vọng khởi sắc của thể loại này trên màn bạc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng thể loại phim kỳ ảo, giả tưởng luôn hấp dẫn khán giả vì nó là món ăn mới, lạ miệng. Với khán giả Việt Nam, phim fantasy thuần Việt là dạng phim rất được đón đợi. Nhưng để đáp ứng kỳ vọng đó, ekip phải làm cho tới cả về kịch bản, kỹ xảo, diễn xuất…, nếu không sẽ dễ trở thành thảm họa màn ảnh.