Ngôi làng cổ 500 năm tuổi ở Huế có cơ hội được nâng hạng di tích

Lâu nay, đông đảo du khách biết đến làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, ừa Thiên Huế) như một điểm đến tìm về với chốn yên bình, tĩnh lặng. Ở đó, du khách được hòa mình vào không gian nhà vườn, nhà rường, trải nghiệm làm gốm, chiêm ngưỡng tác phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng...

Trải qua thời gian hơn 500 năm, ngôi làng cổ Phước Tích vẫn lưu giữ được giá trị của ngôi làng di sản như hàng chục nhà rường cổ có tuổi đời trên 100 năm tuổi, hệ thống đình, chùa, miếu và dấu tích văn hóa Champa... Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch.

Không xanh xanh mướt ở ngôi làng cổ.

Ấn tượng với du khách chính là những ngôi nhà ở làng cổ này luôn được bao bọc xung quanh với hệ thống hàng chè tàu xanh mướt, tạo nên vẻ đẹp trong lành, bình yên của ngôi làng quê Việt cổ kính.

Khoảng 15 năm trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích. Ngôi làng cổ thứ hai Việt Nam xếp hạng di tích Quốc gia này đã được địa phương đầu tư toàn diện để bảo tồn và khai thác hiệu quả như trùng tu, đưa vào khai thác du lịch những ngôi nhà rường, chỉnh trang điểm di tích Miếu Cây thị, 12 Bến nước...

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Giám đốc BQL Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, công tác phát triển du lịch tại làng cổ được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của người dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự tích cực, chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ban quản lý làng cổ nên các hoạt động du lịch tại đây được tổ chức, khai thác có hiệu quả bằng những chương trình, tour, tuyến phù hợp với những đặc trưng vốn có của làng di sản Phước Tích.

Du khách tham quan nhà rường.

“Phước Tích có 12 dịch vụ tham quan trải nghiệm như Dịch vụ tham quan nhà rường, bộ sưu tập gốm, Dịch vụ thuyền máy, Dịch vụ xe đạp, Dịch vụ ẩm thực, Dịch vụ homestay, Dịch vụ Quảng diễn gốm, chèo sup trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng... với hơn 40 người tham gia, doanh thu hàng năm bình quân 100 triệu đồng”, ông Nam thông tin.

Đặc biệt, với sản phẩm du lịch phiên chợ “Hương xưa làng cổ” đã thu hút hàng ngàn du khách về tham quan, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm làm gốm Phước Tích, thưởng thức trà sen, tham gia trò chơi dân gian...

Ông Nam cho biết, trong năm 2020, làng cổ đã tổ chức được 3 phiên chợ “Hương xưa làng cổ”, thu hút được 2.150 khách về tham quan, mua sắm. Trong năm 2022 đã tổ chức được 4 phiên chợ “Hương xưa làng cổ”, thu hút được 8.992 khách về tham quan, mua sắm.

Ông Lê Trọng Diễn – người có hàng chục năm kinh nghiệm làm gốm Phước Tích kể về nghề gốm.

Trong suốt quá trình hình thành và tồn tại, các di tích lịch sử văn hóa đã hội tụ chức năng là những trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của làng. Trong đó, những ngôi đình, chùa, miếu luôn giữ vai trò là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của làng xã, mà đỉnh cao là các lễ hội của làng như lễ giỗ ngài khai canh Hoàng tướng công cùng 12 họ tộc (sau tăng lên 19 họ tộc), lễ tế tổ sư nghề Gốm, lễ cầu Kỳ yên…

“Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội được diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương. Qua đó, tạo được sức lan tỏa, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân các xã, thị trấn và du khách các địa phương, trong nước, ngoài nước tham gia trải nghiệm”, ông Nam chia sẻ.

BQL Làng cổ Phước Tích cũng đã phối hợp với người dân xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác đón tiếp, phục vụ khách du lịch; Hỗ trợ người dân tham gia dịch vụ du lịch, tập huấn về kỹ năng đón tiếp khách, phục vụ khách du lịch, phương pháp trang trí các món ăn, tập huấn làm bánh tiến vua, bánh ngũ sắc cho các dịch vụ du lịch, hỗ trợ một số trang thiết bị nâng cao chất lượng homestay...

Anh Lương Thanh Hiền làm gốm Phước Tích.

Tỉ mỉ từng công đoạn làm gốm.

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích, nhằm bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc, góp phần phát huy giá trị di tích, đầu năm 2024, UBND Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị thỏa thuận chủ trương nâng cấp xếp hạng di tích Làng cổ Phước Tích lên di tích Quốc gia đặc biệt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Phong Điền về việc nâng cấp di tích quốc gia làng cổ Phước Tích thành di tích Quốc gia đặc biệt, BQL Làng cổ Phước Tích đã phối hợp với UBND xã Phong Hòa, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân về nâng cấp di tích và bà con đã đồng thuận 100%.

Bộ sưu tập gốm của ông Diễn.

Hoạt động đón tiếp khách du lịch có nhiều khởi sắc...

Trong khi đợi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, UBND huyện Phong Điền phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế tiến hành lập hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận.

Theo ông Nam, khi trở thành di tích Quốc gia đặc biệt, các hoạt động về bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích sẽ được quan tâm, chú trọng hơn nữa nhằm khai thác, bảo tồn một ngôi làng cổ xứng tầm với vị thế và lịch sử vốn có của nó.

“Từ đó, các thiết chế của làng như đình, chùa, miếu được tiếp tục trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị này… Người dân tham gia hoạt động du lịch sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động đón tiếp khách du lịch về tham quan, trải nghiệm tại làng, nâng cao thu nhập...”, ông Nam cho biết thêm.

Nguyễn Hiệp