Nhà văn Phạm Công Thắng, ngòi bút của thân phận

Phạm Công Thắng.

Vì sao Phạm Công Thắng tổ chức đến ba cuộc ra mắt? Lần đầu, anh muốn dành sự chân tình cho các nhà văn xứ Thanh hiện sống và viết tại Hà Nội. Có mặt tại buổi ra mắt đầu tiên, trong số các nhà văn, nhà thơ, có người đã thành danh trên văn đàn như: Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự; nhà thơ, TS. Lê Tuấn Lộc; nhà thơ, TS. Phạm Đình Ân. Mỗi lần như thế khoảng 20 người, đủ ấm áp trong một không gian “Ký ức nhiếp ảnh” tại tầng 2, tư gia.

Bão đời gồm 19 truyện ngắn, dày gần 180 trang. Tên tập truyện cũng là tên truyện ngắn “Bão đời”, về cuộc đời, số phận của nhân vật “nàng”. Đó là nhân vật có cuộc sống riêng tư vừa hạnh phúc, vừa bi kịch. “Nàng” lấy chồng là kết quả của một cuộc “gả bán”, để cứu gia đình - người bố nợ nần vì cờ bạc.

Chồng “nàng” giám đốc một công ty xây dựng, là một kẻ trăng hoa khét tiếng, trước “nàng” đã có 2 đời vợ. “Nàng” chấp nhận làm lẽ như một sự “báo hiếu”, không có lựa chọn khác. “Nàng” có bóng dáng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, xinh đẹp, thánh thiện nhưng số phận xô đẩy, trầm luân.

Và rồi, để thắng thầu trong một dự án xây dựng, chồng “nàng” đã “dâng” vợ trẻ đẹp của mình cho một quan chức “háu gái” đầu tỉnh, kẻ có quyền định đoạt dự án. Đau đớn, phẫn uất, nhưng đây là lần thứ hai trong cuộc đời, “nàng” không có sự lựa chọn khác.

Lại nói chuyện ông quan đầu tỉnh, vì “quen ăn bén mùi” nên biến “nàng” thành nô lệ tình dục. Và bi kịch đã xảy ra, “con giun xéo mãi cũng quằn”. Trong một lần uất vì bị cưỡng ép, “nàng” đã dùng dao mang theo đâm vị quan đầu tỉnh. “Nàng” vướng vào lao lý.

Truyện có vẻ vô lý, câu hỏi đặt ra là ngoài đời có thế không? Nếu không có thì văn học có “quyền” cảnh báo. Trên thực tế, không phải chưa có kẻ vì tham vọng quyền lực chính trị mà đã tự nguyện “dâng” vợ mình cho lãnh đạo cấp trên. Trên thực tế, không thiếu cảnh “đổi chác” tình tiền. Nhiều giá trị đã và đang biến thái ngoài suy nghĩ, logic thông thường.

Qua ngòi bút của mình, Phạm Công Thắng đã góp phần hé mở một phần sự thật mà không phải ai cũng nghĩ đã có trong cuộc sống. Đó cũng chính là sự băng hoại đạo đức, không kém phần đau lòng trong cuộc sống. Không có gì là không thể xảy ra khi con người ngày càng quay cuồng với “chủ nghĩa vật chất”. Đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh từ lâu đã tỷ lệ nghịch với đời sống vật chất.

Phạm Công Thắng đã có những thành công đáng kể trong việc hướng ngòi bút về thân phận. Ngoài “Bão đời”, với tư cách là một truyện ngắn được lấy làm tên chung cho cả tập; người đọc có thể nhận ra nhiều vỉa tầng trắc ẩn trong các truyện ngắn “Con sen”, “Mụ Bống”, “Mẹ kế”, “Cô hàng cá”, “Ổ chuột”...

“Con sen”- truyện ngắn được Phạm Công Thắng xếp vị trí đầu tiên trong tập truyện, dù mô típ không khác “Bão đời”. “Con sen” giống “nàng” ở hoàn cảnh xuất thân. “Nàng” và “con sen” đều phải làm vợ lẽ, do không có sự lựa chọn nào khác. Số phận “con sen” tiếp tục là lời cảnh báo về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, về đạo đức, đạo lý cho người đã gần đến mực “nước chết” trong dòng sông cuộc đời.

Nhân vật “mợ Loan” trong “Con sen” thực chất là một loại tội phạm “buôn người”. Mụ ta đã lợi dụng hoàn cảnh bố mẹ đau yếu, gia đình nợ nần của “con sen” để mồi chài, gạ gẫm, làm cho một cô gái đã có người yêu ở làng phải bước chân ra phố làm phận “đi ở”. Đấy chỉ là thủ đoạn, “con sen” và thầy u sau khi đã “dính bẫy” mới nhận ra “mợ Loan” bày kế để “ông chủ họ Trần” giàu có tìm người “nối dõi tông đường”.

Tuy nhiên, sự độc ác không dừng lại ở đó.

“Không bao giờ. Trước khi đưa nó về đây, em đã thỏa thuận với ông, khi nào nó mẹ tròn con vuông, em sẽ tống khứ nó ra khỏi nhà. Và em mới là mẹ của đứa bé. Nếu ông có ý định điên rồ, em sẽ không để yên chuyện này”, (Con sen, trang 10). “Mợ Loan”, không giấu “âm mưu” làm bà chủ, chiếm đoạt, sở hữu tài sản của họ. Cái thai đang lớn dần lên trong bụng “con sen” là phương tiện của một âm mưu.

Và rồi gần như “nhân quả”, “mợ Loan” gặp tai nạn giao thông trong một lần về quê tảo mộ. Phú Quý - tên đứa bé, cốt nhục của “con sen” được sống với mẹ ruột của mình. “Ông chủ họ Trần” dần dần yêu quý, tổ chức đám cưới, “con sen” trở thành người vợ chính danh.

Trước nhà anh (phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội) có một chị bán cá rong - chị ngồi đó từ lâu lắm rồi. Phạm Công Thắng quan sát, tìm hiểu và anh phát hiện ra sau nụ cười đon đả mời khách mua cá là một thân phận. Truyện ngắn “Cô hàng cá” ra đời - gần như nguyên mẫu.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Công Thắng dẫu là hư cấu vẫn phảng phất hiện thực. Bút pháp hiện thực đã cho phép Phạm Công Thắng “cày xới” từng “vỉa” tầng của đời sống, gửi đến những thông điệp nhân văn. Không chỉ ở Bão đời mà ở các tập truyện ngắn trước đây Ngã rẽ, Tình yêu thời hậu chiến đều như vậy.

Bão đời là sự tiếp nối những “mạch vỉa” đời sống mà Phạm Công Thắng nhận ra, nếu không viết thấy “mình mắc nợ”, như tâm sự chân tình hôm ra mắt sách trước bạn bè văn chương.

Trước khi công bố tác phẩm, nhiều truyện ngắn Phạm Công Thắng đã được các tờ báo có uy tín như Quân đội Nhân dân (số Cuối tuần), Công an Nhân dân (chuyên đề Văn nghệ Công an), Tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều tạp chí văn học nghệ thuật trong cả nước đăng tải. “Rất mừng là cuốn Tình yêu thời hậu chiến được Thư viện Quân đội mua 700 cuốn”, anh chia sẻ.

Phạm Công Thắng trải lòng, anh không có ý định “phấn đấu” thành nhà văn, chỉ muốn thử sức mình trên lĩnh vực mới. Các nhà văn, nhà thơ tham dự các buổi ra mắt Bão đời đánh giá cao năng lượng sáng tạo của Phạm Công Thắng. Cứ có tác phẩm đi vào lòng bạn đọc là đủ tư cách nhà văn.

Bao giờ cũng vậy, viết phải bắt đầu từ tài năng, khổ luyện và sự hối thúc từ cuộc đời, từ thân phận. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nói: “Hãy viết khi còn muốn viết”.

Phạm Công Thắng là người chân thành, giàu cảm xúc, luôn suy tư, trăn trở. Anh cho biết: “Sau Bão đời có thể không viết nữa, nhưng biết đâu sẽ viết tiếp, hay hơn”. Bạn đọc tiếp tục chờ đón những tác phẩm mới của anh.

Ngô Đức Hành (CTV)