Tạo trụ cột an sinh cho người dân nông thôn

Trạm y tế xã đã “thay da đổi thịt”

Mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình mục tiêu về y tế. Những năm qua hệ thống y tế cơ sở, trong đó y tế xã đóng vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, tăng cường tiếp cận của người dân tới dịch vụ y tế chất lượng với chi phí hợp lý, góp phần tăng cường và hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Xã An Phú nằm ở phía nam huyện Mỹ Đức (Hà Nội), có dân số là 9.583 nhân khẩu, địa bàn rộng, diện tích tự nhiên sấp sỉ 22km2. Thời gian qua, xã An Phú đã có kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp, chủ động, tích cực trong tham mưu thực hiện các công việc chuyên môn, hằng năm luôn đảm bảo tốt công tác duy trì Tiêu chí quốc gia về y tế xã. “Hướng về bệnh nhân để phục vụ được tốt nhất”, chính là phương châm làm việc mà tập thể 10 cán bộ, nhân viên tại Trạm Y tế xã An Phú đang triển khai. Dù khó khăn, họ đã từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, niềm tin của nhân dân vào trạm ngày càng được củng cố.

Những năm qua, cùng sự quan tâm đầu tư của các cấp, bộ mặt trạm dần thay da đổi thịt, cán bộ nhân viên được đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu khám chữa tại cơ sở. Nâng cao y đức, trau dồi chuyên môn, Trạm Y tế xã An Phú đã và đang đi đúng hướng để củng cố niềm tin của nhân dân, phát huy ngày càng tốt vai trò khám chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở.

Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn đang ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Minh Phương)

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Bằng - Trưởng Trạm Y tế xã An Phú, hiện nay, diện tích mặt bằng của Trạm y tế là 5.543m2. Trạm Y tế xã đã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ số phòng và diện tích theo quy định. Nguồn nước sinh hoạt đã được xử lý, thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định.

Trang thiết bị, thuốc và các phương tiện phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng cao. Theo đó, Trạm y tế xã đã được trang bị máy hút dịch, máy siêu âm, máy Doppler tim thai, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy soi tìm ký sinh trùng, máy điện châm, máy khí dung, bình thở ô xy và các dụng cụ phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, sơ cấp cứu, khám chữa bệnh…

Hằng năm, Trạm y tế xã cũng đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Theo đó, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Trạm y tế xã đã xây dựng các kế hoạch phòng, chống các bệnh truyền nhiễm theo mùa, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, thực hiện giám sát bệnh dịch thường xuyên; phát hiện sớm và báo cáo kịp thời, thực hiện nghiêm quy định báo cáo dịch, xử lý tốt các dịch bệnh thông thường, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, trong năm 2023, dịch bệnh ốt xuất huyết có nhiều diễn biến phức tạp, tỉ lệ mắc cao, song với tinh thần và trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo xã cùng với đội ngũ y tế xã đã triển khai tốt các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên, do vậy, địa bàn xã không có trường hợp mắc sốt xuất huyết.

“Những năm gần đây, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở đây tốt hơn so với trước rất nhiều, đặc biệt liên quan đến việc quản lý các bệnh không lây nhiễm. Trạm Y tế xã An Phú đã tổ chức khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân khoảng 200 lượt bệnh nhân/tháng. Bên cạnh đó, hoạt động phòng, chống /AIDS, quản lý và theo dõi bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe… cũng ngày càng phát huy được hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức cho cán bộ học tập trau dồi kiến thức. Quán triệt nỗ lực trong công tác thăm khám, tiếp đón bệnh nhân phải luôn luôn vui vẻ, thoải mái hòa đồng, xây dựng hình ảnh cán bộ nhân viên y tế trong lòng nhân dân đúng theo lời dạy của Bác: Lương y như từ mẫu”, Trưởng Trạm Y tế xã An Phú nhấn mạnh.

Hướng tới sự hài lòng của người dân

Ông Bạch Văn Hòa (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) đánh giá, những năm qua, Trạm Y tế xã An Phú đã thực sự “thay da đổi thịt”, cơ sở vật chất kĩ thuật, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao. “Tôi hay đau đầu, huyết áp cao, nhà gần trạm xá nên tôi hay ra đây để khám, lấy thuốc. Các bác sĩ ở đây tận tình giúp đỡ nên tôi rất yên tâm chữa bệnh. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã đã tạo điều kiện cho những người già trên 70 tuổi như chúng tôi được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, vì không phải lúc nào cũng lên bệnh viện được”, ông Hòa bày tỏ.

Không chỉ ở xã An Phú, những năm qua, các trạm y tế xã thuộc các huyện ngoại thành à Nội cũng đã có nhiều sự thay đổi tích cực, góp phần hướng đến sự hài lòng của người dân. Bà Lê Thị Hạnh (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, hiện nay, Trạm y tế xã ngày càng được nâng cao về chất lượng phục vụ, được người dân tin tưởng. Bên cạnh đó, Trạm y tế xã cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, điển hình là trên hệ thống loa truyền thanh xã, phát tờ rơi, tuyên truyền trên các hội nghị…

Được biết, hiện nay, tại Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng có nhiều điểm mới, đòi hỏi chất lượng hoàn thành cao hơn giai đoạn trước, trong đó có tiêu chí số 15 về y tế, quy định: Duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 90% trở lên; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 24%; tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt trên 50%… Đây cũng chính là những tiêu chí cụ thể nhất để các địa phương phấn đấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, nhiều giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và toàn diện. Điều này có nghĩa là các giải pháp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phải thực hiện đồng thời với các giải pháp về nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ chế tài chính, tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ tại tuyến xã….

Tại Hà Nội, những năm qua, để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình về việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có rất nhiều nội dung được quan tâm về phát triển y tế cơ sở. Ủy ban nhân dân Thành phố đã có kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế Hà Nội đã chủ động có cách làm mới sáng tạo trong việc hoàn thiện y tế cơ sở. Cụ thể, mô hình quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh đã xây dựng thành công tại Trung tâm Y tế Sóc Sơn, Trung tâm Y tế Ba Vì tạo được niềm tin của người dân, giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.Hà Nội cũng là địa phương được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa bàn thực hiện thí điểm việc xây dựng hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân gắn với Đề án 06 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngày 25/10/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.Ngày 5/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 281/QĐ-TTg triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Hi vọng rằng, với những chính sách, Chỉ thị của Trung ương cũng như địa phương, thời gian tới, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn sẽ tiếp tục có những chuyển biến mới, rõ nét hơn.

Kim Tiến