Thắm tình anh em xuyên biên giới

Đồn Biên phòng Cà Roòng tặng quà cho lực lượng bảo vệ biên giới và người dân cụm bản Noỏng Mạ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Thượng tá Phạm Minh Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình đã sắp xếp cho tôi được gặp ông Khăm Bun Búp Khăm Seng, Bí thư, Trưởng cụm bản Noỏng Mạ, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào. “Tôi phải nói rằng, người dân Lào với Việt Nam như anh em một nhà, con đường 20 - Quyết Thắng trong chiến tranh chống Mỹ, là tuyến đường vận tải vũ khí, lương thực đi tránh sang Lào để vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Hiện nay, người dân cụm bản Noỏng Mạ thường hay qua Việt Nam khám bệnh, xin thuốc, mua muối, gạo và nhiều đồ tiêu dùng khác. Tôi vừa mới sang Bệnh viện Cu Ba (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chữa bệnh” - ông Seng bày tỏ.

Bao nhiêu năm nay, người dân ở cụm bản Noỏng Mạ đã quen sang khám bệnh ở Trạm quân dân y bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thiếu tá, y sĩ Đinh Hồng Lĩnh, Đồn Biên phòng Cà Roòng phụ trách Trạm quân dân y bản 61 kể câu chuyện: “Tháng 3/2021, em Đinh Phiên, ở cụm bản Noỏng Mạ vào rừng lấy mật ong, không may bị tai nạn, cây rừng làm rách đùi, vết thương dài gần 20cm. Người nhà đưa em Phiên đến chốt Biên phòng Việt Nam ở biên giới. Thấy máu chảy nhiều, anh em ở chốt cởi áo thun ra băng bó vết thương, đưa em lên xe máy chạy nhanh về Trạm quân dân y bản 61 cấp cứu. Tôi trực tiếp xử lý vết thương, khâu 20 mũi, sử dụng kháng sinh liều cao chống nhiễm trùng, còn anh em ở trạm nấu cháo, cơm cho em ăn, ở lại điều trị tại trạm hơn một tuần mới về nhà”.

Trường hợp khác, ông Khăm Phương, cụm bản Noỏng Mạ đến Trạm quân dân y bản 61 khám bệnh. Y sĩ Lĩnh thấy bệnh nhân bị vàng da, vàng mắt. Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, bệnh nhân đau vùng bụng đã 3 năm, sức khỏe yếu. Y sĩ Lĩnh khuyên ông Khăm Phương sang Bệnh viện Cu Ba điều trị. “Nhà ông Phương quá nghèo, không có tiền đi điều trị ở Bệnh viên Cu Ba, cứ một mực xin ở lại Trạm quân dân y bản 61 điều trị. Tôi coi họ như anh em nhà mình, quyết định cho ở lại điều trị ở trạm, truyền dịch, uống các loại thuốc mát gan, chăm sóc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Sau 2 tuần, ông Phương giảm vàng da, hết trướng bụng. Sau đó, tôi tiếp tục theo dõi và điều trị cho ông đến khi sức khỏe bình phục mới cho về nhà” - Y sĩ Lĩnh kể lại.

Trạm quân dân y bản 61, ngoài phục vụ dân và quân ở vùng biên giới thuộc xã Thượng Trạch, còn phục vụ lượng lớn dân cụm bản Noỏng Mạ. Y sĩ Cao Văn Thoan, công tác tại Trạm quân dân y bản 61 cho biết: “Mới tháng trước, có 15 người ở bên Lào sang xin thuốc uống. Họ thích nhất là thuốc xổ giun sán, thuốc đau bụng... Trung tâm y tế huyện Bố Trạch “biết chuyện” ở biên giới, phải “gánh” thêm dân số của cụm bản Noỏng Mạ nên mỗi lần chúng tôi về nhận thuốc, huyện thường hay cấp thêm cơ số thuốc và vật tư y tế để giúp bà con nước bạn Lào”.

Đại diện Đồn Biên phòng Cà Roòng trao hỗ trợ của Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” cho học sinh ở cụm bản Noỏng Mạ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Cuộc sống người dân cụm bản Noỏng Mạ còn nhiều khó khăn, Đồn Biên phòng Cà Roòng nhiều lần phối hợp với một số cơ quan, ban, ngành, nhà hảo tâm đưa gạo, áo quần sang tặng cho bà con. Thượng tá Phạm Minh Dũng tâm sự: “Đợt dịch Covid-19, biết lực lượng bảo vệ biên giới, người dân ở bản của Lào còn thiếu thốn, đồn đã chở vật tư y tế sang tặng cho bạn. Hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ trích tiền lương của mình để giúp đỡ 6 cháu học sinh thuộc Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, trong đó có 3 cháu là con gia đình khó khăn ở cụm bản Noỏng Mạ. Truyền thống dân tộc Việt Nam với Lào, nghĩa tình sâu nặng, lúc khó khăn hạt muối cắn đôi, tình cảm luôn dạt dào”.

Cụm bản Noỏng Mạ nằm trong Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô, gần biên giới Việt - Lào. Những năm qua, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô đã thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền hai tỉnh của hai nước. Mục tiêu chung là bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và phát huy có hiệu quả giá trị mọi mặt của cả hệ sinh thái rộng lớn ở hai quốc gia, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, cùng với bạn xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới.

“Chính phủ Lào đang nỗ lực xây dựng Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn, trở thành Vườn quốc gia. UNESCO cũng đang xem xét để công nhận Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới Việt - Lào (Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô) đầu tiên ở châu Á, tạo nên quần thể đa dạng sinh học, trung tâm nghiên cứu khoa học, khám phá du lịch... rộng lớn, có giá trị nổi bật toàn cầu. Người dân cụm bản Noỏng Mạ đang nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, tìm giải pháp nâng cao đời sống cho người dân Lào, là nhiệm vụ chung của các nhà làm công tác bảo tồn hai nước” - ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình thông tin.

Hải Luận