Thừa Thiên Huế: Nhiều kết quả trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi là A Lưới, Nam Đông và 3 huyện, thị xã có đồng bào DTTS. Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người với 24.657 hộ, trong đó DTTS hơn 54.000 người, chiếm 4,9% so với dân số toàn tỉnh, bao gồm các dân tộc chính như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác.

Xác định văn hóa là nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, qua đó, đã đạt được một số kết quả.

Nhận thức của người dân được nâng lên

Tại huyện A Lưới, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và phần lớn các tầng lớp nhân dân về bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc đã được nâng lên rõ rệt. Các già làng, nghệ nhân, những người am hiểu sâu sắc về văn hóa của các DTTS dành nhiều tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) hiện đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về văn hóa vật thể, địa phương đã xây dựng được 1 làng văn hóa truyền thống các DTTS huyện A Lưới, tại xã Hồng Thượng. Hình thành thêm 3 làng văn hóa du lịch gồm: Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Lin; Làng du lịch cộng đồng A Roàng 2, và HTX du lịch Hồng Hạ.

Bên cạnh đó, đã khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại xã Hồng Hạ; Khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí khu nhà Piing truyền thống của 29 dòng họ; Mở được 1 lớp truyền dạy chế tác cây Nêu tại xã Quảng Nhâm với 4 nghệ nhân truyền dạy và 11 học viên tham gia học tập, hoàn thiện 2 tác phẩm cây Nêu của 2 dân tộc Pa Cô và Tà Ôi; Xây dựng 1 mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi;…

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa phi vật thể tại huyện A Lưới cũng đạt được những kết quả tích cực như: Đã lưu giữ, phát huy được 38 quy trình lễ hội truyền thống dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; Mở được 2 lớp học ngôn ngữ dân tộc Pa Cô và Tà Ôi dành cho lực lượng Biên phòng và Công an nhân dân; Nghiên cứu, sưu tầm trên 12 thể loại dân ca, 12 dân vũ, 15 nhạc cụ truyền thống và dàn dựng trên 10 chương trình nghệ thuật dân gian phục vụ cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, tham gia các cuộc liên hoan lớn do tỉnh, trung ương tổ chức; Văn hóa ẩm thực hiện cũng đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ, tết và giới thiệu, phục vụ thực khách tại các điểm du lịch, homestay, các nhà hàng trên địa bàn huyện.

Lồng ghép hoạt động văn hóa trong các sự kiện

Tại huyện Nam Đông, trong những năm qua, huyện cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, địa phương đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện và đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể.

Về văn hóa vật thể, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa (nhà Gươl) tại các xã định canh, định cư được huyện Nam Đông chú trọng quan tâm xây dựng; có 37/37 thôn có nhà văn hóa thôn (trong đó 3 nhà được làm theo kiểu mẫu truyền thống). Các thiết chế văn hóa này hiện đang phát huy được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân cũng như tổ chức các hoạt động khác của nhân dân trong các dịp lễ, tết.

Nhằm bảo tồn trang phục và nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu, địa phương bước đầu cũng đã đào tạo được đội ngũ dệt Dèng tại các xã định canh định cư. Mở 3 lớp truyền dạy đan lát truyền thống tại xã Thượng Lộ và Thượng Long.

Nhà văn hóa dân tộc huyện Nam Đông hiện là nơi diễn ra nhiều hoạt động phục vụ đời sống người dân trên địa bàn.

Về sưu tầm hiện vật, tại Nhà văn hóa dân tộc huyện Nam Đông đang trưng bày 137 hiện vật giới thiệu về lịch sử cách mạng, văn hóa, con người của dân tộc Cơ Tu. Người dân địa phương cũng sưu tầm, lưu giữ 280 hiện vật về lao động sản xuất, nhạc cụ… của người Cơ Tu. Bước đầu, các hiện vật này đã phục vụ được nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của cán bộ, nhân dân, học sinh trên địa bàn và một số đoàn khách ngoài huyện.

Về công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể, hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có 109 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết về văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay đã mở 14 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu như đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa truyền thống, thu hút hơn 370 học viên tham gia. Công tác bảo tồn và phát huy dân ca, dân nhạc, dân vũ đã được chú trọng.

Lớp truyền dạy điêu khắc truyền thống cho đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông.

Ngoài ra, huyện Nam Đông cũng đã và đang phục dựng lại các lễ hội, các làn điệu, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống.. tại địa phương. Tổ chức lồng ghép các lễ hội này thông qua các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, các chương trình, hội diễn văn hóa văn nghệ… nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc miền núi Nam Đông. Có thể kể đến như, năm 2022 đã phục dựng thành công lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu biểu diễn trong Ngày hội VHTTDL tổ chức tại huyện và tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Theo ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, để phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, địa phương sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp, như: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Khơi dậy khát vọng và phát huy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy về bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS. Tìm kiếm nghệ nhân, người dân có am hiểu về văn hóa truyền thống và nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ trong việc lưu truyền, giảng dạy, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng cho các thế hệ kế cận.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác sưu tầm và tư liệu hóa các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS đặc biệt là các ngữ văn, tri thức dân gian. Thường xuyên tổ chức trình diễn, tái hiện các loại dân ca, dân nhạc, dân vũ và lễ hội truyền thống, biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, xã hội, ngày lễ, kỷ niệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân ở địa phương./.

Thế Trung