Trẻ em sinh ra trẻ em: Ký ức buồn về tình trạng tảo hôn trên cao nguyên đá

Theo một báo cáo nghiên cứu do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2022, mang thai ngoài ý muốn vẫn đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn tại tỉnh Hà Giang.

Trong và sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn đang ngày càng gia tăng, cùng với đó là số lượng những vụ bạo hành trẻ em và thanh niên Dân tộc thiểu số.

Những đứa trẻ sinh ra những đứa trẻ

Sanh, 18 tuổi, địu trên lưng mình đứa con nhỏ gần hai tuổi đang say ngủ. Tay em thoăn thoắt nhổ đám rau dưới nương. “Bữa tối của nhà em đấy”- Sanh nói với những người khách mới đến.

Ở miền núi đá Hà Giang này không hiếm những bà mẹ ít tuổi như Sanh. Những đứa trẻ sinh ra những đứa trẻ. Sanh bắt đầu hát những lời ru buồn khi con chào đời. Lời ru ấy lan qua những mái nhà tường đất, như những lớp sương mù lãng đãng chốn non xanh trập trùng núi đá.

Sanh địu con đang say ngủ thu hoạch rau trước nhà. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Như nhiều bạn cùng trang lứa khác, Sanh cũng từng được đi học. Em đã từng vượt núi, vượt đèo để đeo đuổi con chữ. Thế nhưng ngả rẽ cuộc đời đến với Sanh khi em đang học kỳ thứ hai của năm lớp 9.

Tình cảm của Sanh với chàng trai lớn tuổi hơn cùng bản cứ lớn dần như cây rừng và cũng đến lúc cả hai muốn gắn bó với nhau trong một mái nhà. “Không kéo vợ đâu. Kéo vợ là chuyện xưa lắm rồi, bọn em thích nhau về ở với nhau thôi” - Sanh giải thích.

Khi Sanh nói với bố mẹ về chuyện muốn ết hôn: “Mẹ em đã tát em. Cái tát đau lắm, giờ em vẫn nhớ” - Sanh nói.

Khác với Sanh, bố mẹ Chư lại là những người thúc đẩy để cô con gái mới 15 tuổi kết hôn. Chồng Chư là một chàng trai hơn Chư 11 tuổi. “Bố mẹ bảo em con gái phải đi lấy chồng” - Chư kể.

Lấy chồng độ tuổi 15 trước đây từng không phải là chuyện lạ. Ngay trong nhà Chư, việc lấy chồng sớm như là ‘truyền thống gia đình”.

Hai chị gái của Chư chưa đến tuổi kết hôn theo luật định cũng đã về nhà người ta để làm dâu. “Hai chị không có công việc gì, chỉ ở nhà thôi. Hai chị đều khổ cả” - Chư nói.

Sanh, Chư hay những người chị của họ là đối tượng mà dự án Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số hướng tới. Một cách ngắn gọn, dự án này được gọi là Em Vui.

Học sinh tìm hiểu về cuộc sống hôn nhân khi kết hôn sớm thông qua máy tính được trang bị tại trường. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Một em gái người H’mông ở Hà Giang bộc bạch: “Bọn em đang tuổi lớn chứ nếu sang 15 đến 16 tuổi rồi thì sau này muốn lấy chồng thì ai thèm nữa”.

Giàng Thị M (người dân tộc Mông) đang học lớp 9 thì bố em đã bắt em nghỉ học để lấy chồng. Chồng M 16 tuổi, cũng là người dân tộc Mông ở cùng thôn. Hai em kết hôn với nhau vì một lý do rất đơn giản: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái thì không nên học nhiều. Trước đây bố mẹ của các em đều kết hôn sớm, nên họ tiếp tục duy trì phong tục đó đối với con cái của mình, cho dù cuộc sống rất khổ cực.

Đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học nhưng giờ đây cả hai em đã phải gánh vác công việc gia đình. Vợ chồng của M chỉ sống dựa vào nương rẫy, chăn nuôi và có một cuộc sống vô cùng vất vả. Khó khăn chồng chất khó khăn khi họ có đứa con đầu lòng. Em bé suy dinh dưỡng vì không được ăn uống đẩy đủ, nhà lại mất thêm người lao động vì M phải chăm con nhỏ.

Theo một khảo sát của Plan International, tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái, có thời điểm 29.5 % phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số lấy chồng ở độ tuổi từ 15-19 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Xín Mần (Hà Giang) đánh giá tảo hôn từ là phong tục thời xưa của bà con dân tộc Mông, đến nay tảo hôn gọi đúng bản chất phải là hủ tục. Nhiều người cho rằng các cháu tầm tuổi học THCS đã đủ nhận thức để lập gia đình.

“Tảo hôn giờ đã giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn còn lác đác trẻ bỏ học, nghỉ học theo bố mẹ đi làm ăn xa”- bà Minh cho biết.

Với sự hỗ trợ của tổ chức Plan cũng như quyết tâm chính trị của Huyện, đã góp phần cho thay đổi về đời sống xã hội kinh tế của bà con nhân dân trên địa bàn.

Cụ thể như huy động trẻ đến trường đối với các xã triển khai dự án cao hơn và đều hơn. Tại đây có rất nhiều hoạt động để các em có được sự tự tin của mình trước đông người và dám trình bày ý tưởng" - ông Hoàng Đức Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban điều hành dự án Plan huyện Hoàng Su Phì.

Cuộc giải cứu trong đêm

Thầy Trần Phúc Tân, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nàn Ma, huyện Xín Mần vẫn còn nhớ đến một cuộc giải cứu học sinh của trường bị kéo vợ cách đây khoảng hai năm.

“Đó là vào một buổi tối. Học sinh của trường đang ở bán trú thì một vài thanh niên đến, kéo về nhà nhốt lại. Ở gia đình lúc đấy thậm chí còn chuẩn bị gà để làm lễ. May là các bạn ở cùng biết được, báo ngay cho cô giáo trực tại khu bán trú. Cô giáo báo cho lãnh đạo nhà trường rồi chính quyền địa phương. Tất cả cùng vào cuộc để giải cứu học sinh ngay trong đêm” - thầy Tân nói.

Thầy Trần Phúc Tân, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nàn Ma, huyện Xín Mần. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Phải đến gần 12 giờ, công an, các thầy cô giáo và đại diện chính quyền địa phương mới xác minh được nhà của thanh niên đã kéo vợ về và tìm đến để giải cứu.

Nhưng cũng không hiếm trường hợp mà công cuộc giải cứu thất bại. Ở chốn non cao này, có rất nhiều phong tục tập quán mà qua thời gian vàng để giải cứu, những em gái bị kéo vợ về không dám thoát ra khỏi căn nhà đã bị nhốt lại không lâu.

Thầy Tân bấm ngón tay nhớ lại, cách đây khoảng 10 năm, giai đoạn nóng bỏng của tình trạng tảo hôn, mỗi năm trường lại có khoảng 10 học sinh dở dang việc học để về nhà lấy chồng. “Cũng có trường hợp mà bố chồng đến xin trường cho con dâu chuyển sang trường gần nhà chồng để tiếp tục việc học” - thầy Tân kể.

Theo thầy Tân, cũng không hiếm những trường hợp các em bỏ học về nhà chồng ở, được nhà trường và chính quyền động viên thì trở lại trường tiếp tục việc đèn sách. Cũng có trường hợp, sau một thời gian chung sống thì có nhiều chuyện xảy ra mà hôn nhân tự nhiên tan vỡ.

“Thường những cuộc hôn nhân đó không bền vững. Các em khi thích thì về ở với nhau nhưng sau khi về nhà không biết làm gì, lại đang tuổi ăn, tuổi chơi thì xảy ra mâu thuẫn. Gần như cuộc hôn nhân như thế chỉ tồn tại trong một năm” - thầy Tân tổng kết.

Cô Đặng Thị Liên – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Tả Nhìu, huyện Xín Mần từng chứng kiến học sinh đang học lớp 8 cầu cứu nhà trường vì đã trót nhận lễ nhà trai.

“Em học sinh đó yêu qua mạng rồi tìm hiểu lẫn nhau. Sau khi nhận lễ một thời gian học sinh nữ muốn thôi nhưng nhà trai lại níu kéo, gây khó khăn. Em học sinh phải nhờ nhà trường can thiệt mới được trả lễ để tiếp tục việc học” - cô Liên nói.

Việc trả lễ tưởng đơn giản những cũng có những trường hợp tréo ngoe. Theo các thầy cô, tình huống khó xử nhất là nhà gái nhận lễ một thời gian, sau đó con gái muốn trả lễ thì không trả được vì lễ nhà trai giá trị quá lớn, mà bố mẹ nhà gái lại sử dụng hết rồi.

Thủ lĩnh của sự thay đổi

Làm mẹ khi chưa đủ tuổi kết hôn, Sanh hiểu hơn ai hết những hệ quả của tảo hôn. Em vẫn nhớ kỳ học thứ hai của năm lớp 9, khi đã làm vợ: “Em tự nhiên thấy mình bị lạc lõng giữa các bạn. Lấy chồng xong chúng em nói chuyện không cùng chủ đề nữa. Chỉ mấy ngày sau khi lấy chồng em đã hối hận rồi”.

Sau những tiếng ru buồn, giờ đây Sanh đã trở thành thủ lĩnh của sự thay đổi. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Từ trải nghiệm ấy, Sanh tự bảo với bản thân sẽ cố gắng tuyên truyền, khuyên bảo các bạn không kết hôn khi chưa đủ tuổi. Và một cách tự nhiên, Sanh đã trở thành thành viên của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi.

Dung, cô gái H’Mông 16 tuổi cũng là một thành viên tích cực của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổiHội đồng Trẻ em tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Em cũng đang vận động để bài trừ hủ tục tảo hôn trong cộng đồng của mình.

Là con của gia đình có bố, mẹ cũng là nạn nhân của hủ tục tảo hôn, Dung vẫn nhớ chuyện bà thi thoảng kể lại, đại ý mẹ em còn không biết nấu ăn hay bế con khi mới làm dâu.

Là chị cả của bốn người em, nên Dung phải san sẻ trách nhiệm chăm sóc việc nhà hay lo việc đồng áng. Bố mẹ cũng không muốn em tiếp tục học lên cấp 3, hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Họ muốn em cũng như mình hồi trước, kết hôn sớm, để dành tiền cho người em trai duy nhất trong nhà.

Học sinh tại một điểm trường được thụ hưởng của dự án. Tại đây các em được học tập, được tìm hiểu và định hướng tương lai của mình tươi đẹp hơn. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Bà Lù Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì cho biết, theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc thì tỉ lệ tảo hôn của người Mông là cao nhất cả nước còn hôn nhân cận huyết thì người La Chí đứng thứ hai.

Để thay đổi, thu hẹp hủ tục tảo hôn này, Hội LHPN luôn coi trọng công tác tuyên truyền vận động lên hàng đầu.

"Chúng tôi thành lập CLB Mẹ người Mông nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở xã Chiến Phố. Đây là xã có tỉ lệ đồng bào dân tộc Mông rất cao”- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì thông tin.

Ông Dương Văn Tuy, Giám đốc văn phòng Plan vùng Hà Giang thường xuyên xuống các điểm trường để tìm hiểu, lắng nghe tâm sự của các học sinh. Ảnh: VIẾT THỊNH.

VIẾT THỊNH