Trịnh Lữ: 'Tôi chẳng tài hoa gì đâu'

Người tài hoa trong một gia đình nhiều người tài hoa” này thủ thỉ tâm tình về bố mẹ, những người tài hoa và hơn hết là có lối sống rất hay, và về “nghề sống” của mình, trước sau một mực khẳng định mình chẳng tài hoa như mọi người đã yêu thương…

Những trò chuyện thân mật và ngẫu hứng càng cho thấy một phẩm cách, một lối sống, một tài hoa người Hà Nội.

Tôi may mắn vì không có khả năng xuất sắc về vẽ tranh

Ông nổi tiếng tài hoa, làm nhiều thứ mà thứ gì cũng được đánh giá cao, từ dịch thuật, viết văn đến vẽ. Nhưng có khi nào ông nghĩ giá chỉ tập trung vào một công việc thôi thì ông sẽ xuất sắc hơn?

Tôi chả giỏi cái gì đến nơi đến chốn, nhưng đó là lối sống của mình. Nhiều khi tôi rất ngại trở thành một cái gì chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thì tùy từng nghề mới hay. Chứ nghề làm về sáng tạo nghệ thuật mà thành chuyên nghiệp, phần lớn trở thành trình diễn hết, từ vẽ trở đi. Tôi không nghe được các danh ca chuyên nghiệp hát. Chuyên nghiệp là làm hàng để bán, để sống bằng nghề đó. Nên trong nghệ thuật tôi không thích từ chuyên nghiệp. Vì lúc đó người nghệ sĩ thành thợ giỏi để sống.

Khi làm nghệ thuật chuyên nghiệp thì không còn là nghệ sĩ nữa ư?

Ai cũng là nghệ sĩ cả. Chữ “nghệ sĩ” nay đang bị lấm lem đi nhiều. Nào thì nghệ sĩ phải bẩn, phải bừa bãi, phải vô trách nhiệm với mọi thứ khác ngoài công việc sáng tạo của mình. Tôi từng được khuyên rằng tôi muốn nổi tiếng, thành công với việc hội họa thì phải vào Sài Gòn, phải lấy vợ khác đi. Mình không thế được. Tôi thích thì tôi vẽ thôi, vẽ làm mình hạnh phúc.

Tranh của tôi chẳng bị thời cuộc làm cho suy chuyển. Tôi vẫn đúng là mình, vẫn giữ được nét vẽ thuở ban đầu. Tôi cho đó là may mắn của tôi, cũng là một thành tựu của tôi"

Họa sĩ Trịnh Lữ

Xưa em ruột tôi, họa sĩ Trịnh Tú, có “mắng” tôi: “Anh cứ vẽ mãi như thế không chán à”. Nhưng gần cuối đời thì cậu ấy lại bảo tôi: “Bây giờ em mới hiểu anh chọn vẽ để cảm thấy vui, hạnh phúc, đó là lý do chính đáng nhất để vẽ”.

Cái năng lực làm được nhiều thứ, động vào gì cũng làm được tốt, từ dịch thuật, viết văn, vẽ, đến làm truyền thông, thợ mộc… đến bây giờ theo ông là điều hay hay dở ở ông?

Cái gì cũng có cái hay cái dở. Nó làm cho tôi khổ sở nhưng cũng rất sung sướng. Khổ ở chỗ có những lúc chẳng có đồng nào, đi vay suốt.

Trước đây tôi sống khổ lắm đấy. Đến lúc cả nhà sang Mỹ, mọi người nhìn vào đó tưởng tôi sướng lắm, thực ra thời gian sang Mỹ còn khổ hơn. Làm cho Tây là khổ nhất. Tôi sang Mỹ học. Học xong thì làm đủ mọi nghề, rất vất vả.

Trịnh Lữ trò chuyện tại triển lãm cá nhân và ra mắt sách Vẽ gì cũng là tự họa tháng 1.2022 ở Hà Nội. Từ trái: họa sĩ Phạm Bình Chương, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ, giám tuyển Vân Vi, nhà điêu khắc Đào Châu Hải. Ảnh: CTV

Quan điểm vẽ gì cũng là tự họa của ông nghe có vẻ lạ lùng?

Nhiều họa sĩ khi tôi hỏi tại sao lại vẽ như vậy, họ bảo họ làm thế vì chưa ai làm. Lại có những người bắt mình phải vẽ về những vấn đề thời cuộc, rất mệt. Với tôi, vẽ để giao đãi với thế giới bên ngoài, một cách rất yên ả, rất cá nhân của mình, không cần đi tìm một thế giới ở đâu khác.

Và cách mình nhìn nhận mọi việc bằng tâm thức của mình, đều được bộc lộ trong tranh. Những bức tranh chứa đựng cả thế giới vật lý bên ngoài và thế giới nội tâm của mình. Bức chân dung mình nằm ngay trong những gì được vẽ trong tranh. Vẽ gì cũng là tự họa là như vậy.

Một số người nói cả đời ông vẽ một kiểu cổ điển, giản dị, không thay đổi, ông nghĩ sao?

Nhận xét ấy là đúng đấy và tôi rất thích được nhận xét như vậy. Tranh của tôi chẳng bị thời cuộc làm cho suy chuyển. Tôi vẫn đúng là mình, vẫn giữ được nét vẽ thuở ban đầu. Tôi cho đó là may mắn của tôi, cũng là một thành tựu của tôi. Tôi chẳng cần phải thay đổi. Tôi không có động lực phải làm mới để người ta mua tranh. Tôi không cạnh tranh với ai cả.

Đám tang cụ Victor Tardieu (người sáng lập, hiệu trưởng đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương) năm 1937. Trịnh Hữu Ngọc là học sinh duy nhất mặc đồ tang kiểu Việt Nam, như đưa tang bố đẻ của mình. Ảnh tư liệu

Vậy có lẽ chỉ có bố ông - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - ảnh hưởng tới lối vẽ của ông?

Bố con tôi có mô hình tâm lý giống nhau. Ông chẳng bao giờ phải đi làm thuê cho ai, chẳng phải chiều ý ai trong chuyện kiếm sống. Ông làm tốt nhất công việc của mình để kiếm sống. May mắn ông có ý thức xã hội cao nên sản phẩm ông làm ra được xã hội ưa thích. Khi mình đóng góp cho cộng đồng thì tất xã hội sẽ trả lại cho mình bằng một cuộc sống tươm tất. Bố tôi luôn dạy chúng tôi phải tự hỏi mình đã làm được gì, đã đóng góp được gì cho đời chưa? Vẽ tranh thì vũ trụ ấy có ích gì cho mọi người?

Tôi cũng chịu ảnh hưởng từ bố ở những thứ khác. Những người lãnh đạo xã hội luôn khuyến khích mọi người lao vào cuộc cạnh tranh, phấn đấu không ngừng. Như vậy thì rất ích lợi cho năng suất lao động của xã hội. Nhưng có những người như bố tôi, như anh em chúng tôi thì không thích thế. Chúng tôi không muốn bị đánh mất mình vào một cuộc cạnh tranh mà cuối cùng thành công được đo bằng tiền, bằng danh tiếng. Chúng tôi không thích tham gia vào cuộc chạy đua lúc nào cũng ồn ào như thế.

Nhưng ông được lựa chọn như vậy có lẽ vì trời cho, chứ ví thử ông phải mưu sinh bằng mỗi nghề vẽ tranh thì cũng khó lựa chọn?

Chắc là trời cho. Tôi may mắn vì không có khả năng xuất sắc về vẽ tranh, chỉ đến mức như thế thôi, nên không thể tham gia vào cuộc chạy đua trong thị trường nghệ thuật. Vẽ mãi mãi là một công việc riêng tư của mình.

Mẹ tôi rất tân tiến

Còn dịch thuật, viết sách thì sao, ông có đang dịch cuốn nào không?

Tôi đang bận làm cuốn sách về mẹ tôi - họa sĩ Nguyễn Thị Khang (1912 - 1995).

Mẹ tôi là một người rất đặc biệt, ở chỗ bà rất tiến bộ, tân tiến ở thời của bà. Bà là người đầu tiên ở Việt Nam mở một trường mẫu giáo đào tạo theo phương pháp Montessori. Bà là một trong những người làm hướng đạo cho nữ xuất sắc nhất ở Việt Nam. Ở ngoài Bắc có đoàn hướng đạo sinh Mê Linh do bà lãnh đạo, hoạt động vững chãi nhất. Thời ấy hướng đạo nam có cụ Hoàng Đạo Thúy, thì hướng đạo nữ có bà Nguyễn Thị Khang.

Bà cũng là người tham gia cùng ông Nguyễn Văn Tố trong phong trào Bình dân học vụ. Bà đạp xe đi dạy chữ cho người nghèo ở Hà Nội. Bà rất có ý thức xã hội. Trước đó, bà đang dạy tiểu học, vì mê vẽ, bà bỏ nghề giáo viên, đến học vẽ dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ở đây bà gặp rồi theo bố tôi.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Khang.

Có mâu thuẫn không khi một phụ nữ tân tiến như vậy lại chấp nhận làm vợ lẽ?

Đấy cũng là một cái tân tiến của bà. Phải tân tiến lắm thì người ta mới coi tình cảm là thứ để chia sẻ chứ không phải để chiếm hữu. Tình yêu chia sẻ sẽ phong phú hơn hẳn tình yêu chiếm hữu.

Nhân duyên của bố mẹ tôi là lấy nhau vì tình thực sự. Ngày xưa bà thường nói với tôi: “Lúc tao gặp bố mày, tao cứ tâm niệm cả đời chỉ để làm cho người đàn ông này được hạnh phúc”. Bà yêu cái chất nghệ sĩ rất giang hồ của ông Ngọc. Ông là người cùng khổ, chín, mười tuổi đã dám một mình từ quê bỏ vào Sài Gòn tìm bố. Lớn lên làm công chức cho Pháp nhưng rồi lại bỏ ra Hà Nội học vẽ. Một quãng đời nhiều cơ cực, thiếu thốn. Cho nên cư xử của ông là cái cư xử của người rất hiểu đời. Nếu anh chưa gian khổ, chưa biết bát cơm đẫm nước mắt thì không thể nào có được tấm lòng từ thiện đối với cuộc đời.

Cho nên về sau, ông không cho con trai cái gì, phải tự thân vận động, đi lấy vợ phải tự lo. Còn con gái đi lấy chồng sẽ được ông lo hết bàn ghế, tủ, giường. Của hồi môn là thế thôi chứ không có vàng bạc tiền. Bố mẹ tôi là những người có một cách sống rất hay.

Làm thế nào để một gia đình với một ông chồng và hai bà vợ, một đàn con đông đúc có thể sống yên ấm hòa thuận suốt đời bên nhau như vậy?

Tôi cũng nghĩ một mối quan hệ tình cảm, quan hệ gia đình như vậy không đơn giản chút nào nhưng càng như thế thì càng là môi trường để người ta thử thách lẫn nhau.

Bố tôi là người đàn ông mạnh mẽ, giỏi tới mức cả hai bà đều rất thần phục. Những quyết định của ông đều là vì gia đình, các bà thấy rõ ràng phải để cho ông “lãnh đạo”, mình chỉ là người giúp dập cho ông. Họ cùng một tâm nguyện xây dựng gia đình có trên có dưới rõ ràng, không có kiểu hỗn đô hỗn đáo, trên dưới lộn sòng. Bố là bố, mẹ là mẹ, con cái là con cái. Bây giờ con cái hơi quá trớn còn bố mẹ cũng không để ý tới con như ngày xưa, không tự mình làm gương, mải mê kiếm tiền.

Họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ bên chân dung bố và hai người mẹ của mình, trong căn nhà của gia đình đã đi vào thơ, nhạc trên phố Quán Thánh, Hà Nội. Ảnh: Phương Bối

Tôi luôn biết hạn chế của mình

Ông nghĩ gia đình thời xưa tốt hơn thời nay?

Tôi nghĩ gia đình ngày xưa tốt hơn. Như bố tôi nói, gia đình thì phải cùng lo cùng làm, ai cũng phải góp công góp sức vào. Xưa khi còn làm chủ xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất MÉMO bố để cho các con trai xuống xưởng làm với thợ. Ông giáo dục con bằng lao động chứ không phải kiểu nhà giàu. Ở trong một gia đình như thế nên tôi cũng có một kiểu sống hơi khác. Không bao giờ tôi nghĩ tôi xuất sắc hay tài. Tôi luôn biết hạn chế của mình.

Hạn chế của ông là gì?

Là để ý đến nhiều thứ quá, không chuyên tâm vào một cái gì cho đến tận cùng. Nhưng thực ra đối với tôi thì như thế cũng là tận cùng rồi, đã trả lời được các câu hỏi và thỏa mãn được mình. Tôi không có ý thức là phải làm cái gì để đời như mọi người. Vì cái gì mình làm mà chẳng là để đời, từng câu từng chữ mình viết, từng việc mình làm đều để lại cho đời hết chứ đâu cần phải là cái gì to tát.

Thứ làm tôi hài lòng nhất trong nghề sống của mình, ấy là trải qua bao gian nan thử thách, tôi vẫn giữ được là mình."

Họa sĩ Trịnh Lữ

Trong những nghề ông làm, ông thích nhất nghề gì?

Tôi thích vẽ nhất. Vẽ làm cho tôi sảng khoái, được một mình ngồi giữa thiên nhiên, thu cả trời đất vào trong khuôn giấy, vuông toan. Thứ hai là viết và dịch. Dịch mà gặp cái gì hay thì thích lắm. Tôi dịch chủ yếu là để học. Tôi vẫn giữ được những tài liệu tự học của tôi nhờ vào dịch sách. Bởi mỗi một cuốn sách giá trị mà tôi dịch lại dẫn tôi đến hàng chục, hàng trăm cuốn sách hay khác.

Ông từng nói ông chỉ có một nghề duy nhất là nghề sống, tới lúc này ông thấy ông làm cái nghề sống ấy thế nào, ông có hài lòng không?

Cuộc sống là một sự giao đãi giữa cá thể mình và thế giới bên ngoài. Giao đãi ấy càng phong phú, sâu sắc thì cuộc sống của mình càng thích, mình cảm thấy mình là một phần của cuộc sống hạnh phúc này. Mà giao đãi đầu tiên là với những người ngay trong nhà mình. Tôi bao giờ cũng đi từ gần đến xa, từ những cái hàng ngày, rồi mới đến những cái trừu tượng, xa xôi.

Nghề sống của tôi là như vậy, tôi sống như vậy. Tôi cứ theo sức mình mà làm thôi. Còn chuyện hài lòng thì bây giờ tôi cũng phải tập hài lòng với mình rồi. Những năm còn trẻ khỏe thì nhiều khi không tự hài lòng, cứ bị bức xúc. Bây giờ tôi qua giai đoạn ấy, mấy năm nữa là 80 tuổi rồi, làm sao mình cứ không hài lòng mãi với mình làm gì. Cứ bình thản thế thôi. Thứ làm tôi hài lòng nhất trong nghề sống của mình, ấy là trải qua bao gian nan thử thách, tôi vẫn giữ được là mình.

Tranh của họa sĩ Trịnh Lữ.

Cuối đời, ở “lều vịt” Hồ Tây sống giữa thiên nhiên và vẽ, bố ông còn tìm đến đạo, ông thì sao?

Bố con tôi giống nhau ở chỗ là tìm đến đạo không phải như tìm đến nơi tị nạn tâm thức. Tôi thấy phần lớn mọi người bây giờ đi vào chùa cứ như đi vào trại tị nạn. Họ muốn vào chùa cho yên, mà không biết rằng vào chùa không hầu vợ hầu con, hầu chồng hầu cháu như ở nhà thì lại hầu sư trong chùa, vẫn lại nấu nướng quét dọn từ sáng đến tối. Bố con tôi tìm đến đạo chỉ như người ta tìm về một cách nghĩ về cuộc đời để cho đỡ khổ thôi. Tôn giáo đều đi đến chỗ dạy con người thương người như thể thương thân, không làm cho ai những gì mà mình không muốn, đừng giết người, trộm cắp…

Người ta yêu quý ông không chỉ vì tài năng mà còn là vì một nếp sống người Hà Nội xưa của gia đình nhỉ?

Thực ra gia đình tôi rất khác mẫu hình một gia đình cổ truyền Hà Nội. Gia đình cổ truyền Hà Nội rất hình thức, trưởng giả, phong kiến. Nhà tôi lại rất phóng khoáng, ảnh hưởng rất nhiều của Tây phương, không lễ nghĩa bề ngoài như thế. Sách của chúng tôi hồi nhỏ toàn sách tiếng Tây. Văn chương Việt Nam theo lối lãng mạn tiểu tư sản của Tự lực văn đoàn không có mặt trong gia đình tôi. Bố mẹ tôi đều không thích lối lãng mạn tiểu tư sản. Mặc dù gia đình tôi từng bị quy là tiểu tư sản nhưng thực ra lối sống ấy lại không có trong gia đình tôi. Vì những phẩm chất ấy mà khi thời cuộc thay đổi thì gia đình tôi cũng dễ thích ứng. Bố mẹ tôi nhận ngay ra giá trị của xã hội mới. Đó là sự đổi đời cho những người nghèo.

Bức tranh sơn ta đặc biệt của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường từng nói ông là một người tài hoa trong một gia đình nhiều người tài hoa…

Tôi cũng chẳng tài hoa gì đâu. Và gia đình tôi chỉ là gia đình có thái độ sống lao động rất giản dị, không bao giờ có thái độ bề trên. Chính vì thế mà tôi, hay bố tôi vào đời sống mới đều rất thích. Bạn bè tôi nhiều người là con cái của những ông to, họ đều rất phục tôi ở chỗ tôi luôn giữ cái nhìn lịch sử. Tôi hiểu ở những giai đoạn ấy thì người ta phải làm vậy, để không trách móc, chửi bới, oán hận.

Nhưng một người chị em của ông còn phát điên vì chứng kiến những chuyện đấu tố, xử bắn hồi cải cách ruộng đất?

Bố tôi bảo nếu nhìn vào những gia đình khác cùng thời thì thấy bi kịch mà gia đình mình gặp phải chỉ là một tai nạn rất nhỏ. Thử nhìn xem, biết bao gia đình có những người con trai đi lính rồi chết hết, bao nhiêu tấn bi kịch khác nữa. Bi kịch nhà tôi như vậy chẳng là gì với những bi kịch kia.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phương Bối thực hiện