Uống cà phê muối nhiều có gây hại cho sức khỏe?

Thời gian qua, cà phê muối được tạo ra từ việc pha trộn các nguyên liệu từ cà phê, muối, kem và sữa đặc, tạo hương vị đặc trưng đã trở thành thức uống được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ.

Là một người bán hàng online chị Linh (Hà Nội) cho biết nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, chị đã mạnh dạn đặt một cửa hàng ở Buôn Ma Thuột gửi ra Hà Nội. Sau mỗi lần cà phê muối được gửi đến tận tay khách hàng, mọi người đều cảm nhận là có vị đặc trưng, ngon, dễ uống.

“Tôi cũng bất ngờ vì chỉ sau thời gian ngắn đăng bài bán mà rất nhiều người vào đặt hàng, thậm chí còn đặt 2-3 chai về để uống dần. Vì số lượng có hạn nên lần nào cà phê muối ra cũng không đủ chia”, chị Linh nói.

Mặc dù được đánh giá có hương vị đặc trưng, thế nhưng với những “tín đồ” quen thuộc của cà phê truyền thống khi thưởng thức lại cho rằng vị mặn của muối làm mất hết hương vị cà phê.

Thậm chí, không ít người tỏ ra lo ngại việc nạp vào cơ thể lượng muối này liệu có gây hại cho sức khỏe.

Nhiều người thích cà phê muối vì có hương vị đặc trưng (Ảnh minh họa).

Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, người Việt có một số vị giác rất mạnh.

Một số nghiên cứu cho thấy, người Việt thích độ ngọt cao hơn, tương tự cũng thích độ mặn cao hơn một số quốc gia khác. Vì thế, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rất nhiều gia vị có tính chất đậm và sâu.

Bà Mai lấy ví dụ với cà phê, nhiều quốc gia uống rất vừa, nhưng loại chúng ta sử dụng bao giờ độ đặc cũng cao hơn, nồng độ cà phê cũng cao hơn rất nhiều.

Nói về cà phê muối, theo bà Mai, khi cho thêm muối vào cà phê sẽ tạo cảm giác độ đậm đặc của cà phê tăng lên.

“Muối là cách để thỏa mãn vị đậm. Nếu không kiểm soát việc tăng cảm nhận của vị giác, luôn đẩy cao hơn thì sẽ dẫn đến việc dung nạp quá nhiều muối, đã mặn thì phải mặn thêm nữa. Nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ nghiêng về thói quen sử dụng quá nhiều đường, quá nhiều muối”, bà Mai nói.

Cũng theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, có những người uống đến 5-6 ly cà phê muối mỗi ngày. Điều này không tốt cho sức khỏe. Bởi, bên cạnh độ đậm đặc của caffeine, chúng còn chứa rất nhiều đường, nhiều muối.

“Do đó, để cân bằng theo tôi không nên uống quá nhiều cà phê muối. Nếu uống thì nên ăn thức ăn có vị nhạt hơn trong ngày để giảm bớt lượng muối”, bà Mai nói.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Theo bà Mai, thành phần chính có hại trong muối chính là natri. Natri liên quan đến tăng áp lực cầu thận, tăng huyết áp. Vì thế,tốt nhất người dân nên giảm bớt tiêu thụ natri, ăn nhạt hơn.

Bệnh nhân có bệnh lý gan, thận nếu ăn nhiều muối hơn sẽ dẫn đến bệnh diễn biến nặng hơn. Người thừa cân, béo phì không nên uống cà phê muối vì sẽ càng dễ tăng cân...

Chế độ ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.

Mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo lượng muối cho người trưởng thành là dưới 5g/ngày. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, uống cà phê có lợi cho sức khỏe, giúp người uống tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, mỗi người nên uống dưới 400mg caffein mỗi ngày, tương đương với bốn ly cà phê mỗi ngày.

Riêng người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp thì hạn chế hoặc không nên uống cà phê. Với loại cà phê muối, nếu mỗi ly cà phê cho 1/2 muỗng cà phê (2,5g muối) thì mỗi ngày chỉ nên uống một ly.

Hoàng Thị Bích