Vì sao không đi nước ngoài nhưng vẫn có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Thông tin về hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vừa mới phát hiện tại khu vực phía Nam, ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật trực thuộc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, cả 2 ca bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đều được phát hiện và xét nghiệm vào những ngày cuối tuần.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là đơn vị điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Cụ thể, ngay khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đến khám chiều 22/9, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh đã điều tra, hội chẩn và lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, có kết quả xét nghiệm vào sáng ngày 23/9. Với trường hợp thứ hai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương xác minh, điều tra và lấy mẫu gửi đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vào chiều tối 23/9, kết quả xét nghiệm được trả lời vào sáng 24/9.

Theo ông Lương Chấn Quang, việc điều tra xác minh ca bệnh và người tiếp xúc được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thành phố triển khai sau khi có thông tin ca bệnh nghi ngờ mà không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với vai trò chỉ đạo, điều phối đã tổng hợp và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh/thành phố kịp thời xác định các yếu tố nguy cơ, người tiếp xúc gần ban đầu nhằm đáp ứng nhanh với tình huống bệnh.

"Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục điều tra mở rộng các địa điểm, nhóm người tiếp xúc với hai trường hợp bệnh theo phương châm gõ từng nhà, rà từng đối tượng để xác định nguồn lây và phát hiện sớm các trường hợp bệnh khác, nếu có", ông Lương Chấn Quang cho biết thêm.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, đơn vị đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng; theo dõi và hướng dẫn những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày; hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, trường hợp 2 ca bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ vừa mới phát hiện có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương, điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh “nội địa”.

Lý giải về việc cả hai bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ khởi bệnh tại nơi cư trú và chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài, bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng bệnh đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.

Theo ngành y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang virus từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, bao gồm: qua tiếp mặt với mặt, cọ sát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, phòng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh, thực hành tình dục an toàn. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm vi rút từ người mắc bệnh.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức