Vụ ngộ độc vì ăn bánh mì Phượng: 'Thủ phạm' nguy hiểm thế nào?

Đến chiều 14/9, có 150 bệnh nhân nhập viện sau ăn bánh mì Phượng. Ảnh minh họa

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân khiến hàng trăm người ngộ độc bánh mì Phượng là do vi khuẩn salmonella. TS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, hiện sở đang chờ báo cáo kết quả điều tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam.

Dương tính với khuẩn salmonella

Về nguyên nhân nhiều người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, trưa 22/9 trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, TS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, hiện sở đang chờ báo cáo kết quả của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có kết luận về vụ 141 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng (địa chỉ số 2 Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An).

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm (lấy tại tiệm bánh mì Phượng) của Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân khiến hàng trăm người ngộ độc là mẫu thịt heo xíu ngày 11/9 (thành phần có trong nhân bánh mì) dương tính với salmonella.

Mẫu chả heo (lấy mẫu sáng 11/9) cho kết quả dương tính với chủng bacillus cereus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu) và HBL (độc tố ly giải hồng cầu). Mẫu thịt heo xíu (lấy mẫu vào sáng 11/9) cho kết quả dương tính/25g với salmonella spp.

Bên cạnh đó, mẫu rau, xà lách, rau răm, hành, dưa leo (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7 giờ 30 phút ngày 12/9) cũng cho kết quả dương tính với chủng bacillus cereus sinh độc tố NHE và dương tính/25g với salmonella spp. Mẫu thịt heo xíu (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7 giờ 30 phút ngày 12/9) cũng cho kết quả dương tính/25g với salmonella spp.

Mẫu xíu mại (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7 giờ 30 phút ngày 12/9) cho kết quả dương tính với bacillus cereus sinh độc tố NHE. Hai mẫu thịt heo xíu và xíu mại (lấy mẫu lúc 10 giờ ngày 13/9, chế biến xong 19 giờ ngày 12/9) kết quả dương tính/25g với salmonella spp. Ngoài ra, còn có mẫu phân của một phụ nữ 71 tuổi (người nước ngoài), kết quả xét nghiệm dương tính với salmonella group D.

Trước đó, vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 12/9, Trung tâm Y tế TP Hội An nhận được tin cả gia đình 5 người ăn bánh mì ở cơ sở bánh mì Phượng bị ngộ độc và được điều trị tại bệnh viện.

Ngay sau đó, Trung tâm Y tế TP Hội An đã thành lập đoàn điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm. Qua khai thác thông tin, đoàn điều tra ghi nhận, không chỉ có 5 người trên bị ngộ độc có ăn bánh mì Phượng, mà còn có nhiều người khác đang nằm điều trị tại một số bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Tính đến chiều 14/9, có 150 bệnh nhân nhập viện (bao gồm cả người dân và du khách). Ngoài ra còn tiếp nhận qua điện thoại khoảng 15 trường hợp có triệu chứng nhẹ. Hầu hết, các bệnh nhân đều có triệu chứng: Sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Theo lời khai của những người bị ngộ độc, họ đều có ăn bánh mì Phượng.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - Mai Văn Mười cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Trong số 150 bệnh nhân có 33 du khách nước ngoài và 117 người Việt. Các bệnh nhân xuất hiện biểu hiện đau bụng, nôn mửa, sốt cao, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Ngoài ra, có khoảng 15 trường hợp khác có triệu chứng nhẹ khác tự điều trị tại nhà.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam - cho biết, vi khuẩn bacillus cereus có độc tố nhưng chưa chắc sinh ra ngộ độc thực phẩm. Dựa trên triệu chứng, mẫu phân của bệnh nhân thì khẳng định nguyên nhân ngộ độc là do vi khuẩn salmonella.

Biểu hiện nhiễm khuẩn

Theo Sở Y tế Quảng Nam, bánh mì Phượng là thương hiệu ẩm thực có hơn 30 năm tuổi, được nhiều khách trong nước và quốc tế yêu thích khi đến du lịch Hội An. Mỗi ngày, cửa hàng này bán ra hơn 1.000 ổ bánh mì. Giá hiện từ 20 nghìn - 35 nghìn đồng/ổ bánh mì. Sau khi xảy ra vụ ngộ độc, cơ sở này đã tạm đóng cửa và đứng trước nguy cơ chịu mức phạt nặng.

Chia sẻ về salmonella, BSCKI Hoàng Đình Thành - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, người bệnh bị nhiễm vi khuẩn này thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ đến 6 ngày. Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn

salmonella sẽ có xu hướng bị nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình bao gồm: Tiêu chảy; đau quặn bụng; sốt; buồn nôn; nôn mửa; ớn lạnh; đau đầu; xuất hiện máu trong phân.

Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định.

Vi khuẩn salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết, các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân. BSCKI Hoàng Đình Thành cho biết, nhiễm khuẩn salmonella thường hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người được ghép tạng, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, khả năng tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn salmonella dễ khiến cơ thể bị mất nước.

Trong đó, một số dấu hiệu cảnh báo thường gặp gồm đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sẫm màu, cảm giác khô miệng, lưỡi, mắt trũng sâu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể không tiết nước mắt khi khóc, cơ thể mệt mỏi hơn bình thường, nhiễm khuẩn huyết.

Vi khuẩn salmonella xâm nhập vào máu sẽ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn huyết, có thể lây nhiễm khắp các mô trên cơ thể, bao gồm: Hệ thống tiết niệu (nhiễm trùng đường tiết niệu); các mô xung quanh não và tủy sống (viêm màng não); màng ngoài của tim hoặc van (viêm nội tâm mạc); xương hoặc tủy xương (viêm tủy xương); viêm khớp phản ứng.

Vân Huyền