'Ăn chuẩn' - tính nhân văn trong ẩm thực đương đại

Hướng dẫn viên du lịch của Vườn quốc gia Cát Tiên tuyên truyền đến khách du lịch về từ bỏ các món ăn và đồ dùng làm từ động vật hoang dã

Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng thành phần loài đa dạng nhất trong toàn quốc với hàng ngàn loài ĐVHD đang sinh sống.

Nhiều năm về trước, thịt thú rừng và các đặc sản liên quan đến thú rừng được người dân săn tìm, đặc biệt là những người có điều kiện kinh tế tại vùng đô thị. Tại những địa phương gần cửa rừng, có khá nhiều quán ăn nổi tiếng với các món thịt rừng. Thời kỳ đó, nạn săn bắt ĐVHD trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ ĐVHD.

“Mốt” ăn thịt thú rừng - thú vui lệch chuẩn

Nhắc lại những câu chuyện về “mốt” ăn thịt rừng, sử dụng những vật dụng được làm từ các bộ phận của ĐVHD như: ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ… được xem là đặc sản, là đẳng cấp mà nhiều người mong muốn một lần được trải nghiệm, ông Nguyễn Văn Hậu, một trong những người sinh ra và lớn lên tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) cho biết, những năm tháng sống tại quê nhà, nghề kiếm sống chính của ông Hậu chính là nghề… đi rừng.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Đồng Nai là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều cảnh sắc thiên nhiên độc đáo khu vực Đông Nam bộ. Các sản phẩm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thu hút du khách bởi những giá trị về sự phong phú của các hệ sinh thái động, thực vật với hàng ngàn loài đang được bảo tồn. Trong số đó có nhiều loài động vật nằm trong danh sách loài đặc hữu, nguy cấp cần phải bảo tồn.

Ông Hậu kể, thời điểm trước những năm 1990, mỗi chuyến đi rừng của ông nếu may mắn bắt được chồn, nhím hay khỉ thì coi như chuyến đi đó gia đình ông lời to vì chỉ cần mang về tới nhà, những mối mua thú rừng làm đặc sản hoặc bán cho các đại gia trên thành phố sẽ tìm đến giành nhau mua về bán kiếm lời. Thời điểm đó, những quán ăn khu vực ven rừng cũng là điểm đến của những người theo “mốt” đi ăn đặc sản thú rừng. Thậm chí, nếu khách hàng muốn ăn món thịt rừng gì thì chỉ cần báo trước là sẽ được đáp ứng ngay.

Những năm gần đây, khi Chính phủ có chủ trương siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều quy định và hình thức xử lý những người vi phạm đến tài nguyên rừng được đưa ra, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng săn bắn, mua bán ĐVHD. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những câu chuyện, hình ảnh về các kiểu ăn thịt thú rừng phản cảm, thiếu tính nhân văn được những người “sính mốt” này đăng tải lên mạng xã hội để thể hiện… “đẳng cấp”.

Ngoài việc thích thưởng thức “đặc sản” thịt thú rừng, những đồ dùng, phụ kiện, trang sức được làm từ các bộ phận của thú rừng vẫn còn được phổ biến rộng rãi, đây cũng là một kênh tiêu thụ ĐVHD cần phải từ bỏ.

Một trong những thị trường bày bán sản phẩm này nhiều nhất chính là tại một số khu, điểm du lịch. Du khách có thể dễ dàng mua được các sản phẩm như: nanh, vuốt của hổ, gấu, thậm chí sư tử. Hay các sản phẩm mỹ nghệ như: vòng tay, vòng cổ, ấn, lược, nhẫn, mặt Phật, trâm cài tóc… làm từ ngà voi, đồi mồi, vảy tê tê và bày bán công khai.

Theo đại diện Dự án Ngăn chặn buôn bán ĐVHD của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam, từ năm 2016-2018, Việt Nam có 13 điểm với 263 cơ sở buôn bán ngà voi. Những nơi này bán cả chục ngàn sản phẩm ngà voi. Tại những khu vực cao nguyên, phần lớn cửa hàng bán nữ trang, quầy lưu niệm đều có sản phẩm ngà voi, được bán công khai.

Nói không với sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), hiện có hơn 400 loài ĐVHD đã được đưa tên vào Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài đã có tên trong danh mục bảo vệ của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ lớn và trung chuyển các sản phẩm liên quan tới ngà voi, sừng tê giác và tê tê trong khu vực. Một số vườn quốc gia và khu bảo tồn vẫn chưa làm tốt công tác bảo vệ các loài ĐVHD.

Tại Đồng Nai, việc kêu gọi người dân nói không với các món ăn từ ĐVHD cũng được triển khai rộng rãi. Đơn cử như tại Vườn quốc gia Cát Tiên, thông điệp: Ăn sao cho chuẩn? Chọn quà lưu niệm sao cho đẳng cấp? được đơn vị quản lý xây dựng các bảng tuyên truyền ngay tại những vị trí trung tâm và rải rác trên các tuyến đường dành cho khách du lịch tham quan.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, những thông điệp bảo vệ thú rừng, cấm săn bắn ĐVHD cũng được các CLB xanh, những doanh nghiệp du lịch địa phương kết hợp tuyên truyền đến khách du lịch và tại cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực. Các quán đặc sản thú rừng cũng không còn, tình trạng buôn bán ĐVHD được kiểm soát, đặc biệt là sau khi thực hiện các chính sách đóng cửa rừng.

Anh Nguyễn Bá Khôi, nhân viên một công ty du lịch trên địa bàn H.Vĩnh Cửu cho biết, trong các tour đưa khách tham quan tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, công ty của anh đều đưa nội dung kêu gọi du khách không sử dụng các sản phẩm chế biến từ ĐVHD và trong các chương trình ẩm thực dành cho khách du lịch, anh Khôi cũng từ chối phục vụ các món ăn từ thịt rừng nếu khách yêu cầu.

So với trước kia, hiện nay số người không sử dụng các sản phẩm từ thịt rừng đã giảm. Ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân được nâng lên rất rõ. Thông điệp: Không ăn, không sử dụng, không tiếp tay cho mua bán tiêu thụ ĐVHD được truyền tải trên các phương tiện truyền thông cũng như việc lên án những hành vi phản cảm trong sử dụng các món ăn từ ĐVHD đã khơi gợi con người thể hiện tính nhân văn trong cách sử dụng đồ ăn. Nhiều quán ăn, nhà hàng đã không còn quảng cáo món ăn từ thịt rừng.

Một khi nhu cầu tiêu thụ giảm, chắc chắn các hoạt động săn bắn ĐVHD trong thiên nhiên sẽ không còn nơi cung cấp. Con người sẽ hướng đến những bữa ăn lành mạnh với các loại nguyên liệu có lợi cho sức khỏe.

Ông LÊ VIỆT DŨNG, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã phát hiện khoảng gần 200 cá thể của một số loài động vật quý hiếm xuất hiện trên địa bàn tỉnh tại khu vực núi Chứa Chan thuộc H.Xuân Lộc và Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa). Chi cục đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa phương phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ. Chi cục cũng đã tham mưu Sở NN-PTNT đề nghị các cơ quan và các địa phương có kế hoạch thường xuyên bảo vệ, giám sát và theo dõi biến động của các loài động vật quý hiếm; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp săn bắn, mua bán thú rừng sai quy định.

Thủy Mộc