Báo động về hàng giả, hàng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại

Ngày 14/6, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động ương mại điện tử, thương mại truyền thống.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội tổ chức.

Vi phạm tăng dần cả về quy mô và số lượng

Trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Song hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ở Việt Nam, nguồn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có cả hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Đứng đầu về số vụ việc được kiểm tra xử lý là Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội với 1.579 vụ; phạt hành chính 15.941 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm gần 30 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra, xử lý 1316 vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 16,4 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm 191.090 sản phẩm; giá trị hàng hóa vi phạm là gần 36 tỷ đồng.

Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang.

Các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

Tổng kết cho thấy, trong vòng 1 năm qua, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, bắt giữ 146.678 vụ vi phạm, trong đó 11.499 mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,37% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ). Chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 5.464 vụ việc tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là một con số đáng báo động về vi phạm áp luật trong hoạt động thương mại.

Cần nâng chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe

Thảo luận về giải pháp đấu tranh tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo 389 cho biết, đang kiến nghị các bộ, ngành khẩn trương ban hành mới, sửa đổi bổ sung chỉnh lý các chính sách, văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong quá trình thực thi. Đồng thời, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các đơn vị đấu tranh trực tiếp như quản lý thị trường, hải quan, biên phòng… đề nghị bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, kinh phí tiêu hủy hàng hóa, xây dựng kho bãi, bảo quản tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc. Ngoài ra, cần xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời.

Các đơn vị quản lý cũng đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, nền tảng xã hội cần chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật hiện hành, tăng cường nhân sự, thực hiện rà soát, đánh giá rủi ro đối với các tài khoản đăng ký bán hàng.

Bên cạnh đó, thực hiện cảnh báo và có chế tài xử lý đối với các gian hàng đăng ký vi phạm; kiên quyết thực hiện xóa tài khoản, gỡ sản phẩm vi phạm, thực hiện thông báo rộng rãi để người tiêu dùng tránh rủi ro.

Ở góc độ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác tuyên truyền, chất lượng và tần suất tuyên truyền ở các cấp, ở địa phương về sự ảnh hưởng, cũng như tác hại của việc sử dụng hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả đến người dân. Vận động nhân dân ở mọi tầng lớp nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm giảm tối thiểu nhu cầu mua sắm.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu bằng cách thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm; chủ động phổ biến đến người tiêu dùng phương pháp nhận biết hàng giả.

Đại diện một số hiệp hội ngành hàng cam kết sẽ tiếp tục tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm, học tập các mô hình trong nước và quốc tế trong công tác chống hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu để hỗ trợ lực lượng chức năng và hội viên tốt hơn.

Đặc biệt, tích cực tổ chức tuyên truyền cho hội viên chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Qua đó giúp các hội viên tránh được các vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xác lập quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo sản xuất kinh doanh bền vững.

Bên lề hội nghị, Ban tổ chức có không gian dành cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các mẫu mã hàng hóa bị làm giả trên thị trường để so sánh với các sản phẩm thật:

Hàng bị làm giả rất đa dạng về chủng loại, chủ yếu nắm bắt theo nhu cầu tiêu dùng.

Một số sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mũ bảo hiểm đang bị làm giả rất nhiều trên thị trường.

Các sản phẩm pháo do Z21 Bộ Quốc phòng cũng bị làm giả.

Ban tổ chức cũng trưng bày các sản phẩm bị làm giả và hàng thật để khách tham quan so sánh, phân biệt.

Hồng Vân