Bị vô sinh thứ phát do nạo thai 13 lần

Chị Phan Thị Thu Hương lập gia đình năm 18 tuổi, không dùng biện pháp tránh thai. Phát hiện mang thai lần đầu, lúc thai 9 tuần tuổi, chị quyết định bỏ vì hai vợ chồng đang ở trọ, kinh tế bấp bênh, không đủ điều kiện nuôi con.

Ba năm sau, chị tiếp tục nạo hút, bỏ thai ba lần. Năm 22 tuổi, chị mang thai, quyết định giữ lại và sinh thường bé trai 3,1 kg. Từ năm 2015 đến năm 2021, chị mang thai thêm 9 lần, đều bỏ bằng nhiều biện pháp như dùng thuốc, hút thai, trong đó có một lần mang thai ngoài tử cung được chỉ định bỏ thai.

Chị cho biết gia đình sống trong khu trọ nghèo, gần khu công nghiệp và tăng ca cả ngày. Dù biết biện pháp đặt vòng tránh thai, chị chủ quan không áp dụng. Vợ chồng tránh thai bằng bao cao su, nhưng không thường xuyên.

Hai năm trước, nhận thấy con trai đã lớn và kinh tế khấm khá hơn, vợ chồng chị định sinh thêm con nhưng không thể mang thai.

“Sau khi đi khám, tôi mới biết bị vô sinh thứ phát, buồng tử cung mỏng không thể mang thai tự nhiên, dự trữ buồng trứng ngày càng giảm. Nếu muốn có con, chúng tôi phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sớm, trước khi buồng trứng cạn kiệt”, chị Hương nói.

Năm 2022, vợ chồng chị làm IVF nhưng thất bại sau hai lần chuyển phôi. Đầu năm nay, chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, và được bác sĩ Lê Xuân Nguyên khám, đánh giá toàn diện tử cung, chất lượng buồng trứng.

Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân nhiều lần bỏ thai bằng phương pháp nạo hút, có tiền căn viêm phần phụ và có hình ảnh ứ dịch tai vòi nên không thể có thai tự nhiên. Ngoài ra, lần IVF trước tiền căn phôi kém, thất bại sau hai lần chuyển phôi. Do đó, bệnh nhân được xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng, thu được 10 noãn trưởng thành, tạo được 3 phôi chất lượng tốt, trong đó một phôi ngày 5 loại 1, hai phôi ngày 6 loại 3.

Đầu tháng 3, sau khi niêm mạc tử cung đủ điều kiện để thai làm tổ, bám dính tốt, chị Hương được chuyển một phôi ngày 5 loại 1 và mang thai. Thai phát triển tốt.

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên khám và tư vấn phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân.

Tương tự, chị Võ Minh Phương (44 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) từng sinh thường hai con gái (bé lớn sinh 2004, bé nhỏ sinh 2006). Chị vỡ kế hoạch hai lần vào năm 2009 và 2012, phải bỏ thai. Sau 10 năm duy trì biện pháp tránh thai, vợ chồng mong muốn sinh thêm nhưng bị vô sinh thứ phát.

Làm IVF ở bệnh viện khác nhưng thất bại, chị Phương đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Nguyên cho biết khó khăn lớn nhất của bệnh nhân là buồng trứng suy kiệt, AMH chỉ còn 0,33. Chị Phương được xây dựng chiến lược gom trứng ba chu kỳ, được 6 noãn trưởng thành, tạo hai phôi chất lượng tốt. Bệnh nhân đang chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi.

Bác sĩ Nguyên nhận định vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở các cặp vợ chồng từng sinh con, rất thường gặp. Vô sinh thứ phát có nhiều nguyên nhân, trong đó có nạo phá thai, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp (khả năng làm thay đổi cấu trúc tử cung và ống dẫn trứng). Phụ nữ nạo phá thai khi quá trẻ, nhiều lần và tuổi thai cao tăng tỷ lệ biến chứng ở tử cung, gây vô sinh (gồm vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát).

Thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc 2022 (UNFPA) công bố đầu năm nay cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, chỉ 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, tỷ lệ này là 4% ở phụ nữ 15-19 tuổi.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) công bố cuối năm 2022, giai đoạn 2019-2021, Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai mỗi năm, trong đó 30% phụ nữ 15-19 tuổi, với 70% học sinh, sinh viên.

Theo chuyên gia y tế, việc gia tăng tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên do nhiều nguyên nhân như cuộc sống hiện đại, dễ dàng tiếp cận thông tin về hành vi tình dục từ mạng xã hội, phim ảnh… dẫn đến tỷ lệ quan hệ tình dục sớm cao.

Trẻ gái vị thành niên hoặc phụ nữ trẻ chưa có kiến thức về tránh thai, bảo vệ sức khỏe sinh sản thường không hiểu rõ hậu quả của việc phá thai. Nạo phá thai có thể gây tổn thương buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng, dẫn đến không thể mang thai tự nhiên. Tỷ lệ vô sinh ở nhóm nữ giới nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với trường hợp khác.

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho hay tùy tình trạng, trường hợp vô sinh do tiền căn nạo phá thai vẫn có thể có con nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân được khám sức khỏe sinh sản toàn diện, điều trị với phác đồ cá thể hóa. Labo ISO 5 siêu sạch cùng hệ thống tủ nuôi cấy phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo AI giúp nuôi cấy và lựa chọn phôi chất lượng tốt. Đặc biệt là phác đồ chuẩn bị niêm mạc tử cung phù hợp tình trạng từng người bệnh, giúp phôi làm tổ và bám dính tốt, tăng tỷ lệ mang thai, sinh con khỏe mạnh.

Hoài Thương - Minh Chi