Các phương pháp điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Thiểu năng tuần hoàn não sẽ được điều trị bằng nội khoa kết hợp với chế độ ăn, luyện tập, giấc ngủ... hoặc điều trị ngoại khoa.

- Điều trị nội khoa: Tùy vào cơ chế bệnh sinh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị bằng thuốc cho mỗi bệnh nhân khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ ví dụ như: Tăng huyết áp, kiểm soát đường huyết, mỡ máu, các bệnh lý tim mạch... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được dùng thuốc để cải thiện các triệu chứng do thiểu năng tuần hoàn não gây ra.

Thuốc giúp cải thiện tuần hoàn não với nhiều cơ chế tác động khác nhau như: Hỗ trợ làm giãn mạch máu não, tăng cường cung cấp oxy lên não, tăng lưu thông mạch máu não.

Người bệnh thiểu năng tuần hoàn não không nên tự ý dùng thuốc.

- Điều trị ngoại khoa: Phương pháp ngoại khoa được chỉ định với trường hợp có biểu hiện biến mạch máu não do:

+ Xơ vữa động mạch cảnh trong: Trường hợp bị hẹp động mạch cảnh trong đáng kể, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bóc tách động mạch cảnh.

+ Xơ vữa động mạch đốt sống thân nền: Trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não cấp xảy ra do tắc động mạch thân nền, có thể được chỉ định lấy huyết khối. Ở một số ít trường hợp, có thể cần chỉ định đặt stent để đảm bảo tưới máu cho não.

1. Thuốc điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Khi bệnh nhân có triệu chứng của cơn rối loạn tuần hoàn não cấp hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị. Hầu hết các trường hợp sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc và cho điều trị tại nhà.

Những thuốc thường được các bác sĩ kê đơn như:

- Cinnarizin: Thuốc có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến các vùng não và giảm tình trạng thiếu ôxy não nhưng không gây tăng áp lực máu và nhịp tim. Bên cạnh đó, thuốc giúp cải thiện tình trạng suy giảm vi tuần hoàn, ức chế sự kích thích hệ thống tiền đình làm giảm rung giật nhãn cầu và các rối loạn thực vật khác... giúp ngăn chăn hoặc cải thiện các cơn chóng mặt cấp tính do thiểu năng tuần hoàn não.

Lưu ý: Cinnarizin có thể gây ảnh hưởng trên đường tiêu hóa, gây đau vùng thượng vị, nên uống thuốc khi no để giảm tác dụng phụ này. Nhoài ra, thuốc có thể gây buồn ngủ, ngủ gà... nên khi dùng thuốc, tránh làm những công việc như lái xe, làm việc trên cao, vận hành máy móc…

Không uống rượu trong khi dùng thuốc, không kết hợp cùng lúc với thuốc chống trầm cảm ba vòng... do các chất này có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc.

Không nên dùng thuốc dài ngày ở người cao tuổi vì có thể gây tăng hoặc xuất hiện các triệu chứng rối loạn giảm động như co cứng, động tác chậm chạp và các rối loạn tăng động như múa giật, rung giật cơ, chứng nằm ngồi không yên...

Thuốc cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa tạm thời, nhức đầu, khô miệng, tăng cân, ra mồ hôi, phản ứng dị ứng và giảm huyết áp...

- Cerebrolysin: Là thuốc thuộc nhóm dinh dưỡng tế bào thần kinh, tác động lên não theo nhiều cơ chế khác nhau như tăng cường chuyển hóa của các tế bào thần kinh, ngăn chặn hiện tượng nhiễm acid lactic trong thiếu ôxy não hoặc thiếu máu não...

Lưu ý: Cerebrolysin có thể gây tăng hoặc hạ huyết áp, mệt mỏi, run, trầm cảm, thờ ơ, chóng mặt và các triệu chứng của bệnh cúm; rối loạn tiêu hóa như chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn ói; cảm giác nóng hoặc đổ nhiều mồ hôi, choáng váng, một số trường hợp bệnh nhân bị đánh trống ngực hoặc loạn nhịp tim.

Thuốc không dùng ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân bị suy thận, bệnh nhân mẫn cảm với thành phần của thuốc.

- Piracetam: Là một trong những thuốc dùng cho người thiểu năng tuần hoàn não, cải thiện sự chóng mặt, thiếu tập trung, các biến chứng thiếu máu não...

Lưu ý: Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp chảy máu não, bệnh thận giai đoạn cuối hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, có thể gặp các tác dụng phụ như rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa. Nếu các rối loạn này làm ảnh hưởng đến cuộc sống, cần ngưng thuốc và trao đổi lại với bác sĩ. Không dùng thuốc cho bệnh nhân suy gan.

- Ginkobiloba: Có tác dụng làm giảm các gốc tự do, ngăn ngừa sự phá hủy màng tế bào, kích thích sự giải phóng catecholamin, duy trì sự hoạt động của mạch máu và làm bình thường sự chuyển hóa của não trong điều kiện thiếu máu cục bộ. Thuốc được dùng để làm giảm các biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não, dùng kết hợp trong điều trị đau đầu, suy giảm trí nhớ có liên quan đến tuần hoàn não.

Lưu ý: Bệnh nhân cường giáp không được dùng nhóm thuốc này.

2. Lưu ý chung khi bị thiểu năng tuần hoàn não

Tình trạng thiểu năng tuần hoàn nếu để kéo dài và không được điều trị đúng, kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc, chức năng của não bộ, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng của bệnh lý có thể kể đến như nhũn não, đột quỵ - tai biến, xuất huyết não, chết não... nguy hiểm nhất là gây tử vong.

Mỗi người bệnh sẽ có nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh khác nhau, do đó phác đồ dùng thuốc điều trị cũng khác nhau. Bệnh nhân không tự "chẩn đoán" và dùng thuốc bổ não khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc theo đơn của người khác.

Là bệnh lý cần điều trị lâu dài, bệnh nhân không nên nản chí mà cần tuân thủ dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Chế độ ăn: Hạn chế ăn đồ chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa các chất bảo quản. Sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giảm hàm lượng cholesterol. Ưu tiên sử dụng các thực phẩm giúp tăng lưu lượng máu lên não như cá béo, rau xanh (súp lơ, rau cải bina,...), hải sản, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả mọng nước (cam, quýt, bưởi, dâu tây, việt quất), thị đỏ ( thịt cừu, thịt bò...).

- Luyện tập: Cần xây dựng chế độ thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường tuần hoàn não. Hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì. Các bài tập, môn thể dục cần lựa chọn phù hợp với thể trạng sức. Không nên luyện tập các bài tập vượt với sức khỏe của mình.

- Nghỉ ngơi: Nên có thời gian nghỉ ngơi tối thiểu là 10 phút sau mỗi 2 giờ làm việc trí óc, sử dụng máy tính.

- Hạn chế tình trạng căng thẳng kéo dài, hãy cố gắng để cơ thể được thư giãn ở mức tốt nhất. Giữ cho chất lượng giấc ngủ tốt, không ngủ quá muộn, ngủ đủ thời gian 7-8 giờ mỗi ngày, ngủ sâu giấc.

- Không sử dụng điện thoại, máy tính, tivi liên tục trong thời gian dài.

Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản! | SKĐS

BS.Lê Anh Tiến