Có chính sách đặc thù cho các địa phương phát triển công nghiệp văn hóa

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc là một trong 8 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Công nghiệp Điện ảnh, công nghiệp Âm nhạc là thành tố quan trọng tạo nên thị trường văn hóa

Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tuy mới được chú trọng, định hướng phát triển trong những năm gần đây nhưng thực tế các lĩnh vực văn hóa đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh với lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó ngành công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc là thành tố quan trọng tạo nên thị trường văn hóa, trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.

Đối với ngành công nghiệp Điện ảnh: Qua các chặng đường lịch sử, Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền Điện ảnh Việt Nam; cho nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, trong đổi mới và hội nhập phát triển. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hai hãng phim cổ phần hóa là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 819 doanh nghiệp.

Về cơ sở sản xuất phim, thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. TP. Hồ Chí Minh có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 5 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%. Hệ thống phim trường, phương tiện kỹ thuật của nhà nước và tư nhân tương đối đáp ứng điều kiện làm phim. Nguồn phim nhập khẩu phong phú, đa dạng, khán giả thành phố có thể nhanh chóng tiếp cận nhiều bộ phim mới, nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

Các thế hệ hoạt động trên lĩnh vực Điện ảnh của Thành phố gồm những tên tuổi gạo cội của điện ảnh cách mạng, điện ảnh miền Nam và nguồn nhân lực của thành phố được đào tạo, bồi dưỡng, cùng với sự bổ sung của cả nước và hiện nay có cả người Việt Nam ở nước ngoài về nước hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh. Những năm gần đây lĩnh vực Điện ảnh đã xuất hiện một số các nhà làm phim trẻ (đạo diễn, biên kịch, quay phim, kỹ thuật viên, diễn viên…) thuộc thế hệ 7x, 8x, thậm chí 9x khẳng định được năng lực sáng tạo, khả năng tiếp nhận chuyển giao thế hệ thông qua những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận.

Doanh thu ngành Điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, năm 2015 là 6.016 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng. Đến nay, ngành Điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố. Năm 2020 - 2021 do tác động của đại dịch Covid-19 nên ngành Điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề, có giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội các rạp chiếu phim phải tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, lĩnh vực Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược phát triển một cách bền vững, để phát huy tốt nhất nguồn lực trên các mặt và hình thành rõ nét nền công nghiệp trong tương lai.

Đối với lĩnh vực công nghiệp Âm nhạc: Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường năng động, hội nhập với thị trường âm nhạc quốc tế, tiên phong trong nhiều xu hướng, mô hình, phong cách sáng tạo mới của âm nhạc cả nước. Hình thành một thế hệ của nền âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, từ đội ngũ nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, sản xuất, sáng tạo, kinh doanh… Rất nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ bằng kênh hoạt động nghệ thuật mà còn thông qua các dịch vụ thương mại, hoạt động kinh doanh, sự kiện với nhiều mô hình đa dạng, ở các không gian khác nhau. Sự phát triển hết sức năng động của các loại hình âm nhạc đã góp phần nâng cao thị hiếu, trình độ và nhu cầu thưởng thức của công chúng, đồng thời cũng tạo điều kiện giao lưu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hình thành nền công nghiệp Âm nhạc.

Thành phố vừa là không gian, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; giao lưu văn hóa quốc tế. Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt.

Một trong những sự kiện tiêu biểu mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và đối với việc xây dựng thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò dô” (HOZO) lần đầu tiên tổ chức năm 2019. Thành công của Lễ hội âm nhạc cho thấy, việc xã hội hóa lễ hội âm nhạc là một hướng đi đúng của thành phố trong việc tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế.

Tỷ lệ đóng góp của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và âm nhạc nói riêng vào sự phát triển kinh tế của thành phố còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị trí vai trò của ngành. Năm 2010, ngành nghệ thuật biểu diễn chỉ đóng góp 0,07% cho GRDP toàn thành phố và từ năm 2011 - 2018 giữ tỷ lệ 0,06% GRDP toàn thành phố, đến năm 2020 tăng lên 0,09%. Như vậy, có thể thấy ngành nghệ thuật biểu diễn chưa có sự phát triển đột phá, đây là một thực tế để chúng ta có các giải pháp thiết thực hơn trong những năm tới.

Phát triển công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc trở thành ngành dịch vụ văn hóa trọng điểm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Trong giai đoạn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu “Trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh”.

Giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc

Đối với công nghiệp Âm nhạc: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chú trọng các hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của Thành phố.

Ngành điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025; tốc độ phát triển trung bình khoảng 13%, đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 50% doanh thu), đóng góp khoảng 0,56% GRDP vào năm 2030. Ngành nghệ thuật biểu diễn (trong đó có ngành công nghiệp âm nhạc) đạt gần 1.000 tỷ đồng, đóng góp 0,08% GRDP vào năm 2025; đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, đóng góp 0,09% GRDP vào năm 2030.

Tăng cường các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá gắn với mục tiêu kinh doanh hiệu quả, khuyến khích và thu hút xã hội hóa nhằm phát huy nguồn lực để tập trung các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực âm nhạc, tạo cơ chế thu hút đầu tư đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung và hoạt động âm nhạc nói riêng.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, áp dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ…

Đối với công nghiệp Điện ảnh: trên cơ sở triển khai thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1.1.2023, Thành phố Hồ Chí Minh tạo đà tiếp tục phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh; những chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh, có chính sách bảo hộ phù hợp cho phim Việt Nam như ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam; cơ chế ưu đãi về vốn cho những nhà làm phim trong nước…

Nâng cao năng lực sản xuất, có kế hoạch cụ thể nhằm đầu tư thực hiện những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững.

Nghiên cứu tổ chức các Liên hoan phim mang dấu ấn riêng của thành phố theo định kỳ. Tổ chức các cuộc thi kịch bản, sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, thi tài năng trẻ… Tổ chức Chợ phim đại diện cho điện ảnh nước nhà để mở rộng giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài; phổ biến văn hóa nghệ thuật của thành phố với quốc tế; mở đường cho việc xuất khẩu phim bằng con đường thương mại.

Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Điện ảnh lưu giữ tất cả hình ảnh, hiện vật về Điện ảnh Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Phục hồi hoạt động của ngành Phát hành phim thành phố để điều hành, quản lý công tác phát hành trên địa bàn, quản lý nhà nước về hoạt động của hệ thống rạp chiếu phim, quản lý công tác xuất nhập khẩu phim.

Để lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị các nội dung sau:

Một là, đề xuất Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hóa và thể thao theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Hai là, Quốc hội đánh giá việc thực thi Luật quản lý, sử dụng tài sản công ban hành ngày 21.6.2017 trong thời gian qua tại các địa phương còn tồn tại và phát sinh những bất cập; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để các địa phương có tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi riêng để tăng cường phát triển công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả nhất.

Ba là, các cơ quan thẩm quyền của Trung ương hướng dẫn việc triển khai, cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng… làm cơ sở để nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án.

Bốn là, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan trung ương rà soát, tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm là, cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo văn hóa là đơn vị sự nghiệp công lập để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, phát huy giá trị sáng tạo, tính chuyên nghiệp, hiện đại trong phát triển công nghiệp văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh.

* Đầu đề do báo Đại biểu Nhân dân đặt

N. Bình ghi