Lịch sử từ những điều bé nhỏ

Dù không còn là khái niệm mới với giới nghiên cứu, xuất bản ế giới song vi lịch sử (tạm dịch từ micro-history) - bao gồm những cuốn sách lịch sử khai thác phạm vi nghiên cứu hẹp như một sự kiện, một cộng đồng, một nhân vật hay một ngành nghề, lĩnh vực - vẫn chưa thực sự phổ biến với độc giả Việt Nam, vốn quen thuộc hơn với "đại sử" hay lịch sử gắn với các triều đại, các thời kỳ.

Những năm gần đây, sách lịch sử với đối tượng nghiên cứu như kể trên đang xuất hiện ngày một nhiều, mở ra hướng mới cho cả những người nghiên cứu, viết sách, người làm xuất bản và đa dạng lựa chọn sách lịch sử cho độc giả.

Hướng đi mới, tạo cơ hội cho dòng sách 'ngách'

Với định hướng xuất bản dòng sách tri thức nền tảng, lịch sử là mảng sách được Omega Plus chú trọng đầu tư từ những ngày đầu thành lập. Trả lời Tri Thức - ZNews, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Omega Plus - nhận định rằng dòng sách vi lịch sử góp phần bổ khuyết những góc nhìn, chi tiết thường bị che khuất của bức tranh lịch sử toàn cảnh.

Theo bà, đại sử thường tập trung vào những đường nét lớn, quy luật mang tính vĩ mô, song nếu chỉ có vậy thì lịch sử bị thiếu đi cái nhìn đa chiều. Do đó, song song với góc nhìn chính trị, lịch sử cần được soi chiếu qua những lăng kính khác như giao thương, nghệ thuật, con người, vật lý, tiến hóa...

Lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo, Chìm nổi ở Sài Gòn cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình cảnh lịch sử và những biến đổi ở Sài Gòn thời thuộc địa trong khoảng 4 thập niên đầu thế kỷ XX, bổ khuyết, đóng góp thêm cho cho đại sử về thời kỳ này.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, xuất bản cũng đang có sự chững lại. Bà Phương cho biết nếu như cách đây 5-7 năm, lịch sử là mảng sách sôi động, thì nay dường như tệp độc giả chưa phát triển kịp với lượng đầu sách lịch sử gia tăng. Có những chủ đề trước kia rất ăn khách song nay sách xuất bản lại không thu hút như kỳ vọng.

Trái lại, từ kinh nghiệm của đơn vị mình, Giám đốc Omega Plus nhận định rằng những đầu sách tưởng chừng rất "ngách", tập trung hướng đến đối tượng cụ thể thì lại nổi bật, nhận được chú ý. Đơn cử có thể kể đến trường hợp của Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 - được gọi là "cuốn sách đầu tiên bàn về lịch sử chống lạm phát và khủng hoảng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ" - do Omega Plus phát hành vào đầu năm nay, rất được độc giả đón nhận.

Việc đầu tư cho dòng sách vi lịch sử không chỉ giúp tránh được việc lịch sử bị nhìn thiên lệch góc độ, mà cũng là một hướng đi cho các học giả, nhà nghiên cứu, là mảnh đất khai thác cho các đơn vị phát hành sách chú trọng mảng này. Có thể nhận thấy rõ rằng ngày càng nhiều đơn vị đầu tư cho mảng sách này, kể cả sách dịch lẫn sách tiếng Việt.

Vi lịch sử đào sâu, khai thác cặn kẽ vấn đề

Bàn về vai trò của vi lịch sử, tác giả Phạm Công Luận nhớ đến lời nhận xét của nhà tiểu luận đương đại người Ireland Hubert Butler trong cuốn Beside the Nore (Bên bờ Nore): "Tôi đã luôn tin rằng lịch sử địa phương quan trọng hơn lịch sử quốc gia". Ở đây, ông Luận không nghĩ Hubert Butler muốn hạ thấp giá trị của lịch sử quốc gia, mà muốn nhấn mạnh sự quan trọng của lịch sử địa phương.

Tác giả Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn ký ức rực rỡ cho rằng lịch sử địa phương không chỉ quan trọng mà còn hấp dẫn: "Đọc lịch sử một vùng đất là nhu cầu có thật vì ai cũng có một quê hương hoặc nơi đang sinh sống".

Nhắc đến bộ sách Xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh với các cuốn như Gia Định xưa và nay, Vũng Tàu xưa và nay, Bạc Liêu xưa và nay v.v rất được quan tâm và tái bản nhiều lần, giúp người đọc hiểu về quê hương và nơi mình đang sống ở mọi mặt và biết thêm về những nơi khác, Phạm Công Luận có chút tiếc nuối: "Hiện nay, không có nhiều cuốn sách như vậy, trừ một số cuốn địa chí".

Bên cạnh đó, theo ông, loại sách viết riêng về một mảng đời sống theo lịch đại cũng dễ thu hút người đọc, giúp độc giả gắn kết với quá khứ, hiểu sâu sắc các khía cạnh khác nhau của cuộc đời trong quá trình phát triển của nó. Đọc được nhiều cuốn sách dịch ở dạng này, về các mặt ẩm thực, trang phục, vật dụng… được các tác giả nước ngoài viết rất kỹ và lý thú, Phạm Công Luận thấy tiếc rằng loại sách này của tác giả Việt hiện nay cũng chưa nhiều, đề tài chưa phong phú và đa dạng.

Theo ông Trần Đình Ba - người chấp bút nhiều bài báo, cuốn sách lịch sử với lối viết gần gũi với bạn đọc phổ thông, bên cạnh những nghiên cứu lịch sử, văn hóa mang tính tổng quan, vĩ mô, thì xu hướng micro-history (vi lịch sử) là cách tiếp cận, bổ khuyết lịch sử rất giá trị.

"Để thực hiện được những đề tài dạng này, nhà nghiên cứu phải thực sự am tường kiến thức liên ngành, vững về phương pháp sử học và đào sâu vấn đề, gần như là tận cùng, để có những kết luận, diễn giải mang tính khám phá, dù có thể không hoàn toàn là thuận tự nhiên nếu nhìn ở lịch sử tổng quan", ông nhận xét.

Sách Khoái khẩu và khát vọng và Cây cao su ở Việt Nam - Dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897-1975).

Ông kể tên một số tác phẩm vi lịch sử có góc nhìn mới, khác thông thường đối với lịch sử Việt Nam cận đại: Khoái khẩu và khát vọng của Erica J. Peters quan sát từ lăng kính ẩm thực của những đồ ăn, thức uống, sự du nhập, dung hợp ẩm thực Á - Âu, Việt Nam - Trung Quốc - Pháp…; Cây cao su ở Việt Nam - Dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897-1975) của Michitake Aso không chỉ đơn thuần viết về sự du nhập, hiện diện của cây cao su ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 cho đến 1975, mà trong đó là chủ nghĩa thực dân, là kinh tế, xã hội, là chính trị… xoay quanh cây cao su.

Theo ông, xu hướng vi lịch sử đã đóng góp những kiến giải mới cho nhiều vấn đề của lịch sử thế giới và đây là cách tiếp cận độc đáo, hay và rất đáng học hỏi.

Những tác phẩm đưa ra góc nhìn mới về quốc gia, dân tộc, về thế giới… dựa trên nền tảng một vấn đề, bản thể cụ thể và từ đó xoay quanh nó như Lịch sử tranh đoạt tài nguyên thế giới triển khai lịch sử thế giới: gia vị, dầu mỏ, đất hiếm và kinh tế tuần hoàn; Lịch sử đô thị hiện đại; Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ… "tuy là vi lịch sử, nhưng đóng góp thì không hề vi mô chút nào", ông Trần Đình Ba đúc rút.

Tâm Anh