Công bố các hình quét 3D đầu tiên của xác tàu Titanic

Hình quét 3D kích thước đầy đủ về xác tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan

Là một trong những thảm kịch hàng hải lớn nhất trong lịch sử, vụ đắm tàu Titanic khiến hơn 1.500 hành khách thiệt mạng và nguyên nhân của nó vẫn chưa hoàn toàn được lý giải cho tới ngày nay. Do đó, trong một nỗ lực nghiên cứu kĩ con tàu này – nhân chứng cuối cùng của thảm kịch – các nhà khoa học đã tiến hành một dự án nhằm tái tạo lại hình ảnh 3D của con tàu bị đắm dưới đáy biển Đại Tây Dương.

Theo hãng tin BBC, dự án được thực hiện từ năm 2022 bởi công ty lập bản đồ biển sâu Magellan Ltd kết hợp với Atlantic Productions – một nhà sản xuất phim ảnh đang có mong muốn thực hiện một bộ phim tài liệu về chủ đề này. Để có thể cho ra kết quả bản quét 3D kích thước đầy đủ, nhóm chuyên gia đã điều khiển tàu lặn từ xa để quan sát mọi góc độ của tàu Titanic. Thông qua 750.000 bản quét trong hơn 200 giờ, các nhà khoa học đã có thể tổng hợp và tái tạo được hình ảnh của con tàu này.

Thông qua các hình ảnh mới 3D mới nhất, xác tàu Titanic hiện gồm 2 phần, với mũi tàu và đuôi tàu cách nhau khoảng 800m trong khi nhiều mảnh vụn lớn nằm quanh con tàu bị hư hại. Con tàu hiện đang nằm ở độ sâu 3.800m dưới đáy biển Đại Tây Dương, cách bờ biển Newfoundland, Canada khoảng 594km.

Đuôi tàu là nơi bị hư hại nặng nhất trong khi hình dáng của mũi tàu vẫn rất dễ nhận ra. Bản quét thậm chí còn chi tiết tới mức nhìn thấy được các vật dụng xung quanh từ đồ kim loại trang trí, các bức tượng hay chai sâm panh chưa mở cho tới nhiều đôi giày nằm trên lớp trầm tích.

Các bản quét 3D này được tổng hợp từ 750.000 bản quét được thực hiện trong 200 giờ đồng hồ. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan

Kể từ khi xác tàu Titanic được phát hiện năm 1985, nó vẫn luôn được nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên do tàu quá lớn và đáy đại dương quá sâu và tối, máy ảnh chỉ có thể bắt được những bức hình thoáng qua về con tàu đang mục nát.

Tuy nhiên theo chuyên gia Parks Stephenson, những hình quét 3D này sẽ cho phép các nhà khoa học nhìn thấy con tàu đắm từ góc độ không bao giờ có thể đạt được từ một chiếc tàu lặn. Nó cũng là "một trong những bước quan trọng đầu tiên để thúc đẩy việc nghiên cứu Titanic dựa trên bằng chứng chứ không phải suy đoán”.

Ngoài ra, nó cũng có khả năng sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu được thêm một số chi tiết về những gì xảy ra khi tàu bị đắm. Ông Stephenson cho biết vẫn còn rất nhiêu câu hỏi chưa được giải đáp khi tàu Titanic đâm phải một tảng băng trôi vào năm 1912, ví dụ như điểm va chạm của tảng băng hay bản chất chính xác của việc con tàu đâm vào đáy đại dương.

Trong bối cảnh các chuyên gia dự đoán tàu Titanic sẽ hoàn toàn biến mất vào khoảng năm 2050, ông Parks Stephenson khẳng định điều quan trọng nhất là phải ghi lại mọi yếu tố của tàu Titanic trong khi vẫn có thể.

Các bản quét 3D này giúp việc nghiên cứu và điều tra về vụ đắm tàu Titanic có thêm bằng chứng. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan

Tàu Titanic sẽ biến mất hoàn toàn vào khoảng năm 2050 theo dự đoán của các chuyên gia. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan

Ngân Hà