Đâu mới là cách sử dụng cần tây tốt nhất để giảm cân?

"Uống nước ép cần tây có giúp giảm cân được không?”, đây là câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm, nhất là những trường hợp đang lên kế hoạch cho một chế độ giảm cân sắp tới.

Dẫu vậy hiện nay, nhiều thông tin cho rằng uống nước ép cần tây thường xuyên sẽ đối mặt với nguy cơ giảm khả năng sinh sản và mắc bệnh bướu cổ.

Để giải đáp thắc mắc này, PLO đã có trao đổi với ThS.BS Lê Thị Thu Huyền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) để hiểu đúng về cần tây và cách sử dụng nước ép cần tây.

Nước ép cần tây có nhiều dinh dưỡng?

ThS.BS Thu Huyền nhìn nhận, hiện nay nước ép cần tây được sử dụng nhiều vì người ta nghĩ rằng uống liên tục mỗi ngày sẽ giúp giảm cân, đẹp da.

Xét về thành phần dinh dưỡng, ThS. BS Thu Huyền cho biết, trong 100 gram cần tây chỉ cung cấp 53 Kcalo với 85g là nước, 3,7gr protein, 9,6gr carbohydrate, giàu canxi, sắt, phospho và các vitamin A,C,K…

Cần tây cung cấp ít calo và giàu dưỡng chất dinh dưỡng. Ảnh: HẠ QUYÊN

Do đó việc sử dụng nước ép cần tây thay thế các loại đồ uống có hàm lượng calo cao để giảm cân thường được áp dụng.

Ngoài ra trong cần tây còn rất giàu các thành phần hoạt tính sinh học có lợi khác nhau, bao gồm flavonoid, axit phenolic, furocoumarin, terpenoid và phthalides. Trong đó 2 chất được quan tâm nhiều đó là apigenin và goitogens.

Đây cũng là hai chất khiến nhiều người lo ngại khi sử dụng nước ép cần tây sẽ có khả năng làm giảm khả năng sinh sản, nguy cơ bị bướu cổ.

Apigenin và goitogens trong cần tây, có đáng lo ngại?

Để giải đáp lo lắng trên, Ths. BS Thu Huyền đã lý giải cụ thể hơn về hai chất này.

Theo đó Apigenin (4,5,7-trihydroxyflavone; API) là 1 chất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm tốt nhờ khả năng trung hòa gốc tự do, bảo vệ màng tế bào. Do đó 1 số nghiên cứu trên chuột ghi nhận API có khả năng ngăn ngừa giảm số lượng tinh trùng, tăng khả năng sống sót và trọng lượng tinh hoàn. Tuy nhiên nếu sử dụng liều cao có thể gây tác dụng ngược lại.

Đối với chất goitrogens có thể gây ra bệnh tuyến giáp bằng những tác động như: Ngăn cản hấp thu iốt vào tuyến giáp, làm giảm tổng hợp hormone tuyến giáp; tương tác với enzyme TPO (enzyme peroxidase) của tuyến giáp, là enzyme chính trong việc tổng hợp hormone tuyến giáp; làm giảm hormone kích thích tuyến giáp TSH (TSH được tiết ra từ tuyến yên).

Dẫu vậy, goitrogen chỉ thật sự ảnh hưởng lớn với người thiếu iốt, hoặc người có vấn đề về tuyến giáp. Nếu ăn vừa phải và được nấu chín, các thực phẩm này hoàn toàn an toàn với mọi người, kể cả người có vấn đề về tuyến giáp.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay có khá nhiều loại thực phẩm chứa goitrogens, bao gồm rau củ, trái cây, thực vật giàu tinh bột như: Bắp cải, su hào, củ cải trắng, cải xoăn, súp lơ, măng, cần tây, đậu nành…

Ngoại trừ đậu nành, các thực phẩm còn lại chỉ chứa nhiều goitrogens khi còn sống. Do đó, việc ăn rau được hấp hoặc nấu chín sẽ phá vỡ enzyme myrosinase, giúp giảm goitrogens.

"Chính vì thế khi sử dụng cần tây, chúng ta nên ưu tiên sử dụng dạng thực phẩm tự nhiên tức đã được nấu chín, hơn là các dạng như nước ép, chiết xuất hoặc dạng bột", Phó viện trưởng Viện NRECI khuyến nghị.

Uống cần tây sao cho đúng cách?

Để hấp thu được các dinh dưỡng tốt nhất từ cần tây, ThS.BS Huyền khuyến nghị không nên sử dụng nước ép cần tây mỗi ngày nhằm mục đích giảm cân hay làm đẹp da. Bạn có thể sử dụng với tần suất 1 lần/tuần nếu thực sự thích món thức uống này.

BS Huyền cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự thon gọn của vóc dáng và vẻ đẹp của làn da không dựa vào một chất hoặc một loại thực phẩm mà có được. Cần tây chỉ là một trong rất nhiều loại thực phẩm sẽ góp phần làm đẹp da, đẹp dáng.

HẠ QUYÊN