Điều lầm tưởng trong những vụ giẫm đạp thảm khốc

Giẫm đạp từng xảy ra tại một lễ hội âm nhạc ở Houston, Mỹ, một sân vận động bóng đá ở Anh, trong một cuộc hành hương hajj ở Saudi Arabia, tại một hộp đêm ở Chicago và một số cuộc tụ tập khác.

Và điều này đã xảy ra một lần nữa, trong lễ hội Halloween ở Itaewon, Seoul, Hàn Quốc ngày 29/10. Đám đông xô đẩy nhau trong một con phố chật hẹp, khiến ít nhất 153 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Trên thực tế, đa số các sự kiện có đám đông tụ tập đều không dẫn đến thương vong về người. Người tham gia đến và đi mà không xảy ra sự cố. Tuy nhiên, những thảm kịch giẫm đạp thường có chung một số đặc điểm, theo AP.

Vì sao nhiều người thiệt mạng trong các vụ giẫm đạp?

Trên phim ảnh, các nạn nhân thường được miêu tả là tử vong do bị giẫm đạp bởi đám đông đang cố gắng chạy trốn. Nhưng trên thực tế, hầu hết người chết trong đám đông là do ngạt thở.

Tại những đám đông chen lấn tồn tại một loại áp lực vô hình nhưng mạnh đến mức có thể bẻ cong thép. Chỉ một hơi hít thở vào thôi cũng là điều bất khả thi. Nhiều người chết trong tư thế đứng. Có những người chết ngã xuống vì bị chèn ép quá mạnh bởi những cơ thể khác đến mức không thể thở được.

“Khi mọi người cố gắng đứng dậy, tay và chân họ xoắn vào nhau. Lượng máu lên não bắt đầu giảm”, G. Keith Still, giáo sư tâm lý học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, nói với NPR.

“Sau khoảng 30 giây, nạn nhân bất tỉnh. Sau khoảng 6 phút, nạn nhân rơi vào tình trạng ngạt thở. Nhìn chung đó là nguyên nhân gây tử vong - không phải bị giẫm đạp mà là do ngạt thở”, ông nói.

Trải nghiệm "địa ngục"

Những người sống sót kể về trải nghiệm phải thở hổn hển, bị dìm sâu xuống đất khi những người khác trèo lên người họ. Nhiều người khác thì bị ép chặt vào những cánh cửa hoặc hàng rào không mở được.

Báo cáo về một vụ giẫm đạp năm 1989 tại sân vận động bóng đá Hillsborough của Anh, dẫn lại trước cái chết của gần 100 cổ động viên Liverpool cho thấy: "Những người sống sót kể lại rằng họ dần dần bị chèn ép đến mức không thể cử động đầu, vai và tay của họ, họ thở hổn hển vì hoảng sợ'".

"Họ nhận thức được rằng mọi người đang chết và họ bất lực để tự cứu mình”, báo cáo ghi.

Điều gì kích động đám đông?

Tại một hộp đêm ở Chicago năm 2003, đám đông bắt đầu xô đẩy nhau sau khi nhân viên an ninh sử dụng bình xịt hơi cay để dẹp một cuộc ẩu đả. 21 người đã chết trong vụ giẫm đạp. Đầu tháng 10 năm nay ở Indonesia, 131 người thiệt mạng khi cảnh sát phun hơi cay tại một sân vận động bị khóa một nửa, khiến đám đông xô đạp lên nhau để chen qua các lối thoát.

Ở Nepal năm 1988, một trận mưa như trút nước khiến người hâm mộ bóng đá đổ xô về các lối ra trong khi chúng bị khóa, dẫn đến cái chết của 93 cổ động viên.

Trong vụ việc mới nhất ở Hàn Quốc, một số hãng tin đưa tin rằng vụ giẫm đạp xảy ra khi lượng lớn người đổ xô đến một quán bar do nghe tin một người nổi tiếng đang ở đó.

Tuy nhiên, giáo sư G. Keith Still cho rằng chen lấn thường xảy ra khi có một tiếng hét, như khi ai đó hét lên “Cháy” trong một rạp chiếu phim đông đúc chẳng hạn. Còn tại Mỹ, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, điều kích động một đám đông xô đẩy chạy trốn là khi ai đó hét lên: "Anh ta có súng!".

Nhìn chung, “bất cứ nơi nào có đám đông tụ tập, sẽ luôn có rủi ro”, ông Steve Allen đến từ Crowd Safety, một công ty tư vấn cho các sự kiện lớn trên thế giới nói với AP.

Hiện trường vụ giẫm đạp ở phố Itaewon khiến ít nhất 151 người chết Cảnh sát và lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại phố Itaewon để hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân và sơ tán người dân khỏi khu vực, sau thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng đêm 29/10.

Lê Ngọc