Giá vé trên trời và mùa phim Tết thảm bại ở Trung Quốc

Theo Sina, tính đến ngày 9/2, tổng doanh thu phòng vé toàn quốc ở Trung Quốc năm 2022 cán mốc 10 tỷ NDT (hơn 1,5 tỷ USD). Trong đó, lợi nhuận thương mại thu về ở mùa phim Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày là 6 tỷ NDT (hơn 947 triệu USD), chiếm 70% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, con số trên không làm hài lòng giới quản lý. Phòng vé phim Tết năm nay chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu. Theo dữ liệu của Maoyan, từ mùng 2 Tết, lượng khán giả đặt mua vé xem phim giảm 30%, và rơi xuống 40% chỉ một ngày sau đó. Nguyên nhân là giá vé xem phim tăng cao, đắt nhất trong lịch sử.

Khán giả Trung Quốc không mặn mà với phim Tết 2022 vì giá vé quá cao. Ảnh: Sina.

"Giá vé đắt đỏ đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường điện ảnh Trung Quốc. Khán giả hiện tại cảm thấy việc xem phim đáng sợ, và có nhiều phản ứng tiêu cực. Việc ngành điện ảnh bị công chúng bỏ rơi là đáng lo ngại", Cục Điện ảnh bình luận.

Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cũng chỉ trích việc nhà phát hành tăng giá vé kỷ lục trong mùa phim Tết 2022 chỉ để phục vụ mục đích cá nhân. Họ so sánh điều này như "xả ao bắt cá, giết gà lấy trứng".

Đánh mất 50 triệu khán giả trong mùa phim Tết

Theo Sina, giá vé xem phim trung bình tại Trung Quốc năm 2022 tăng hơn 45% so với năm 2021. Theo ghi nhận của trang tin, giá vé trung bình của mùa phim Tết năm nay là 58,7 NDT (9,22 USD), ở các thành phố hạng một như Thượng Hải, Bắc Kinh, giá vé còn lên tới 100 NDT (15,71 USD). Thậm chí, khán giả tại thành phố Lạc Dương chia sẻ với các suất chiếu IMAX 2D, ghế đặc biệt có thể lên tới 200 NDT (31,43 USD).

Trong đó, Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều của Ngô Kinh là phim có giá vé cao nhất, với mức trần niêm yết 9,44 USD. Nhưng thực tế, khán giả cần bỏ ra 17-22 USD để sở hữu vé xem phim, và phải mua vào lúc nửa đêm. Theo Sohu, ở thị trấn hạng 5, giá vé của Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều là 12 USD.

Các tên tuổi hút khách như Ngô Kinh, Thẩm Đằng, Lưu Hạo Nhiên, Dịch Dương Thiên Tỉ cũng không thể kéo khán giả đến rạp như mong đợi. Ảnh: iFeng.

Các phim tình cảm, không có hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt như Kỳ tích: Đứa trẻ ngốc hay Tứ hải, cũng có giá vé cao không thuyết phục là 8,65 USD. Tuy nhiên, vào giai đoạn cao điểm ba ngày đầu năm mới, muốn giành được suất xem phim, khán giả phải bỏ gần 16 USD.

Lượng khán giả đến rạp giảm, khiến tổng doanh thu phòng vé mùa phim Tết Nhâm Dần cũng kém hơn năm 2021. Theo thống kê của Cục Điện ảnh Trung Quốc, phòng vé xứ tỷ dân năm nay thất thu 1,8 tỷ NDT (hơn 283 triệu USD), đồng thời đánh mất hơn 50 triệu khán giả so với Xuân Tân Sửu.

Quản lý rạp Wanda cho biết năm nay, họ ghi nhận 3.100 lượt xem trong ngày đầu năm mới, giảm 1.000 khách vào mùng 2. Trong khi năm 2021, họ đón tiếp hơn 5.000 lượt xem, và chỉ giảm nhẹ 200-300 vào những ngày tiếp theo.

Hiện tượng giá vé xem phim tăng mạnh vào mùa Tết, từng khiến 11 triệu khán giả từ bỏ thói quen đến rạp vào dịp đầu năm 2019. Thời điểm đó, giá vé trung bình lần đầu tăng thêm 0,79 USD. Giới chuyên gia đánh giá tình hình thị trường năm nay tệ nhất trong lịch sử phim Tết xứ tỷ dân. Chỉ trong 3 ngày đầu năm mới, phòng vé Trung Quốc mất hơn 10 triệu lượt khách.

Đào Ngọc, người hâm mộ điện ảnh lâu năm, cho biết từ bỏ ý định đến rạp xem phim sau khi nhìn thấy giá vé tăng chóng mặt. Cô chia sẻ: "Vé xem phim ở Thâm Quyến là gần 16 USD. Cả nhà tôi có 5 người, tính cả khoản ăn uống cũng mất hơn 94 USD. Số tiền này quá đắt đỏ".

Trên Entertainment Management Studio, chủ các cụm rạp lý giải nguyên nhân giá vé tăng cao ở mùa Tết 2022. Lý do đầu tiên là yếu tố thời điểm.

"Tết không tăng tiền vé không được, chúng tôi phải trả lương gấp 3 cho nhân viên. Ngoài ra, giá vé còn chịu ảnh hưởng của dịch. Ở một số thành phố, các rạp bị hạn chế hoạt động như giảm lượng khán giả, cấm ăn uống. Do đó, nếu không tăng tiền vé, rạp khó duy trì hoạt động", đại diện cụm rạp ở Bắc Kinh nói.

Nguyên nhân tăng giá vé tiếp theo xuất phát từ chủ đích của nhà phát hành. Ở đó, cụm rạp muốn qua việc này bổ sung nguồn vốn để phục hồi hậu dịch bệnh, còn nhà sản xuất cần lấy lại chi phí làm phim và có lãi chia cho giới đầu tư.

"Nếu giữ nguyên mức giá hơn 6,29 USD như mùa Tết 2021, nhà phát hành sẽ lỗ nặng. Việc tăng giá vốn sẽ ảnh đến lợi ích khán giả, nhưng không thể không làm. Việc này vừa góp phần đẩy doanh thu, tạo kỷ lục phòng vé mới cho các phim, đồng thời cũng giúp rạp có lãi", đại diện cụm rạp Paragon ở Tế Nam cho biết.

Theo quản lý họ Đông, từ mùng 2 Tết, Cục Điện ảnh đã có chỉ đạo giảm giá vé. Nhưng sau khi các bên liên quan bàn bạc, họ chỉ hạ xuống 0,64 USD cho đúng yêu cầu của cơ quan quản lý.

Phòng vé ảm đạm vì toan tính của nhà phát hành

Theo Sohu, so với năm 2021, phòng vé Tết Trung Quốc năm nay khá im ắng khi không có dự án nào đột phá về doanh thu lẫn chất lượng. Cuộc đua tranh giữa nhóm tác phẩm phát hành cũng không hấp dẫn. Ngôi vị quán quân phòng vé ngã ngũ từ trước ngày công chiếu khi Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều của Ngô Kinh bỏ xa đối thủ về thực tích thương mại, và được ưu tiên 70% suất chiếu trên toàn quốc.

Sở hữu gương mặt ăn khách phòng vé như Thẩm Đằng, Ngô Kinh, Lưu Hạo Nhiên, Mã Lệ nhưng phim Tết Trung Quốc chưa đủ sức hút để lôi kéo khán giả ra rạp. Bên cạnh yếu tố giá vé cắt cổ, chất lượng phim Tết 2022 cũng bị đánh giá kém hấp dẫn hơn so với mọi năm vì trùng lặp thể loại.

Phòng vé Tết năm nay kém đa dạng, nội dung thiếu hấp dẫn. Ảnh: Sohu.

Trong 8 phim ra rạp, có 2 tác phẩm thuộc thể loại chiến tranh - lịch sử là Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều và Sniper. Phim có chiều sâu nội dung nhưng không phù hợp với thị hiếu của đa số khán giả. Hai phim về tình cảm gia đình, hành trình phấn đấu vươn lên của thanh niên trẻ là Tứ hảiKỳ tích đứa trẻ ngốc có kịch bản không quá đặc sắc nếu so với siêu phẩm phòng vé 2021 - Xin chào, Lý Hoán Anh.

Được xem là "hắc mã" của phim Tết năm nay khi khởi đầu chật vật, nhưng có cú lội ngược dòng vào top 2 tác phẩm ăn khách với 331 triệu USD, chất lượng Sát thủ này không quá bình tĩnh cũng chỉ ở mức trung bình. Đây là phim hài duy nhất trong Tết Nguyên đán 2022, ba bộ còn lại là phim hoạt hình.

Điểm yếu nội dung lẫn đề tài chưa phù hợp với không khí Tết khiến nhiều tác phẩm không thể xác lập thành tích phòng vé như mong đợi. Như Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều chấp nhận phát hành trái mùa với tham vọng phá vỡ kỷ lục phòng vé của phần một, đáng tiếc không thể đạt được mục tiêu.

Theo Sina, tỷ lệ lấp đầy rạp không cao cũng đặt câu hỏi về doanh thu phòng vé thực tế của 8 phim ra mắt vào dịp Tết vừa qua. Dư luận nghi vấn có sự gian lận doanh thu của một số tác phẩm khi xảy ra tình trạng xuất vé sai. Trên Sohu, một số khán giả cho biết bản thân mua vé xem phim hoạt hình, nhưng lại được xuất vé của Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều, Kỳ tích: Đứa trẻ ngốc hay Tứ hải.

Theo Sina, sau khi kết thúc mùa phim Tết, các dự án nói trên đồng loạt hạ giá vé. Hiện tại, mức giá trung bình khán giả phải trả khi đến rạp là 6,29 USD, trừ Tứ hải là 7,08 USD.

Trang tin nhận định việc làm này của các nhà phát hành là muộn màng, chỉ nhằm vớt vát danh tiếng và doanh thu sau chuỗi ngày bị chỉ trích. Giá vé cao như mùa phim Tết năm nay sẽ là rào cản với nhiều khách hàng tiềm năng, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện nay, phim Trung Quốc liên tục thiết lập kỷ lục phòng vé bất chấp chất lượng. Doanh thu hàng trăm triệu USD trở thành thước đo thành công, thiết lập tiêu chuẩn mới cho ngành điện ảnh Hoa ngữ là hướng đến dòng phim bom tấn đắt đỏ. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến khán giả chùn chân khi đến rạp. Để phù hợp với quy trình sản xuất mới, nhà phát hành buộc phải nâng giá vé nhằm hoàn vốn và thu lãi.

Theo Sina, việc bắt người hâm mộ gánh thuế dịch vụ, san sẻ chi phí sản xuất có thể khiến điện ảnh Trung Quốc bị quay lưng. Cục Điện ảnh Trung Quốc đang yêu cầu nhà phát hành giải quyết bài toán giá vé để khán giả hưởng mức giá tốt nhất, tránh lặp lại tình trạng công chúng bỏ phim như vừa qua trong dịp quan trọng như Quốc khánh, lễ Quốc tế Lao động, Trung thu hay Tết Dương lịch.

Di Hy