Giáo dục giới tính theo cách nào?

Vẽ đường vòng cho hươu chạy

Những dòng nhạy cảm về tình dục đồng giới trong một cuốn sách bán chạy được đưa vào danh mục tham khảo trong 1 trường quốc tế lại làm xôn xao dư luận và làm ngành giáo dục phải băn khoăn về một câu hỏi đã trăn trở nhiều năm: nói về giới tính như thế nào là đúng trong môi trường giáo dục?

1. Bạn tôi kể rằng anh đã vô cùng bất ngờ khi tình cờ phát hiện ra lịch sử truy cập web của con mình: có những diễn đàn về tình dục tăm tối đến mức chính anh còn không biết, và tất nhiên không thể tưởng tượng đến. Các ý tưởng trong đó cực kỳ hoang dã và bạo lực. Anh càng bất ngờ hơn khi con mình chỉ đơn giản là biết đến các diễn đàn ấy thông qua bạn bè.

Tất nhiên, tôi không có ý so sánh kiểu “đừng có tưởng con các vị ngoan, nó đọc và xem đầy rồi”, khi đối diện với một cuộc thảo luận liên quan đến mô tả về tình dục khi giảng dạy trong nhà trường.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một sự thật: trong thời đại của quá tải thông tin, một đứa trẻ có thể tiếp cận với các ý niệm điên rồ và hoang dã bậc nhất, và người lớn thực sự không có khả năng ngăn cản chúng. Những đứa trẻ đương đại lớn lên với đầy đủ thiết bị điện tử xung quanh mình, mạng Internet 24/7 với tốc độ hàng trăm megabyte trên mỗi giây, và một cơn bão thông tin chực chờ ngoài cửa.

Ở thời đại của chúng tôi, khi Internet vẫn còn dùng qua băng thông của… điện thoại cố định, mỗi lần đọc thứ gì đó trên mạng, bạn sẽ phải ngồi chờ trang web đó nạp xong đủ chữ và ảnh, rồi mới tắt mạng đi và ngồi đọc. Đó dường như là một bối cảnh phù hợp để nền giáo dục thiết lập các hàng rào: tránh tuyệt đối nhắc các cảnh nhạy cảm, và dùng 100% uyển ngữ (kiểu “đèn dầu”, “tam giác vàng”, “cô bé” v.v...) trong các văn bản giáo dục giới tính.

Và chúng ta nghiễm nhiên coi sự ngăn cấm tuyệt đối ấy là hợp lý, nhờ bối cảnh ủng hộ. Cho đến khi vào đại học, tôi chứng kiến một bạn học đã phải nhờ vả “anh em đi cùng” khi muốn mua… bao cao su, cho lần quan hệ đầu tiên với bạn gái. Không cần thống kê thì bạn đọc cũng có thể hiểu, đây là một trường hợp khá điển hình của thế hệ “tờ giấy trắng” với giáo dục giới tính.

Trong văn hóa của chúng ta, tình dục luôn là một chủ đề được bàn kiểu đường vòng, giống như trong các bộ phim Việt một thời, cứ khi nào hai nhân vật chính chuẩn bị âu yếm nhau thì họ sẽ bị xóa mờ, rồi camera chuyển cảnh đến mặt trời đỏ ối trên rặng cây. Từ chối mô tả. Từ chối thảo luận nghiêm túc, với một thái độ khách quan và chi tiết.

2. Hôm nay, chủ đề này lại nóng lên, vì một đoạn văn bị coi là quá trần trụi, và không phù hợp để đưa vào chương trình giáo dục. Cho đến cùng, chúng ta vẫn giữ một thái độ quyết liệt rất… bàng quan: bàn rất hăng khi chủ đề tình dục được ai đó đưa ra trong các kênh thảo luận phi chính thống (mạng xã hội, dư luận…), nhưng vẫn tuyệt nhiên phủ nhận mọi phương hướng trình bày trong các kênh chủ lưu. Một trong số đó chính là giáo dục.

Từ đầu thế kỷ 20, trong cơn khủng hoảng của tranh cãi về giáo dục giới tính ở Mỹ (vì liên quan đến cả các quan niệm tôn giáo), một bác sĩ da liễu có tên Albert Morrow (sống ở Kentucky, Hoa Kỳ) đã chọn một cách tiếp cận khác: thúc đẩy hiểu biết về tình dục an toàn. Từ đấy, người ta bắt đầu dạy cho thanh thiếu niên hiểu tầm quan trọng của việc quan hệ làm sao để tránh lây nhiễm, và các quan niệm đạo đức của vấn đề tình dục.

Vấn đề được đặt lên bàn cân một cách nghiêm túc. Không uyển ngữ. Không đường vòng. Các chương trình giáo dục theo cách tiếp cận này coi tình dục như một đối tượng nghiên cứu thực sự, và việc phải làm của giáo dục là thừa nhận, và mổ xẻ nó một cách nghiêm túc.

Điều thiếu hụt của giáo dục giới tính hiện tại chính là việc nó chạy với tốc độ và số lượng tràn lan ở đủ mọi kênh phi chính thống, nhưng lại nhỏ giọt và từ chối nghiêm túc ở các kênh được cho là sẽ định hình tính cách của thanh thiếu niên. Nếu không thể bịt cả Internet lại hay kiểm duyệt xuất bản đến từng dòng, thì hãy nhấn mạnh nó thật chi tiết, với một thái độ nghiên cứu khoa học, trong nhà trường.

Chúng ta có thể ngừng vẽ đường vòng để thực sự vẽ một đường thẳng cho hươu chạy cho đúng được không?

Phạm An

72 giới tính

Các danh sách phân biệt “giới tính” dài nhất thế giới giờ đã có đến 72 đầu mục. Trong khi ngành giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay với việc dạy và học về 2 giới tính sinh học.

Sở dĩ phải đóng mở ngoặc kép “giới tính” vì từ giới ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả xu hướng tính dục.

Giới tính sinh học của con người chỉ có 2 dạng, căn cứ vào đặc điểm cơ quan sinh dục (nếu người có hơn một cơ quan sinh dục – điều thỉnh thoảng xảy ra trong tự nhiên - đến nay vẫn được xếp vào dạng khuyết tật cần điều trị). Nhưng xu hướng tính dục, điều quyết định các quan hệ xã hội của một cá nhân, thì có rất nhiều.

Xu hướng tính dục không phải là chuyện có thể áp đặt bằng chính sách: không thể vì pháp luật nói là 2 thì có 2, mà pháp luật nói là 3 thì có 3. Trong kỷ nguyên Internet, môi trường quan hệ xã hội của con người vô cùng đa dạng.

Hãy lên thử một mạng xã hội tìm bạn tình có máy chủ ở nước ngoài: phần khai báo giới tính (genders) của trang này đã có tới 39 đầu mục khác nhau. Dị tính nam, dị tính nữ, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, vô tính, thậm chí là dị tính nam nhưng thích mặc đồ phụ nữ hay ngược lại… Pháp luật không thể ngăn cản một bạn trẻ lên đó để tìm bạn, theo đuổi xu hướng giới tính của mình. Thực tế, trong những môi trường đó đang có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia.

Đã có thời nhiều xã hội kiểm soát xu hướng tính dục bằng luật lệ. Người ta vẫn kể cho nhau nghe về việc nhà khoa học lừng danh Alan Turing bị các nhà hành pháp nước Anh thiến hóa học vì “tội” đồng tính nam. Việt Nam cũng từng làm điều đó: ngay cả những mối quan hệ dị tính, cũng có thời nam nữ dắt nhau đi thuê phòng phải trình được giấy đăng ký kết hôn. Nhưng trong bức tranh kinh tế và xã hội thông tin hiện đại, điều đó là bất khả. Ngay cả việc phải trình giấy tờ tùy thân khi thuê nhà nghỉ giờ cũng là một quy định bất khả kiểm soát.

Chúng ta chỉ có thể đảm bảo sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội của các cá nhân bằng giáo dục giới tính.

Khi tìm kiếm về chủ đề “giáo dục giới tính”, bạn sẽ nhìn thấy từ khóa được lặp lại nhiều nhất là “lồng ghép”. Nó là một chủ đề được “lồng ghép” hai lần. Đầu tiên là ghép với “sức khỏe sinh sản” và “bình đẳng giới”. Bộ ba khái niệm này thường được gộp làm một. Lần lồng ghép thứ hai là với các môn học khác, với các hoạt động ngoại khóa. Các cuộc tập huấn của các sở giáo dục địa phương được thực hiện với 3 chức danh: nhân viên y tế, giáo viên sinh học và giáo viên môn Giáo dục công dân.

Sự “lồng ghép” này được tự hào báo cáo trong nhiều văn bản của các sở giáo dục địa phương. Nhưng người ta cần đặt câu hỏi rằng trong một bức tranh xã hội cụ thể, khi các môi trường khám phá giới tính ngày càng đa dạng và phức tạp, thì cái sự “lồng” hay “ghép” này có thỏa đáng. 72 giới tính. Và số tài khoản mạng xã hội mà người Việt sở hữu có thể lên đến hàng trăm triệu, với vô số nền tảng có máy chủ trong và ngoài nước.

Đây có phải là một hợp phần xứng đáng có thời lượng riêng, thời lượng dài trong chương trình chính khóa? Và thậm chí là có bộ phận phụ trách riêng trong trường học (như giáo viên tâm lý, thứ mà hầu hết các trường công đều đang đặt mục tiêu nhưng chưa có)?

Đây có phải là một hợp phần xứng đáng có cả sách giáo khoa riêng?

Bởi vì khi chúng ta vẫn đang tranh cãi xem cho con em đọc quyển sách này là độc hại, hay quyển sách kia là bình thường, thì môi trường mạng đã hình thành những tổ hợp khổng lồ nơi các bạn trẻ tự sáng tác truyện chủ đề yêu đương, tình dục và… bán cho nhau. Họ viết những trường thiên tiểu thuyết nơi các nhân vật nam trong “Chúa tể những chiếc nhẫn” yêu nhau (gọi là đam mỹ) và các nhân vật nữ trong “Harry Potter” quan hệ tình dục (gọi là bách hợp).

Những nỗ lực kiểm duyệt Internet, hay là sử dụng pháp luật hình sự để kiểm soát môi trường mạng vẫn đang được thực hiện. Nhưng cần sòng phẳng, rằng một khối lượng nội dung tình dục khổng lồ đang được sản xuất tại Trung Quốc. Hai từ khóa “đam mỹ” và “bách hợp” là gốc Trung Quốc. Rất nhiều bộ truyện đồ sộ, mô tả chi tiết cảnh quan hệ tình dục được dịch từ tiếng Trung – đến mức nó gần như thành một dòng văn học riêng – gọi là “sắc hiệp”. Và Trung Quốc có gì? Họ có nền tảng hành pháp trên Internet mạnh nhất thế giới, nổi tiếng vì kiểm duyệt và giám sát công dân trên môi trường mạng. Việt Nam không có cái hệ thống giám sát khổng lồ đó. Và như thực tiễn Trung Quốc đã chỉ ra, có cũng chẳng ngăn chặn nổi nhu cầu khám phá và thảo luận về tình dục của con người.

Chúng ta chỉ có thể bảo vệ các bạn trẻ thông qua giáo dục.

Và lại quay trở về với câu hỏi: việc “lồng ghép” có thỏa đáng không? Những cuộc tập huấn cấp thành phố, ở nơi có nhiều ngân sách nhất, là TP Hồ Chí Minh, kéo dài 3 ngày, mỗi nhóm thầy cô các trường dự một ngày. Thậm chí chúng ta có quyền nghi ngờ rằng các thầy cô, không được đào tạo bài bản về giới tính, có thể cũng bỡ ngỡ trước những thực tế mới mà xã hội mang đến.

Câu hỏi lúc đó còn lớn hơn: giáo dục giới tính có nên là một học phần của giáo trình sư phạm trong các trường Đại học sư phạm hay không?

Đức Hoàng

Giáo dục giới tính: Cần văn hóa và công bằng

Cứ mỗi khi có câu chuyện nào liên quan tới hai yếu tố “học đường” và “tình dục” là y như rằng sẽ lại có những ý kiến tranh luận nổ ra “ác liệt” mà trong số đó, hẳn không thiếu những quan điểm tếu táo nửa đùa nửa thật theo kiểu “ở tuổi chúng nó, ta chẳng chuyền tay nhau đọc “Cô giáo Thảo” đấy thôi”. Cái đùa ấy tưởng như vô hại nhưng nó lại thể hiện chính diện mạo của giáo dục giới tính hiện nay ở Việt Nam: xuề xòa, không định hướng chủ đạo và thiếu coi trọng bản chất sự việc.

Và nhắc tới giáo dục giới tính, xin đừng chỉ chụp trách nhiệm ấy lên nhà trường nói riêng hay ngành giáo dục nói chung. Nó chính là trách nhiệm của người lớn, mà chủ đạo là cha mẹ và thêm vào đó là các kênh thông tin chính thống.

Có một quan điểm luôn được lôi vào trong mọi cuộc tranh luận ở mọi đề tài khác nhau ở Việt Nam chính là “Tây họ thế này, thế kia rồi, Việt Nam mình vẫn còn abcd…”. Trong tranh luận về giáo dục giới tính cũng vậy, như câu chuyện gần đây nhất về việc một giáo viên của một trường quốc tế cho học sinh tham khảo tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” cho môn ngữ văn (trong trường này gọi là môn “Ngôn ngữ văn học Việt Nam”), kiểu quan điểm “cùn hơn Chí Phèo” này cũng được đưa ra. Nhưng cái “cùn” của nó được khoác một xiêm y lộng lẫy đủ để lừa mị người khác, dưới tên gọi “giáo dục khai phóng”.

Có một điểm mà chúng ta không thể phủ nhận rằng nền giáo dục hiện đại trên toàn cầu được xây dựng trên cái lõi của quan điểm giáo dục Âu châu. Đó chính là hệ quả của giao lưu văn hóa thông qua thương mại, của bối cảnh lịch sử thực dân cổ điển từ thế kỷ 16 cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Phải thừa nhận, bằng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật làm minh chứng dẫn đường, đường lối giáo dục Âu châu đã thuyết phục các dân tộc khác hoàn toàn và từ đó, hình thành những nền giáo dục theo mẫu hình Âu châu, từ phân ban, phân môn cho tới phân cấp.

Song, không phải bất kỳ quốc gia nào áp dụng mô hình giáo dục châu Âu cũng đều có kết quả thành công tương tự. Sự thành công của những quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đến từ việc họ thiết kế chương trình giáo dục theo kiểu châu Âu nhưng vẫn bám chắc vào cái gốc văn hóa dân tộc. Chính vì dung hòa được cái “du nhập quốc tế” vào trong cái lõi căn cốt của dân tộc, sản phẩm giáo dục của những quốc gia ấy có chất lượng hoàn toàn vượt trội so với những quốc gia chỉ sao chép đơn thuần.

Việt Nam đã và vẫn loay hoay với sự dung hòa này và trong thời đại kinh tế mở với sự quyết định của giá trị vật chất quá lớn như hiện nay, xu hướng “Tây hóa” được một số ít (tuy nhiên lại khá lớn tiếng) cổ xúy xem như đó là con đường duy nhất để khai phóng, để phát triển. Câu chuyện về giáo dục giới tính cũng không nằm ngoài quy chiếu này. Điển hình như vụ “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” chẳng hạn, không ít người vin vào chuyện nó là tác phẩm được giải ở nước ngoài, chuyện giáo dục giới tính cởi mở ở nước ngoài để quy chụp rằng Việt Nam đang lạc hậu và cần được khai phóng như thế.

Văn hóa Á Đông tiếp cận với chủ đề tình dục khác hẳn so với văn hóa phương Tây. Cho dù Ấn Độ có sở hữu Kamasutra và Nhật Bản có hội họa Shunga đi nữa, đối với thế giới Á Đông, tình dục vẫn là câu chuyện kín đáo, tế nhị chứ không thể sỗ sàng. Chính vì thế, ngay từ ngày trước, các dịch giả đã cực kỳ thận trọng khi chuyển ngữ các tác phẩm nghệ thuật táo bạo của nước ngoài sang tiếng Việt, đặc biệt là các từ liên quan đến bộ phận sinh dục. Cái tục mà thanh, thanh mà tục mà các cụ xưa để lại xứng đáng là một nghệ thuật đúng nghĩa khi nhắc tới đề tài tính dục. Đó chính là nét văn hóa Việt.

Nhưng nét văn hóa Việt đó đã được đặt ở vị trí thế nào trong các giáo trình khai phóng hiện nay, nhất là ở các trường quốc tế? Nói thẳng, không chỉ giáo dục giới tính riêng biệt mà chung cả hệ thống giáo dục của các trường quốc tế hiện tại đều đang có vấn đề về định vị văn hóa Việt. Và sản phẩm đào tạo ra đã cho thấy điều đó. Những đứa trẻ có thể cực thông thạo các kỹ năng quốc tế, giúp chúng thành công dân quốc tế nhưng không giúp chúng trở thành một người Việt hoàn chỉnh.

Giáo dục giới tính trong văn hóa Á Đông xưa nay vẫn là truyền thụ kinh nghiệm từ thế hệ trước (thường là cha, mẹ, anh, chị) cho thế hệ sau. Người Việt vốn có thói quen dạy riêng nhau các vấn đề tế nhị liên quan đến tính dục.

Nhưng ở thời hiện đại, thời gian chung giữa cha mẹ với con cái không còn nhiều. Bản thân các em cũng có rất nhiều kênh tham khảo bên ngoài. Do đó, việc giáo dục giới tính cũng cần được tổ chức lại. Nó cần được thiết kế như một môn học chính thức, với giáo trình chính thức, được xây dựng bởi những chuyên gia vừa am hiểu tâm sinh lý thanh thiếu niên, vừa nắm bắt sâu sắc văn hóa Việt Nam. Và nó cũng cần được định lượng, phân cấp nội dung theo lứa tuổi dựa trên cơ sở của thực tế về độ tuổi dậy thì trung bình của thiếu niên Việt Nam hiện nay.

Thực tế, chưa có một nghiên cứu chính thức và nghiêm túc nào về độ tuổi trung bình này ở Việt Nam được công bố rộng rãi cả. Khi chúng ta chưa hiểu chính con em mình, chúng ta làm sao có thể dạy chúng những điều chúng cần được học. Hơn nữa, mỗi đứa trẻ là một vũ trụ riêng biệt và phải rất cần sự chuyên tâm của giáo viên mới có thể giúp cho đứa trẻ ấy trưởng thành một cách cân bằng, đúng đắn và chín chắn về giới tính.

Có một điểm khác nữa về giáo dục giới tính ở Việt Nam (ngoài các điểm trong toàn chuyên đề này đã nhắc tới) chính là sự công bằng. Những đứa trẻ ở trường quốc tế tiếp cận với giáo dục giới tính khác hẳn với những đứa trẻ học trường công lập. Những đứa trẻ ở thành thị cũng tiếp cận với GDGT khác hẳn với những đứa trẻ ở nông thôn. Liệu, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ở nông thôn có khác biệt rất lớn so với ở các đô thị lớn có phải là một dữ kiện đáng tham khảo cho những bất công bằng này hay không? Và cái bất công bằng ấy có phải là do chính chúng ta đã bỏ trống một mặt trận giáo dục vô cùng quan trọng và vô tình đẩy các em vào hoàn cảnh phải tự tìm hiểu thông qua các kênh văn hóa phẩm khác mà phần lớn không mang giá trị nào khác ngoài giá trị giải trí?

Sẽ như thế nào nếu như chục năm nữa, chúng ta nhìn thấy một thế hệ toàn những thiếu niên biểu hiện rất hiện đại, năng động, giao tiếp tốt với người nước ngoài nhưng lối ăn mặc thì khêu gợi, lối sống tình dục thì phóng khoáng “như Tây”? Chắc chắn, chúng ta sẽ không nhìn nhận họ như những người Việt đúng nghĩa. Cái sai lệch trong giáo dục giới tính khoác tấm áo khai phóng nằm ở chỗ đó. Nó tạo ra những người trẻ hiện đại đấy nhưng suy cho cùng, chất Việt thì lại không thấy.

Đã đến lúc cần nghiêm túc thực sự với giáo dục giới tính, xem nó như một môn học chính quy trong học đường với những kiến thức chính quy được xây dựng nghiêm cẩn trên hai nền tảng “khoa học” và “văn hóa Việt”. Và môn học chính quy đó phải được phủ sóng ở mọi vùng miền trong cả nước đồng nhất như nhau với những theo dõi đánh giá cụ thể để có thể cải tiến ở các thế hệ sau. Dứt khoát không thể thả nổi theo xu hướng hiện tại để tạo ra một thứ giáo dục sao chép không tới nơi tới chốn và nhân danh giáo dục giới tính để lồng ghép vào các môn học khác khi mà chính giáo viên bộ môn ấy còn chưa hiểu nổi tầm quan trọng của giáo dục giới tính là như thế nào.

Hà Quang Minh