Hơn 1.700 bác sĩ tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho người dân qua nền tảng số

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quốc gia cho hay nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VTelehealth) là 1 trong 4 nền tảng số (3 nền tảng khác là: quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế) mà Bộ Y tế đang tập trung triển khai để giải bài toán khoảng cách về y tế, thúc đẩy chuyển đổi số y tế.

Trao đổi bên lề "Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024" do Bộ Y tế tổ chức Sức khỏe &Đời sống đã đưa tin trước đó, ông Nam cho biết, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa kết nối các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Nền tảng Vtelehealth - nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa do Trung tâm Y tế quốc gia (Bộ Y tế) vận hành sẽ kết nối các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc giúp người dân được tư vấn sức khỏe từ xa, đặt lịch khám và thanh toán viện phí...

Tại nền tảng này có danh sách bác sĩ tham gia với đầy đủ thông tin bệnh viện, chuyên ngành, quá trình công tác. Điều này giúp người dân tiếp cận được sự tư vấn dễ dàng và nhanh chóng. Thay vì phải cài nhiều ứng dụng tư vấn từ xa thì chỉ cần một ứng dụng đã có thể tiếp cận được với các bác sĩ trên toàn quốc và được tư vấn miễn phí.

"Nền tảng này hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa tiếp cận được dịch vụ có chất lượng, giảm tải cho cơ sở y tế, thúc đẩy chuyển đổi số. Nền tảng đang hoàn toàn miễn phí"- ông Nam nói.

Chia sẻ thêm thông tin, ông Nguyễn Bá Hùng- Phó trưởng phòng phụ trách phòng dịch vụ chuyển đổi số (Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, Bộ Y tế) cho biết, năm 2023, Trung tâm đã triển khai thử nghiệm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Bệnh viện Nhi Thái Bình.

"Đến nay, nền tảng đã có hơn 1.700 bác sĩ tham gia; hơn 300.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 260.000 tài khoản được tạo và đã có hơn 15.000 phiên khám tư vấn được thực hiện.

Dự kiến trong năm 2024, nền tảng sẽ triển khai phối hợp với đối tác ngân hàng tích hợp giải pháp thanh toán viện phí không tiền mặt; tính năng đặt lịch khám và tích hợp đơn thuốc điện tử"- ông Hùng cho hay.

Về nền tảng hồ sơ sức khỏe đang được Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia triển khai, các chuyên gia cho hay, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có)...

Ông Trường Nam cho biết thêm, Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế.

"Lấy người dân là làm trung tâm, lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là cốt lõi để tập trung số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc và cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho các nền tảng số y tế nhằm phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế"- ông Nam thông tin.