Hơn 2.800 người thiệt mạng, nguyên nhân khiến trận động đất ở Maroc gây thiệt hại nặng nề

Động đất làm gần 5.500 người thương vong, chưa ước tính được số người mất tích

Theo Reuters, các đội cứu hộ từ Tây Ban Nha, Anh và Qatar đã tham gia vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại Maroc để tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra ở dãy núi High Atlas vào cuối ngày 8/9, san phẳng những ngôi nhà làm bằng gạch bùn truyền thống phổ biến tại đây.

Mohamed Ouchen, 66 tuổi, một người sống sót sau trận động đất đã kéo vợ chồng chị gái cùng các con của họ ra khỏi đống đổ nát, nhìn ngôi nhà của mình bị phá hủy sau trận động đất mạnh ở Tikekhte, gần Adassil, Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

Truyền hình nhà nước đưa tin vào cuối ngày 11/9, số người chết đã tăng lên 2.862 người và 2.562 người bị thương. Do phần lớn vùng động đất nằm ở những khu vực khó tiếp cận nên chính quyền chưa đưa ra bất kỳ ước tính nào về số người mất tích.

Tại làng Tinmel, hầu hết mọi ngôi nhà đều bị nghiền nát và toàn bộ cộng đồng người dân nơi đây trở thành vô gia cư. Mùi hôi thối của xác chết từ hàng chục động vật bị chôn vùi dưới đống đổ nát lan khắp các khu vực của ngôi làng.

Mouhamad Elhasan, 59 tuổi, cho biết ông đang ăn tối với gia đình thì trận động đất xảy ra. Con trai 31 tuổi của ông bỏ chạy ra ngoài và bị mái nhà hàng xóm sập xuống đè lên người, khiến cậu bé mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Elhasan cho biết anh đã tìm kiếm con trai mình trong khi kêu cứu. Nhưng cuối cùng tiếng khóc cũng ngừng lại và khi Elhasan đến được chỗ con trai thì người này đã chết. Elhasan cùng vợ và con gái vẫn ở trong nhà, may mắn sống sót.

Khung cảnh tan hoang, đổ nát sau trận động đất mạnh ở Adassil, Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

Người phụ nữ đừng nhìn cảnh tượng tan hoang gần đống đổ nát của một tòa nhà sau trận động đất mạnh ở Talat N'yaaqoub, Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

"Mức độ hủy diệt là… tuyệt đối"

Tại Tinmel và những ngôi làng khác, người dân cho biết họ đã kéo những người gặp nạn ra khỏi đống đổ nát bằng tay không.

Ở Tikekhte, nơi chỉ còn vài tòa nhà còn đứng vững, Mohamed Ouchen, 66 tuổi, đã mô tả cách người dân giải cứu 25 người - một trong số đó là em gái ông.

"Chúng tôi bận cứu hộ. Vì không có dụng cụ nên chúng tôi phải dùng tay", Mohamed Ouchen nói. "Đầu của cô ấy lộ rõ và chúng tôi tiếp tục đào bằng tay".

Đoạn phim từ ngôi làng hẻo lánh Imi N'Tala, được quay bởi nhân viên cứu hộ người Tây Ban Nha Antonio Nogales thuộc nhóm viện trợ Bomberos Unidos Sin Fronteras (Những người lính cứu hỏa thống nhất không biên giới), cho thấy những người đàn ông và chó cứu hộ trèo lên trên những sườn dốc phủ đầy đống đổ nát.

"Mức độ hủy diệt là… tuyệt đối", Nogales nói, cố gắng tìm từ thích hợp để mô tả những gì anh đang nhìn thấy. "Không một ngôi nhà nào còn trụ vững".

Bất chấp mức độ thiệt hại bởi trận động đất, lực lượng cứu hộ với chó nghiệp vụ vẫn hy vọng tìm thấy người sống sót.

Những người công nhân đứng giữa đống đổ nát sau trận động đất chết người ở Talat N'yaaqoub, Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

Tại sao trận động đất gây nhiều thiệt hại?

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận động đất có cường độ 6,8 độ richter (trước đó có cơ quan ghi nhận trận động đất mạnh 7,2 độ richter) với tâm chấn cách Marrakech khoảng 72km (45 dặm) về phía tây nam - nơi một số tòa nhà lịch sử ở thành phố cổ, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đã bị hư hại. Trận động đất cũng gây thiệt hại lớn cho Nhà thờ Hồi giáo Tinmel có ý nghĩa lịch sử từ thế kỷ 12.

Những chấn động được cảm nhận ở xa như Huelva và Jaen ở miền nam Tây Ban Nha. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 300.000 người bị ảnh hưởng ở Marrakech và các khu vực lân cận do trận động đất này.

Trận động đất được ghi nhận ở độ sâu 18,5km, thường có sức tàn phá lớn hơn các trận động đất sâu hơn có cùng cường độ.

Các đội cứu hộ khẩn cấp làm việc sau trận động đất mạnh ở Amizmiz, Maroc, ngày 10/9/2023. Ảnh: Reuters

Mouath Aytnasr, 20 tuổi, mất em trai 7 tuổi Suleiman trong trận động đất, đi trên đống đổ nát của ngôi nhà bị hư hại, tại một ngôi làng ở ngoại ô Talat N'Yaaqoub, sau trận động đất kinh hoàng nhất ở Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đây là trận động đất nguy hiểm nhất ở Maroc kể từ năm 1960 khi một trận động đất được ước tính đã giết chết ít nhất 12.000 người.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ chỉ ra rằng: Thiệt hại do trận động đất phụ thuộc vào các yếu tố khác, như khoảng cách từ trận động đất, loại đất bạn đang ở, công trình xây dựng…

Mohammad Kashani, Phó giáo sư về kỹ thuật kết cấu và động đất tại Đại học Southampton đã so sánh cảnh tượng sau đó với hình ảnh từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2023 làm hơn 50.000 người chết: "Khu vực này có rất nhiều tòa nhà lịch sử và cổ kính, chủ yếu là bằng gạch xây. Tôi thấy... đã cũ hoặc không đạt tiêu chuẩn".

Thang đo động đất và mức độ thiệt hại do động đất gây ra. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biên dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.

Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Động đất lớn có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách.

Động đất có thể gây ra đất lở, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ và hỏa hoạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trận động đất, sự chuyển động của mặt đất gây ra nhiều thiệt hại nhất. Trong rất nhiều trường hợp, có rất nhiều trận động đất nhỏ hơn xảy ra trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn.

Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn, và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu. Các nhà khoa học thường có thể định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu. Điểm này được gọi là chấn tiêu. Hình chiếu của điểm này lên mặt đất được gọi là chấn tâm.

Nhiều trận động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, hoặc có thể vì đáy biển bị biến dạng hay vì đất lở dưới đáy biển.

(Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)

Minh Châu