Lý do nên dành 3 tiếng xem 'bom tấn' Oppenheimer

Oppenheimer đồ sộ nhất trong sự nghiệp Christopher Nolan

Phim Oppenhiemer là bộ phim thứ 12 đánh dấu sự trở lại của đạo diễn kỳ cựu Christopher Nolan và là dự án lớn nhất trong sự nghiệp của đạo diễn tài ba này. Với thời lượng đồ sộ lên tới 3 tiếng bộ phim tiếp nối chủ đề Thế chiến II từ Dunkirk (2017) lại đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc của công lý, tới những dằn vặt, đau khổ, đấu tranh vì đạo đức. Khán giả chắc không còn lạ với phong cách của Christopher Nolan với những bộ phim đình đám như Inception, Prestige, Memento, Drunkirk,... đầy bí ẩn, khó hiểu với những cú “twist” như gáo nước lạnh đánh thẳng vào tâm trí người xem. Bởi vậy, những tác phẩm của Christopher Nolan luôn có một sức hút khó cưỡng ngay cả với những người lần đầu biết tới ông. Nhưng lại không hề khó hiểu, bí ẩn như Memento, Inception,.. cũng chẳng kể về một siêu anh hùng đầy bi tráng như The Dark Knight, phim Oppenheimer là thể loại tiểu sử được Christopher Nolan chọn lối kể chuyện khách quan và sống động.

Bộ phim kể về J. Robert Oppenheimer nhà khoa học nổi tiếng lãnh đạo Dự án Manhattan trong Thế chiến thứ II, người được coi là cha đẻ của bom nguyên tử. Oppenheimerđược công chiếu vào ngày 21 tháng 7 năm 2023 dựa trên cuốn tiểu sử đạt giải Pulitzer được ra mắt năm 2005 có tựa đề American Prometheus của Kai Bird và Martin J. Sherwin (Chiến thắng và Bi kịch của J. Robert Oppenheimer).

Với thời lượng lên tới 3 tiếng, nhưng nhịp độ của phim lại không hề chậm chạp, với những dòng thời gian đan xen vào nhau, những chuyển cảnh dồn dập, từ quá khứ, tới hiện tại, rồi lại quay trở về quá khứ theo đúng phong cách kể chuyện ưa thích của Christopher Nolan. Với phim Oppenheimer, người xem lại không hề bị quá tải thông tin, ngược lại, càng về những phần sau của phim, mọi thứ mới càng tiến triển theo đúng quỹ đạo, củng cố sự hợp lý và mạch lạc của câu chuyện. Phim Oppenheimer có nhiều nhân vật, nhiều thoại và nói rất nhanh, đòi hỏi người xem phải tập trung xuyên suốt 180 phút để không bỏ lỡ các chi tiết.

Oppenheimer sử dụng máy quay IMAX cho các hình ảnh đen trắng để kể về 02 mạch chuyện song song

Biệt tài sử dụng hình ảnh của Nolan trong phim Oppenheimer

Đây là lần đầu tiên bộ phim có cảnh quay đen trắng sử dụng định dạng IMAX. Christopher Nolan cũng đem lại sự tinh tế trong từng hình ảnh, khi đạo diễn này chủ ý lồng ghép những phân cảnh đen trắng, đan xen với gam màu của hiện tại như để gợi ý cho người xem về 2 tuyến chuyện song song. Một là cuộc đấu tranh với Lewis Strauss, đòi lại công bằng với phiên điều trần khi Oppenheimer bị điều tra an ninh, hai là công cuộc chế tạo ra bom nguyên tử. Hai câu chuyện ấy không hề gây mâu thuẫn hay lộn xộn, trái lại, còn kích thích người xem kiên nhẫn chờ đợi cho đến những giây cuối cùng, để có thể hiểu hoàn toàn bộ phim. Với một đề tài tưởng như khô khan và liên quan tới các lĩnh vực học thuật như vật lý, hóa học, thiên văn nhưng Christopher Nolan đã khéo léo sử dụng thứ ngôn ngữ điện ảnh rất mềm mại, pha hài hước và có cả trinh thám. Sau cùng, đạo diễn đưa vào phim những day dứt, trăn trở trước một câu chuyện lịch sử chiếm được cảm xúc của người xem.

Lối dẫn chuyện đi cùng cảm xúc nhân vật trong phim Oppenheimer

Oppenheimer quy tụ dàn diễn viên đồ sộ với ít nhất là hơn 30 nhân vật đóng vai trò quan trọng và xuất hiện lần lượt bên cạnh nhân vật chính. Ngoài Cillian Murphy, phim cũng quy tụ dàn sao, từ những người từng làm việc với Nolan ở các tác phẩm trước như Interstellar (Matt Damon và Casey Affleck), The Dark Knight (Gary Oldman) đến những ngôi sao hạng A như Emily Blunt, Robert Downey Jr, Josh Harnett, Florence Pugh, Rami Malek...

Linh hồn của bộ phim, tất nhiên là vai diễn chính của tài tử Cillian Murphy - người từng đóng vai phụ trong bom tấn Inception của Nolan năm 2010. Cillian Murphy đã thể hiện xuất sắc con người và cảm xúc của J. Robert Oppenheimer chân thực và sống động chân thực từ nhiệt huyết cả tuổi trẻ cho khoa học, những nỗi đau thầm kín cho tới dằn vặt lương tâm trong nhiều giai đoạn cuộc đời. Sự thành công trong lỗi diễn xuất của tài tử này như một thứ ma thuật lôi kéo người xem vào một thể giới đầy ám ảnh với nhiều những cung bậc cảm xúc. Có thể, Cillian Murphy sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho giải OSCAR với vai diễn “để đời”nhất từ trước tới nay của anh.

Một phần thành công của bộ phim cũng là nhờ Ludwig Göransson, người phụ trách nhạc. Ludwig Göransson đã khéo léo lồng ghép những tiếng violin dồn dập gây kích thích, một cảm giác hưng phấn, hồi hộp, tới những nốt đơn chầm chậm và sâu lắng gợi lên sự lạc lõng, trống trải. Âm nhạc hòa hợp một cách hoàn hảo với mọi phân cảnh, đến nỗi gần người xem sẽ chẳng thể hiểu rõ con người của Oppenheimer nếu thiếu đi phần âm nhạc này.

Là phim về cha đẻ của bom nguyên tử nhưng Christopher Nolan đào sâu nhiều hơn về những biến động tâm lý sau khi quả bom phát nổ, từ đó nhận thấy một nỗi buồn chiến tranh. "I Am Become Death, the Destroyer of Worlds" (Tôi trở thành cái chết, kẻ hủy diệt thế giới) - câu nói nổi tiếng của Oppenheimer vang lên vào đúng thời khắc quan trọng. Với người xem, phân cảnh, sẽ để lại dấu ấn nhiều nhất có lẽ nằm ở vỏn vẹn 50 giây cuối, khi máy quay tiến gần dần dần tới tiến sĩ Oppenheimer nhưng ông lại không nhìn thẳng vào người xem mà nhìn xuống dưới với ánh mắt trân trân, vô định. Hình ảnh đó như ẩn chứa nỗi dằn vặt không hồi kết, sự đau khổ, tự trách của bản thân vị tiến sĩ, đã gián tiếp lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn con người vô tội. Không có một giọt nước mắt nào, nhưng ánh mắt ấy vẫn cứ rưng rưng những nỗi niềm ân hận và đau khổ, nỗi đau khổ mà chính ông đem lại, để rồi phải vội nhắm lại như không muốn nhìn vào hiện thực tàn khốc. Bộ phim kết thúc ngay khoảnh khắc này, nhưng đôi mắt ấy, vẫn sẽ mãi ám ảnh người xem và họ sẽ phải tự quyết định liệu toàn bộ những điều này là đúng, hay sai.

Tất cả đã khiến cho một bộ phim tiểu sử, mang đậm nét chính trị, tưởng chừng như khô khan, lạc lõng lại trở nên lôi cuốn và hấp dẫn đến vậy.

Oppenheimer được công chiếu tại Việt Nam ngày 11.8

Oppenheimer là một nhà khoa học nổi tiếng nhất khi lãnh đạo Dự án Manhattan-nhóm phát triển bom nguyên tử cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Sau đó, ông giữ chức chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ, nơi ông làm việc để làm chậm cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang phát triển với Liên Xô. Ông đã nhận được ba đề cử giải Nobel vật lý từ năm 1946 đến năm 1967 nhưng chưa từng giành được giải nào trước khi qua đời vào năm 1967.

Hoàng Nguyên