Ngôi nhà của những trẻ kém may mắn...

Nhân duyên với trẻ kém may mắn

Mặc dù được giới thiệu là chùa Thái Ân (thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, nhưng khi đến nơi tôi vẫn bất ngờ khi gặp Tuệ Tâm, một cô bé khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt đen láy, sáng trong: "Cô chờ thầy con một chút. Thầy vừa đưa em đi khám bệnh về, còn đang sửa soạn trong chùa ạ". Vừa rót chén nước trắng mời tôi, cô bé vừa nhanh nhảu đáp lời khi tôi hỏi về sư thầy Thích Đàm Thảo. Rồi quay sang phía mấy đứa trẻ ngoài sân: "Mấy đứa đi tắm rồi còn ăn cơm chứ? Đừng để sư thầy đợi".

Ngay lập tức, mấy đứa nhỏ dừng chơi. Đứa chạy vào lấy quần áo đứa dọn gọn bàn ghế. "Hàng ngày chúng cháu vẫn giúp thầy làm những việc nhỏ: Quét sân, lau dọn nhà cửa, tưới cây…", Tuệ Tâm khẽ mỉm cười nói: "Ở với sư thầy chúng cháu được rèn giũa rất nhiều, từ cách ăn, nết mặc, đến cách giao tiếp với mọi người"...

Sư thầy Thích Đàm Thảo và hai bé Tâm An, Tịnh An.

Khác với tưởng tượng của tôi, sư thầy Thích Đàm Thảo khá nhỏ nhắn, gầy gò. Với tay lấy chiếc gối tựa, nhẹ nhàng tựa ra sau lưng ghế, sư thầy chậm rãi: "Tuệ Tâm ra với các em đi", rồi quay sang tôi: "Đợt này lưng tôi đau nhiều, cứ hễ ngồi là phải tựa lưng không là mỏi, không ngồi lâu được…".

Khi mới về trụ trì tại chùa Thái Ân, năm 2006, sư thầy Thích Đàm Thảo mới 21 tuổi. Cuộc sống của nhà Phật vốn thanh tịnh và bình yên, nhưng buổi sáng mùa thu năm 2009 đã làm đảo lộn cuộc sống của sư thầy: Có một trẻ sơ sinh bị bỏ lại nơi cổng chùa với lời nhắn nhủ nhờ nuôi trẻ. Bàng hoàng, bối rối vô cùng, khi ẵm đứa nhỏ chỉ 1-2 ngày tuổi trên tay, sư thầy Thích Đàm Thảo không biết làm sao… Nhưng rồi, sau khi báo với xã, sư thầy đã quyết định giữ trẻ lại để chăm sóc và đặt tên bé là Nguyễn Thanh Tâm.

Đến năm 2011, nhà chùa lại nhận được một bé gái bé được đặt trong thùng xốp cùng với một bình sữa đang bú dở. Sau khi làm thủ tục, đưa bé đi khám sức khỏe, sư thầy lại tiếp tục nhận nuôi bé và đặt tên là Nguyễn Tuệ Tâm. Liên tiếp trong năm 2013, có tới 4 trẻ nữa được "gửi" nhờ nhà chùa chăm sóc và 1 bé được bố mẹ nhờ nhà chùa nuôi dưỡng vào năm 2019.

Một gia đình có 2 con bố mẹ đã phải rất vất vả để chăm sóc và nuôi dạy, nhưng với một vị tu hành lại giang rộng vòng tay đón nhận 7 đứa trẻ kém may ấy để chăm sóc và nuôi dưỡng.

Khó khăn lại chồng thêm vất vả

Nhà chùa neo người lắm. Cho đến lúc bấy giờ, chùa Thái Ân chỉ có mình sư thầy Thích Đàm Thảo chăm lo và quản lý. Từ khi có thêm đám trẻ, thầy bận thêm rất nhiều.

Thời điểm khó khăn nhất là những năm nhận hai bé lớn (năm 2009 và 2011). Lúc này sư thầy còn rất trẻ. Mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có gần 10 năm tu hành, làm sao sư thầy có thể nuôi dưỡng và chăm sóc một đứa trẻ mới lọt lòng?

Trước nay sinh hoạt theo quy tắc của người tu hành, hơn nữa sư thầy chưa từng chăm sóc trẻ bao giờ, mà lại là trẻ sơ sinh… Làm thế nào bây giờ? Loay hoay mãi cuối cùng sư thầy cũng nhờ được bố mẹ, em gái xuống chăm cho 1 tháng đầu. Sau đó, việc pha sữa, ru ngủ, tắm, thay bỉm cho trẻ… thầy đều tự tay làm lấy.

Việc chăm sóc trẻ sư thầy Thích Đàm Thảo đều tự tay làm.

Vừa làm bố, vừa làm mẹ, thời gian đầu, sư thầy Thích Đàm Thảo vô cùng khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc các con. Lúc ở một mình thì khác, không phải chi tiêu gì nhiều. Nhưng từ khi nuôi trẻ, thầy vất vả trăm bề. Ngoài việc chăm sóc trẻ hàng ngày, thầy còn phải lo từng bữa ăn cho trẻ. Nào tiền sữa, tiền bỉm, tiền thức ăn… Lấy đâu ra tiền? Nhiều tháng, thầy phải mua chịu… Cực chẳng đã, thầy đã xin với chính quyền cho mượn mấy sào ruộng trồng rau để bán lấy tiền nuôi trẻ. Nhưng lúc bấy giờ có ai giúp đỡ đâu. Thầy lại tự tay trồng rau ngót, rau dền, rau lang, rau bí... Vì trồng rau sạch nên cũng phải vài tháng mới thu hoạch một lần. Đến ngày thu hái, sư thầy lại nhờ một số Phật tử đem bán hộ. Nhờ ruộng rau đó mà lũ trẻ có sữa ăn, có đủ áo mặc, bữa cơm đã có thêm chút thức ăn.

Nhưng rồi trẻ lớn dần, nhu cầu sinh hoạt cá nhân cũng nhiều hơn, gánh nặng lại nặng trĩu lên đôi vai nhỏ bé của sư thầy. Đưa ánh mắt nhìn ra phía sân chùa, nơi đám trẻ đang nô đùa, sư thầy nhớ lại: "Nhớ nhất là những ngày tháng chăm hai bé Thanh Tâm và Tuệ Tâm. Có thời điểm, không có tiền mua đồ ăn cho trẻ. Cả tháng trời hai bé phải ăn mỳ tôm, ngay cả gạo để nấu bát cháo trắng cũng cạn kiệt. Nhiều lúc nhìn hai đứa trẻ ăn mì mà rớt nước mắt. Có lúc chợt nghĩ giá như để trẻ ở với người khác có lẽ chúng sẽ đỡ khổ hơn chăng? Nhưng chăm chúng từ khi đỏ hỏn, bế còn lọt tay… còn không nỡ cho người ta. Huống hồ, bây giờ giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua rồi, chỉ cố gắng một chút nữa thôi…". Nghĩ sao làm vậy, sư thầy tiếp tục con đường mình đã chọn với một ước mong: Trao yêu thương đến với những trẻ kém may mắn.

Năm 2013, khi đón bé Tâm Phúc vào chùa thì những khó khăn lại đầy ăm ắp. Bé rất yếu, người tím tái, hơi thở thoi thóp, mắt nhắm nghiền. Sau khi báo với chính quyền, sư thầy đã phải nhờ người bế bé lên taxi để lên viện Nhi cấp cứu, còn mình đi xe máy theo sau. Vì là trẻ sinh non, chỉ nặng 1,6 kg nên Tâm Phúc phải nằm lồng kính suốt hơn 1 tháng. Rồi quãng thời gian 2 năm sau đó, Tâm Phúc liên tục phải đến bệnh viện. Thời gian ở viện còn nhiều hơn ở chùa. Lúc thì viêm tai giữa, khi thì viêm phổi, viêm họng, sốt… Thời điểm ấy, sư thầy vừa phải lo việc trong chùa, vừa chăm trẻ, vừa phải theo Tâm Phúc đến viện. Khó khăn lại chồng chất vất vả...

Nhưng, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi. Giờ đây, Tâm Phúc đã khỏe mạnh hơn nhiều, các bé cũng đã và đang lớn lên trong tình yêu thương của sư thầy.

Các con bây giờ đã lớn hơn nhiều, rất ngoan ngoãn và nghe lời sư thầy.

Trao yêu thương nhận trái ngọt lành

Bọn trẻ ngày một lớn dần. Đứa lớn nhất cũng vào lớp 9, đứa nhỏ nhất cũng 4 tuổi rồi. Việc chăm trẻ với sư thầy giờ đây không còn quá vất vả nữa. Dường như hiểu được hoàn cảnh của mình, biết được những nhọc nhằn của thầy, thế nên mấy đứa trẻ, trộm vía, đều rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn và nghe lời thầy.

"Con bé Tuệ Tâm là đứa trưởng thành rất sớm", sư thầy nhớ lại. "Năm 2014, lúc đó Tuệ Tâm mới chỉ 3 tuổi, nhưng đã rất hiểu chuyện. Lần bé Tịnh Tâm (sinh năm 2013) bị ốm, thầy phải thức đêm chăm sóc, nhưng lúc này thầy lại khó thở do hen phế quản từ nhỏ nên vừa ôm Tịnh Tâm, vừa ho. Không hiểu sao, Tuệ Tâm ngay lập tức thức dậy, vỗ lưng cho thầy, rồi lấy thuốc, lấy nước cho thầy uống…". Đôi bàn tay nhỏ xíu của Tuệ Tâm khi ấy dường như tiếp thêm sức mạnh cho sư thầy để sư thầy có thể vững tâm thêm trên con đường đã chọn.

Trời sập tối, không gian tĩnh mịch của ngôi chùa dường như ấm áp hơn khi có tiếng cười đùa của đám trẻ. Ánh mắt lấp lánh niềm vui nhìn theo đám trẻ, sư thầy Thích Đàm Thảo khẽ cười: "Từ ngày có đám trẻ, nhà chùa bận bịu hơn, vất vả hơn nhưng cũng thêm nhiều niềm vui từ đó. Nhiều khi phải đi học xa cả tuần, nhớ các con đến quay quắt, chỉ mong nhanh chóng để về nghe chúng kể chuyện đi học thế nào, chuyện chí chóe với nhau ra sao…".

Sư thầy Thích Đàm Thảo cùng một số Phật từ gói bánh chưng bán để thêm tiền sinh hoạt cho các con.

Ngôi nhà ngập tràn tình yêu thương…

Trời tối hẳn, lũ trẻ đang chuẩn bị ăn cơm tối thì có khách. "Mẹ…", "Con chào mẹ…" Tuệ Tâm, Tâm An, Tịnh An, Tâm Phúc... ùa ra cửa thay nhau chào...

Như đoán được sự tò mò của tôi, sư thầy Thích Đàm Thảo khẽ khàng: "Đây là cô Thái Thị Chỉnh, cô giáo chủ nhiệm cũ của bé Tuệ Tâm năm lớp 3. Cô ấy yêu bọn trẻ lắm, thường xuyên đến giúp thầy dạy bọn trẻ học, chăm sóc trẻ khi thầy đi vắng… Vì thế bọn trẻ đều gọi cô là Mẹ. Tội nghiệp bọn trẻ…".

Đưa ánh mắt ngậm đầy nước, sư thầy tiếp: "Các con thèm có bố có mẹ lắm, cô ạ, nhưng chúng chưa bao giờ nói ra điều đó với thầy. Có lần bé Tuệ Tâm sau khi xem bộ phim nói về gia đình, cứ rúc vào lòng thầy nước mắt dàn dụa…".

Đến nay đã 14 năm từ khi nhận trẻ bị bỏ rơi về nuôi trong nhà chùa, sư thầy thích Đàm Thảo vẫn luôn hy vọng rằng, một ngày nào đó, các con sẽ được trở về với bố mẹ ruột của mình. Mặc dù ở chùa lũ trẻ ngoan, phát triển đều bình thường, biết việc, nhưng trong thẳm sâu trái tim đám trẻ, sư thầy biết, chúng vẫn thiếu thốn một thứ tình cảm thiêng liêng: Đó là tình cảm gia đình.

Chính vì thế mà, nhiều năm qua có nhiều người tìm đến chùa muốn nhận trẻ về làm con nuôi nhưng sư thầy không đồng ý. Thầy tâm niệm rằng, cửa chùa là cửa từ bi, cứu khổ chúng sinh, người ta đã bỏ trẻ lại ở chùa rồi, mình mà chối bỏ thì không thể thanh thản được. Với lại đám trẻ ở với sư thầy khi còn trứng nước, giờ lớn khôn rồi, biết sẽ phải đối mặt với nhiều vất vả lắm, nhưng sư thầy không nỡ rời xa chúng.

Có người bảo đây là nơi nương nhờ của những trẻ bị bỏ rơi. Nhưng với tôi, chùa Thái Ân chính là ngôi nhà, là nơi đi-về, là nơi ngập tràn tình thương yêu của sư thầy Thích Đàm Thảo với những trẻ kém may ấy.

Rời khỏi ngôi chùa cổ kính trong buổi chiều thu muộn. Thoảng xa, tiếng trẻ từ ngôi chùa vọng lại khiến không gian tĩnh mịch, bình yên của làng quê ven đô càng thêm ấm áp lạ thường...

Giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết.

Nguyễn Hạnh