Nhà báo Thái Duy: 'Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi!'

Mới đây, khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sự kiện ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Thái Duy: Sống và viết”, ông đã đến dự và xúc động chia sẻ: “Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi!”.

Nhà báo Thái Duy.

1. Trong buổi chiều đầu thu ấm áp tình bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ làm báo nước nhà đã cùng đến dự buổi tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Thái Duy: Sống và viết”, cùng xem lại những thước phim, tư liệu, hình ảnh về nhà báo lão thành Thái Duy. Mặc dù đã ở tuổi 97 nhưng nhà báo Thái Duy vẫn có đủ sức khỏe, sự minh mẫn. Ông đi đứng không cần người dìu, tai vẫn rất thính và mỗi khi ai đó nhắc đến ông với những kỷ niệm, đôi mắt ông lại nhìn về xa xăm, đôi khi rưng rưng.

Một chi tiết cảm động với những ai tham dự sự kiện nói trên là khi nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ghé tai nhà báo Thái Duy hỏi: “Bác ơi! Bác có nghe rõ lời bình của bộ phim không?”. Nhà báo lão thành trả lời rành mạch: “Nghe rõ! Nghe rõ lắm!”. Thế rồi, khi được mời phát biểu về bộ phim, ông chỉ nói một ý ngắn gọn: “Đúng sự thật, không có gì sai cả!”.

“Là Chủ tịch Hội đồng duyệt phim, tôi cùng đoàn làm phim do nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại làm đạo diễn, viết kịch bản, viết lời bình như được nhận một lời khen của một người nghiêm cẩn và có tiếng là khó tính. Đúng sự thật! Tôn trọng sự thật! Đó chính là đạo hướng của người cầm bút” - nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Phim nói về cá nhân nhà báo Thái Duy nên ông tránh không khen chê, chỉ nhận xét đúng hay sai. Khiêm nhường, giản dị, ông không thích nói về mình, chỉ nói về công việc, những vấn đề cuộc sống mà ông quan tâm, như nhân dân, nông dân, khoán hộ, tham nhũng, tiêu cực và các vấn đề báo chí...

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt (Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân) - một người thân thiết với gia đình nhà báo Thái Duy - có lần hỏi nhà báo Thái Duy rằng tại sao không viết văn, ông thú thật là vì muốn dành hết thời gian và tâm trí để hướng đến nhân dân theo lý tưởng của báo chí.

“Cả cuộc đời cầm bút, người mà Thái Duy mong muốn bảo vệ nhất, mong họ có cuộc sống tốt hơn, muốn những người lãnh đạo đất nước lắng nghe họ nhất, đó chính là nhân dân. Lý tưởng làm báo của ông là hướng về nhân dân. Nhà báo Thái Duy từng nói: “Nhân dân là vĩ đại nhất, không có dân là không có gì đâu, không có Đổi mới...” - nhà thơ, nhà báo Hữu Việt bộc bạch.

2. Nói đến nhà báo Thái Duy, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cuốn sách “Sống như Anh” viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi.

Cơ duyên đưa nhà báo Thái Duy đến với việc viết cuốn sách này xuất hiện khi ông gặp gỡ chị Phan Thị Quyên vào tháng 3-1965, khi Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Và ông được lệnh của cấp trên là hoàn thành cuốn sách trong vòng 15 ngày.

Theo lời kể của nhà báo Mai Chí Vũ, người đã có 7 năm ròng rã làm phim về nhà báo Thái Duy, những ngày đầu còn trò chuyện trọn vẹn, sau thì chị Quyên bị hết đoàn này đến đoàn khác kéo đi, hai chú cháu phải tranh thủ trao đổi. Với quyết tâm và nỗ lực, nhà báo Thái Duy đã hoàn thành đúng hạn và khi gửi tác phẩm ra Bắc đã được Bác Hồ xem và khen ngợi.

Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị đổi tên tác phẩm thành “Sống như Anh”, cho đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản truyện lần đầu ở NXB Văn học vào tháng 7-1965 (có lời đề tựa của Bác Hồ) với số lượng 302.000 bản, sau đó được tái bản liên tục - lên tới hàng triệu bản.

“Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ trong cả nước, làm dấy lên phong trào noi gương anh Trỗi thi đua lao động sản xuất và chiến đấu.

Đến với không gian trưng bày “Thái Duy: Sống và viết”, nhiều người cảm động khi xem những bài viết trong cuốn sách “Khoán chui hay là chết”, bởi thời đó viết về những vấn đề này được coi là nhạy cảm. Cuốn sách “Khoán chui hay là chết” được NXB Trẻ xuất bản năm 2013, tập hợp những bài báo đăng trên Báo Đại Đoàn Kết trong khoảng thời gian từ trước "khoán 100" (1981) đến "khoán 10" (1988).

“Khoán chui hay là chết” là thông điệp, là mệnh lệnh và cũng là quyết tâm của người nông dân Việt Nam trước thực trạng hoạt động hợp tác xã với hình thức khoán việc, ăn chia theo công điểm không đạt hiệu quả. Thực tế hôm nay nhìn lại thì thấy, đây là chính sách đúng đắn, kịp thời để nhân dân thời ấy vượt qua khó khăn, có đủ gạo ăn, ổn định cuộc sống.

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết trong bài báo “Chui ra chỗ sáng” đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 22-4-2013: “Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã Việt Nam, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ các nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... Trong đó, theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Nhà báo Thái Duy (người cầm micro) trong sự kiện ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Thái Duy: Sống và viết” tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 9-8-2023.

3. Năm 2020, tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhà báo Thái Duy là một trong 7 nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Lúc này, nhiều người mới để ý trong 7 nhà báo lão thành đó chỉ có Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ lãnh đạo nào.

Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Cả cuộc đời làm báo, nhà báo Thái Duy chỉ làm ở một tờ báo duy nhất: Báo Cứu quốc - Báo Giải phóng - Báo Đại Đoàn Kết (Cứu quốc và Giải phóng là hai tờ báo tiền thân của Đại Đoàn Kết).

Tài năng, tinh thần và khí chất sáng ngời của người làm báo cách mạng Thái Duy đã lan tỏa và là tấm gương cho thế hệ nhà báo hôm nay học tập, noi theo. Là người từng có nhiều dịp được phỏng vấn, trò chuyện cùng nhà báo Thái Duy, nhà báo Cẩm Thúy (Báo Đại Đoàn Kết) tâm đắc: “Bài học lớn mà ông dạy cho tôi là dù có làm chức vụ gì cũng không được bỏ viết. Làm nhà báo thì không được bỏ viết một ngày nào và tôi vẫn nghe theo lời dạy đó của ông, hằng ngày”.

Có thể nói, nhà báo Thái Duy là một người làm báo đặc biệt với triết lý sống giản dị, chân thành, luôn quan niệm rằng nhà báo cần viết trung thực và không gì ngoài tôn trọng sự thật. Ông mãi là “cây cao bóng cả” của làng báo hôm nay và mai sau.

Nhà báo Thái Duy sinh năm 1926 tại Bắc Giang, tên thật là Trần Duy Tân. Ông còn có một bút danh nữa là Trần Đình Văn với tác phẩm “Sống như Anh”. Ông còn xuất bản một số cuốn sách khác như “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm”, “Khoán chui hay là chết”...