Những khung ảnh thương nhớ một thời…

Những tấm ảnh là khoảnh khắc kỷ niệm lưu mãi trong ký ức đời người. Những năm của thập kỷ 1980 chứ chưa xa, ra tiệm chụp tấm ảnh phải là nhân dịp gì quan trọng lắm của bản thân hay gia đình. Phim ảnh hiếm hoi là một lẽ, cái chính là ra tiệm ảnh phải ăn mặc thật chỉn chu, thợ ảnh đạo diễn theo công thức... Vậy nên những album ảnh của các gia đình xưa còn giữ được đều là những tấm ảnh rất chọn lọc, trang trọng.

Tiệm ảnh Nam Việt trên đường Nguyễn Trãi là tiệm ảnh hiếm hoi còn bám trụ với nghề.

Ngày ấy, hầu như mỗi tấm hình đều gắn với một dịp rất đặc biệt trong đời người. Có thể là gia đình có truyền thống ngày Tết mời thợ về chụp kỷ niệm đầu xuân; có thể là đứa con trong nhà tròn năm; đám học trò vừa thi tốt nghiệp xong; cũng có thể chàng trai mai này lên đường nhập ngũ… Để mỗi khi có dịp mở ra là kỷ niệm ùa về sống động.

Nha Trang thập niên 1980 còn nhỏ xíu, nên nói đến mấy tiệm ảnh hầu như ai cũng biết. Ngã sáu đầu đường Nguyễn Trãi có hiệu Nam Việt; đường Lý Thánh Tôn có Quán ảnh 57, tiệm Rạng Đông; đường Quang Trung có tiệm Vỹ, Đức Cường; đường Phan Chu Trinh có tiệm Mai Ngôn… Trên Thành cũng có tiệm ảnh Vỹ rất lớn, không biết có họ hàng gì với tiệm Vỹ ở Nha Trang hay không. Các tiệm ảnh thời đó chụp phim đen trắng, chủ yếu là phim ORWO của Đức, phim FOTO 65 của Liên Xô. Phải tới khoảng những năm 87 - 88 mới bắt đầu có phim màu với những nhãn hiệu Kodak của Mỹ, Konica và Fuji của Nhật.

Các tiệm hình ngày ấy vẫn còn rất hồn nhiên về câu chuyện bản quyền. Khách đến chụp hình, thấy hình nào đẹp tự rọi lớn một tấm treo trong tiệm để quảng cáo, chả cần hỏi mẫu làm chi, mẫu nhiều khi cũng khoái được trưng bày. Cô bạn tôi hồi học xong lớp 12, đến tiệm ở đường Nguyễn Trãi chụp mấy kiểu kỷ niệm. Tiệm có tự ý rọi một tấm chân dung cười rất tươi, khoe chiếc răng khểnh để treo tại tiệm mà bạn không biết. Mấy tháng sau, ông già vô tình đi qua nhìn thấy, vào tiệm làm ầm lên, bắt gỡ đem về. Về nhà, ông cho bạn một trận đòn nên thân về cái tội để người ta chụp hình quảng cáo…

Hồi mới có phim màu, giá một “pô” thì đắt khỏi nói. Còn nhớ bạn tôi cưới năm 1991, tôi đi với bạn để đặt chụp ảnh cưới. Hai đứa đến tiệm Mai Ngôn trên đường Phan Chu Trinh đặt đúng… 50 kiểu, mặc cho ông chủ thuyết phục chụp đủ 2 cuộn phim giá sẽ rẻ hơn chút. Bao nhiêu năm gặp nhau, nhớ kỷ niệm ấy, bạn vẫn cười và nói, chính ra bộ ảnh cưới mấy đứa bạn chụp giúp bằng phim đen trắng đến bây giờ vẫn sắc nét, đẹp hơn tập ảnh màu của tiệm.

Các tiệm ảnh khi đó đều có phòng tối để tráng phim, in ảnh. Ngày ấy, tôi chơi với anh bạn làm phóng viên ảnh của một tờ báo nên hay theo anh vào phòng tối coi xử lý ảnh. Nhờ đó tôi mới biết các tiệm ảnh ngày xưa tạo ra nét đặc trưng riêng chính là do trình độ biến tấu của người kỹ thuật phòng tối, có thể là gia giảm thêm hóa chất hiện hình, có thể tăng giảm thời gian lộ sáng để tạo tương phản, sự kỹ lưỡng trong khâu ngâm vỗ… Những vấn đề hoàn toàn thuộc về kinh nghiệm của người thợ ảnh chứ chả sách nào dạy, bởi thuốc tráng phim, thuốc rửa ảnh đều có công thức chung. Thợ ảnh bị hóa chất ăn loét cả tay, sần sùi móng là chuyện… đương nhiên.

Những năm 1990, tôi làm phóng viên. Ảnh chụp qua máy cơ, chỉ đến khi rửa ra mới biết ảnh đẹp hay xấu, nhân vật mở mắt hay nhắm mắt… Mỗi sự kiện do vậy cứ chụp 5 - 6 kiểu cho chắc ăn, không dám chụp nhiều quá vì tòa soạn dùng có 1 tấm. Chụp xong phóng ra tiệm Rạng Đông ở 78 Lý Thánh Tôn rửa ảnh. Tiệm Rạng Đông sau này đầu tư một dàn rọi ảnh tự động chuyển qua 86 Lý Thánh Tôn. Hồi ấy, các tiệm ảnh đều có cái hộp đen để cắt phim. Đó thực ra chỉ là cái hộp kín, lót nhung đen, có 2 ống vải để luồn tay vào. Máy ảnh bỏ trong hộp, đưa tay vào trong để mở máy ra và mò mẫm cắt phim, nối đoạn phim này vào cái lõi phim cũ rồi đưa cho thợ in tráng. Cắt nối phim kiểu này lâu lâu cũng bị “tổ trác”, ấy là sơ suất khi băng keo nối phim bị bung mà không để ý. Đến khi sự kiện xảy ra, giương máy lên phim thấy nhẹ bỗng hoặc kẹt cứng ngắc, lật đật mở ra lắp phim lại thì câu chuyện đã xong!

Tiệm ảnh Mai Ngôn trên đường Phan Bội Châu. Ảnh: Internet

Khoảng cuối những năm 1980, Phân xã Thông tấn xã tại Khánh Hòa nhập về một dàn máy in tráng hoàn toàn tự động gọi là Copholab. Copholab đầu tiên đặt ở đường Yersin, bây giờ là khách sạn Nha Trang Palace. Từ khi có dàn Copholab, các tiệm ảnh truyền thống bắt đầu điêu đứng, vì đâu còn ai dùng buồng tối để tráng rửa thủ công nữa. Sướng nhất là mấy ông chụp ảnh dạo ở các điểm du lịch, đưa cuộn phim cho nhân viên, chờ khoảng một giờ sau đã có hình giao cho khách. Các tiệm ảnh thu hẹp dần quy mô, nhiều tiệm giải thể chuyển nghề khác, một số năng động bám trụ với nghề, chuyên rửa ảnh cho các thợ chụp dạo hoặc thêm nghề chụp ảnh hồ sơ lấy ngay, phục hồi ảnh cũ...

Có dịp đi ngang qua mấy địa điểm xưa là tiệm ảnh mình hay ra rửa ảnh, nay chả còn dấu tích, thấy lòng chợt bùi ngùi nhớ một thời, nhớ những khuôn hình kỷ niệm, nhớ những buồn vui trong nghề… như tâm trạng trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ, hồn bây giờ ở đâu…”.

THỦY NGÂN