Ông Kim Jong-un bắt đầu lên kế hoạch về người kế nhiệm

Theo thông tin từ giới tình báo Hàn Quốc, Kim Ju-ae khoảng 10 tuổi và có ngoại hình giống mẹ mình, bà Ri Sol-ju, nhưng trông cao hơn so với độ tuổi này.

Sự xuất hiện của Ju-ae ban đầu được coi là sự kiện chỉ diễn ra một lần, được dàn dựng để làm nổi bật hình ảnh người cha của ông Kim Jong-un.

Khi cô bé lần thứ hai xuất hiện trong lễ kỷ niệm vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được trang bị vũ khí hạt nhân, một số người cho rằng bức ảnh này nhằm thể hiện ý chí của Chủ tịch Kim nhằm bảo vệ an ninh cho thế hệ tương lai của Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân.

Nhưng khi Ju-ae xuất hiện lần thứ ba vào ngày 1/1, điều này làm dấy lên đồn đoán về việc liệu Ju-ae có được chuẩn bị để trở thành người kế vị cha mình hay không. Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, gọi Ju-ae là "người con yêu quý nhất" của ông Kim.

Tuy nhiên, có vẻ hơi sớm để coi Ju-ea là người thừa kế tiềm năng, vì Chủ tịch Kim Jong-un mới 39 tuổi. Người tiền nhiệm Kim Jong-il, cha của ông, đã lãnh đạo đất nước cho đến khi qua đời vì đột quỵ vào năm 2011 ở tuổi 70, trong khi Chủ tịch Kim Nhật Thành vẫn tại vị cho đến khi qua đời ở tuổi 82.

Nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba trong nhà họ Kim khó có khả năng sớm rời vị trí lãnh đạo đất nước hơn cha và ông nội mình. Nhưng ông có thể có lý do để sớm tiết lộ người kế nhiệm tiềm năng.

Từng bị coi là người thừa kế không chắc chắn của cha mình, ông Kim Jong-un đã gặp khó khăn trong việc thiết lập vị thế cá nhân trong nước và quốc tế, bao gồm cả với Trung Quốc.

Trung Quốc là đồng minh thân cận của Triều Tiên và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cụm từ "thân thiết như răng và môi" trong Chiến tranh Lạnh để mô tả mối quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng, khẳng định rằng đây là "mối quan hệ duy nhất trên thế giới".

Tuy nhiên, ông Tập đã giữ khoảng cách với Kim Jong-un trong 6 năm sau khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Hai vị nguyên thủ cuối cùng đã gặp nhau vào năm 2018.

Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thường được cho là lý do chính khiến ông Tập do dự. Nhưng việc ông Tập miễn cưỡng coi Kim Jong-un như một lãnh đạo ngang hàng là một yếu tố quan trọng, bị đánh giá thấp trong động lực quan hệ của hai người.

Nói một cách thẳng thắn, ông Kim có vấn đề về hình ảnh ở Trung Quốc.

Ở tuổi 27, ông bất ngờ bước vào vũ đài chính trị toàn cầu sau sự ra đi đột ngột của cha mình. Cho đến lúc đó, ông Kim Jong-un gần như không xuất hiện trên truyền thông Triều Tiên.

Các chuyên gia nước ngoài miêu tả rằng ông còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, cũng như có thể là "con rối" của giới tướng lĩnh cấp cao tại Triều Tiên.

Ngay cả ở Trung Quốc, đã có nhiều nghi ngờ về việc liệu ông Kim có khả năng lãnh đạo đất nước hay không.

Vào thời điểm đó, Jang Song-thaek, người đã kết hôn với em gái của Kim Jong-il và từng là phụ tá hàng đầu của Kim Jong-un, đóng vai trò là người đỡ đầu cho nhà lãnh đạo trẻ.

Ảnh hưởng của Jang được thể hiện rõ ràng trong đoạn phim truyền hình của Triều Tiên khi người ta thấy ông Jang đứng cạnh Kim Jong-un trong các cuộc kiểm tra nhà máy như thể ông là một giáo viên đang giám sát học sinh.

Jang thường tỏ ra thoải mái, chắp tay sau lưng trong khi các quan chức Triều Tiên khác đều tỏ ra lo lắng, bận rộn ghi chép những gì Chủ tịch Kim nói. Đó là cách Jang thể hiện quyền lực của mình trước công chúng.

Tập Cận Bình hơn Kim Jong-un tới 31 tuổi. Trong văn hóa châu Á, tuổi tác và sự tôn trọng đi đôi với nhau, ông Tập là tiền bối và Kim Jong-un được cho là phải thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi hơn mình.

Ông Tập với tư cách là nguyên thủ của một cường quốc toàn cầu ngày càng hùng mạnh, được cho là đã coi Kim Jong-un là nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của một quốc gia nhỏ. Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc thậm chí còn tình cờ gọi ông là "tiểu Kim". Nhiều người Trung Quốc coi Jang Song-thaek là nhà môi giới quyền lực thực sự ở Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi sớm quyết định không đóng vai yếu thế trong mối quan hệ với ông Tập Cận Bình.

Vài ngày trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ tại Bắc Kinh và đề nghị Triều Tiên nên hủy bỏ vụ thử theo kế hoạch. Tờ Thời báo Hoàn cầu cảnh báo Triều Tiên sẽ phải "trả giá đắt" nếu tiến hành vụ thử, cũng như đe dọa cắt viện trợ.

Kim Jong-un phản ứng bằng cách tuyên án tử với Jang Song-thaek, chính trị gia thân Trung Quốc nổi tiếng nhất của Triều Tiên, với cáo buộc âm mưu đảo chính quân sự. Nhiều học giả Trung Quốc cảm thấy đây là thông điệp mạnh mẽ nhất mà ông Kim muốn gửi tới cả người Triều Tiên và người Trung Quốc.

Gần đây, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết ông Kim "đã thể hiện ý chí chuyển giao quyền lực trong gia đình" bằng cách cho con gái xuất hiện trước truyền thông từ rất sớm.

Ông Kim được cho là có ba người con. Thông tin về các con của ông và ai trong số chúng được coi là người thừa kế rõ ràng sẽ không được công bố rộng rãi trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đang nghiêm túc xem xét khả năng ông Kim muốn sớm công bố người thừa kế của mình. Điều này có thể bắt nguồn từ trải nghiệm của ông trong quá khứ, khi nhiều người nghi ngờ năng lực của ông, hay thậm chí là biết về sự tồn tại của ông.

Bằng cách sớm tiết lộ người kế nhiệm tiềm năng của mình, Kim Jong-un muốn đảm bảo rằng quyền lực của các con mình sẽ được công nhận ngay lập tức, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên rời khỏi vị trí này, cũng như mong muốn duy trì thế hệ lãnh đạo thứ tư trong gia đình.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Seong-Hyon Lee , thành viên cao cấp của Quỹ George H.W. Bush về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Bắc Hiệp

Theo Nikkei Asia