Phát triển vùng nguyên liệu mía xanh, bền vững

Từ giữa tháng 11.2023, Nhà máy TTCS- đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) - bắt đầu tiếp nhận mía, chính thức bước vào vụ ép 2023-2024. Vụ ép này diễn ra trong bối cảnh ngành mía đường có nhiều chuyển biến tích cực, giá đường thế giới phục hồi và tăng trưởng. Để khuyến khích nông dân, trong vụ ép 2023-2024, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đã ban hành chính sách thu mua mía tại vùng nguyên liệu của nhà máy sát với diễn biến giá đường trên thị trường, với giá thu mua mía tăng từ 10%-15% so với vụ 2022-2023.

Tưới mía tại Nông trường Thành Long.

Anh Bùi Văn Châu, ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên cho biết, anh trồng 8 ha mía, trong đó, có 3 ha mía tơ và 5 ha mía gốc. Vụ 2023-2024 thu hoạch 5 ha, năng suất trung bình hơn 80 tấn/ha; chữ đường 10.07 CCS, anh thu được lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha.

Anh Châu chia sẻ, tình hình sản xuất năm nay có nhiều thuận lợi, giá cả tốt nên nông dân rất phấn khởi. Trong những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả các mô hình khuyến nông của nhà máy như trồng mía giống mới, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thả ong mắt đỏ, chế phẩm phân bón lá và tưới mía hữu hiệu… nên ruộng mía của anh luôn cho năng suất, chữ đường cao, mía lưu gốc tốt (đến 7 vụ).

Về phía nhà máy cũng hỗ trợ kịp thời nhu cầu về kỹ thuật canh tác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp cho nông dân để phục vụ cho sản xuất. Trong niên vụ mới, anh mong muốn nhà máy tiếp tục đồng hành cùng nông dân về giá thu mua, các chính sách hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật... để nông dân yên tâm sản xuất.

Thu hoạch mía.

Vụ mía 2023-2024 được đánh giá là vụ mùa thành công đối với ngành mía đường. Theo Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, đây là vụ mùa thuận lợi về năng suất cũng như thị trường, giá cả.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ- Tổng Giám đốc Công ty cho biết, tổng diện tích vùng nguyên liệu mía Công ty tập trung phát triển cả trong và ngoài nước là 71.000 ha (vùng nguyên liệu trong nước chiếm 70%), tăng hơn 7.000 ha so với niên độ 2022-2023. Trong đó, vùng nguyên liệu ây Ninh đạt 16.800 ha, tăng trưởng 18% so với niên độ trước.

Qua thống kê, năng suất vùng nguyên liệu tại Việt Nam đạt bình quân 78 tấn/ha, tại Campuchia khoảng 60 tấn/ha. Dự kiến tổng sản lượng kết thúc vụ ép 2023-2024 riêng tại Nhà máy Tây Ninh là 1,2 triệu tấn. Đây là cột mốc kỷ lục của nhà máy từ khi thành lập đến nay.

“Khách hàng và công ty là một hệ sinh thái gắn kết và thống nhất, do vậy để tiến tới mục tiêu phát triển bền vững, chính sách phát triển vùng nguyên liệu luôn được công ty ưu tiên và đặt làm trọng tâm”, ông Nguyễn Thanh Ngữ chia sẻ.

Chính sách của Công ty tập trung vào ba nhóm chính. Nhóm một là các chính sách liên quan đến quy hoạch tổ chức hoạt động sản xuất, bao gồm triển khai các giải pháp trồng mới, trồng sớm, trồng đúng vụ ép, đặc biệt tổ chức sản xuất đưa các nhà máy vào ép sớm và chạy xuyên tết để bảo đảm tiêu thụ mía cho nông dân với chất lượng tốt nhất trong giai đoạn chính vụ. Những hộ trồng mía Hè Thu 2024 sẽ được áp dụng thêm một số chính sách ưu đãi để sản xuất mía giống chất lượng cao.

Sử dung máy phun tầm xa trong chăm sóc cây mía.

Nhóm hai về chính sách đầu tư và các hoạt động khuyến nông. Với một vùng nguyên liệu trải dài, Công ty đang đầu tư và gắn kết gần 10.000 hộ nông dân và hằng năm giải ngân vốn cho bà con trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, tập trung vào các chương trình đầu tư thâm canh về hệ thống tưới, giải pháp tưới tiết kiệm, máy móc cơ giới, thiết bị GPS (canh tác chính xác) để bảo đảm tính mùa vụ; đặc biệt tập trung vào cung ứng các giải pháp liên quan đến dinh dưỡng hữu cơ từ các chất thải như bã bùn để tạo thành một nền kinh tế khép kín, tuần hoàn, tái tạo đất.

Nhóm ba về chính sách liên quan đến hỗ trợ và chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư trồng và chăm sóc mía; chính sách hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thu hoạch mía; chính sách thu mua, hướng tới hài hòa lợi ích của khách hàng với công ty theo điều kiện thị trường, giúp nông dân an tâm với lợi nhuận từ cây mía.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ cho biết thêm: “Mặc dù tăng trưởng rất nhanh về diện tích cũng như năng suất, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Công ty vẫn chưa đạt được công suất tối ưu cho tổng thể hoạt động của TTC AgriS.

Riêng tại Tây Ninh, Công ty có kế hoạch mở lại hoạt động sản xuất Nhà máy Biên Hòa Tây Ninh cũng như Nhà máy đường Nước Trong. Do vậy, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung đầu tư và phát triển mở rộng diện tích tại Tây Ninh, đặt mục tiêu phát triển trên 20.000 ha”.

Xe chở mía vào nhà máy để chế biến.

Trước mắt ở vụ ép 2024-2025, Công ty có kế hoạch tăng diện tích cũng như năng suất, chất lượng mía tại Tây Ninh đạt trên 18.000 ha và 80 tấn/ha. Bên cạnh đó, Công ty sẽ chủ động chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, tập trung đồng bộ cơ giới hóa, triển khai các chính sách đầu tư, xây dựng cánh đồng liên kết diện tích mía lớn, đáp ứng nhu cầu về vốn, máy móc thiết bị; đẩy mạnh các mô hình khuyến nông, không ngừng cải tiến công tác quản lý, điều hành với nhiều hình thức linh hoạt...

Từ đó, hướng tới phát triển bền vững và phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp, nhằm định hướng thị trường, sản phẩm, thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp tuần hoàn vượt ra khỏi giá trị thuần túy của cây trồng.

Trong niên vụ 2023-2024, sản xuất mía gặp không ít thách thức trước tình trạng El Nino. Công ty đã có những phân tích và dự báo trước, tập trung vào thiết kế các giải pháp nhằm triển khai các chính sách về khoa học kỹ thuật để đưa vào khuyến nông. Đặc biệt tập trung vào giống có khả năng chịu hạn, dinh dưỡng hữu cơ, giúp cây mía sinh trưởng tốt, vượt hạn và các giải pháp liên quan đến tưới để cây mía cho năng suất tốt.

Trúc Ly - Nhi Trần