Phục trang góp phần làm nên những thước phim đẹp

Lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn tại một ngôi làng vùng Bắc Bộ, phim “Người vợ cuối cùng” kể về chuyện tình của Linh (Kaity Nguyễn đóng) và Nhân (Thuận Nguyễn đóng) giữa hàng rào lễ giáo phong kiến. Nhà nghèo, Linh bị gả làm vợ lẽ của quan tri huyện Đức Trọng (Nghệ sĩ Ưu tú Quang Thắng đóng). Trong một lần gặp lại người yêu cũ (Nhân), khát vọng về một cuộc sống bình yên, được yêu thương của Linh trỗi dậy...

Hình ảnh trong phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Vũ. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Theo nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp, trang phục của phim “Người vợ cuối cùng” lên tới hàng trăm bộ, đều được may đo riêng cho từng diễn viên; riêng 3 nữ diễn viên vào vai 3 bà vợ, mỗi người gần chục bộ. Đạo diễn Victor Vũ cho biết, khi đọc tiểu thuyết “Hồ oán hận”, anh đã tưởng tượng làng Cua Ngộp là một ngôi làng nhỏ ven hồ, dưới núi và khá lo lắng khi đi khảo sát địa điểm quay. May mắn, đạo diễn và ê kíp sản xuất phim đã tìm thấy hồ Ba Bể ở Bắc Kạn và hoàn thành hình dung của mình về bối cảnh phim.

Yếu tố đặc biệt tạo cảm hứng cho đạo diễn và Ghia Ci Fam, Giám đốc mỹ thuật của phim là thời gian được trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Tày (đồng bào dân tộc sống chủ yếu ở khu vực này); bên cạnh đó, họ còn tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” (Mechanics and crafts of the Annamites) - công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An Nam khoảng 100 năm về trước, được thực hiện bởi một người Pháp tên Henri Oger và nghệ nhân người Việt Nam-để nghiên cứu cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người Việt thời xưa.

“Chúng tôi mong muốn thông qua bộ phim thể hiện được bề dày văn hóa độc đáo của Việt Nam, lan tỏa đến khán giả trong nước và quốc tế”, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.

“Cái hay của “Người vợ cuối cùng” là không khẳng định bộ phim hoàn toàn sát sử hoặc thuần túy miền Bắc, mà nỗ lực tôn vinh nét đẹp văn hóa của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cộng hưởng với những yếu tố sáng tạo và phóng tác cho phù hợp với hơi thở hiện đại, bộ phim đem lại cho khán giả một trải nghiệm vừa thẩm mỹ vừa điện ảnh, lại rất Việt Nam”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét.

Sự sáng tạo dựa trên truyền thống của ê kíp đã tạo nên hình tượng người phụ nữ trong “Người vợ cuối cùng” hội tụ vẻ đẹp truyền thống 3 miền như: Tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ... thể hiện tính cách riêng của nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật vợ cả (Nghệ sĩ Ưu tú Kim Oanh đóng) được thiết kế trang phục với tông màu nóng như đỏ, nâu đậm, trên nền vải ít hoa văn.

Điều này thể hiện nét tính cách có phần nghiêm khắc, nóng nảy của người phụ nữ làm chủ gia đình, mang nhiều mối bận tâm hơn là việc dành thời gian chăm chút váy áo, phục sức điệu đà. Nhân vật mợ hai (Đinh Ngọc Diệp đóng) được diện trang phục tông màu nóng - lạnh xen kẽ nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, trang sức đi kèm như nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng và lộng lẫy, thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư. Có thể nói, đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng mạch phim.

Hình tượng vợ ba - người vợ cuối cùng, do Nguyễn đảm nhận - xuất hiện với những tông màu nhẹ nhàng, kiểu dáng quen thuộc. Khi vợ ba đứng gần hai người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc trang phục tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhòa, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn.

Quay trở lại với thể loại phim cổ trang sau hơn 10 năm (trước đó là phim “Thiên mệnh anh hùng”), đạo diễn Victor Vũ, một người Mỹ gốc Việt trong xu hướng trở về quê hương góp sức tài năng, cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật điện ảnh nước nhà, đồng thời thể hiện ý nguyện về cơ hội khai thác những nét đẹp văn hóa, hình ảnh Việt Nam thông qua những thước phim.

Theo QĐND