Quản lý thức ăn đường phố: Tăng khâu thanh tra, hậu kiểm

Tháng 4 là thời điểm gần như nóng nhất, chuyển mùa và tiềm ẩn nhiều mối nguy về toàn thực phẩm (ATTP). Hiện các địa phương ở TP.HCM cũng đang tăng cường công tác kiểm tra ATTP để ngăn ngừa tránh xảy ra các sự cố như thời gian qua.

Tiểu thương chợ An Sương, quận 12 luôn đeo găng tay, khẩu trang tuân thủ vệ sinh ATTP. Ảnh: TRẦN MINH

Nguy cơ ngộ độc từ thức ăn đường phố

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn .HCM có rất nhiều điểm buôn bán hàng rong, ẩm thực đường phố. Ẩm thực đường phố không chỉ tiện lợi và giá cả phải chăng mà còn đa dạng và hấp dẫn về các mòn ăn. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi cũng tồn tại những nguy cơ ngộ độc về thực phẩm.

Vào thời điểm chiều tối, rảo quanh các khu vực quận 4, quận 10, khu chợ ẩm thực đêm... không khó để bắt gặp các hàng quán vỉa hè, xe đẩy bày bán thực phẩm được chế biến ngay bên lề đường, trong môi trường khói bụi. Theo đó, người bán thường không sử dụng bất kỳ dụng cụ che phủ, găng tay hay khẩu trang khi chế biến thực phẩm. Mặc dù chứng kiến những hình ảnh như vậy nhưng vẫn có nhiều người mua và không quan tâm đến vấn đề vệ sinh ATTP.

Tại những hàng quán vỉa hè, xe đẩy mà PV tiếp cận, hầu như người bán đều không trả lời về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm.

Trao đổi với PV, ThS-BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, cho biết có hai tác nhân chính dẫn đến bị ngộ độc thực phẩm. Tác nhân thứ nhất gọi là tác nhân vi sinh vật. Bản thân trong thực phẩm nếu không nấu chín hoặc là nấu chín rồi mà để trên 2 giờ đồng hồ thì những vi sinh vật như vi khuẩn, hay ký sinh trùng sẽ sống ở trong đó. Sau khi sinh sôi sẽ tạo ra độc tố hoặc bản thân nó sẽ tăng sinh, khi vào trong cơ thể sẽ gây ra rối loạn, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

Tác nhân thứ hai là tác nhân hóa học, có thể là những hóa chất bảo quản. Thông thường để thực phẩm bảo quản được lâu, người ta sẽ bỏ hóa chất như nitrat, muối, những chất làm cho quá trình phân hủy thực phẩm chậm lại hoặc bắt mắt hơn, ví dụ như phẩm màu. Khi chúng ta thu nạp một số lượng lớn, vượt qua ngưỡng đào thải của cơ thể sẽ gây ra ngộ độc.

Người dân có thể gọi đến số đường dây nóng của Sở ATTP TP.HCM là 028.39.301.714 để phản ánh khi gặp phải sự cố về mất ATTP.

Thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh ATTP

Liên quan đến việc quản lý ATTP đường phố, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho biết thời gian vừa qua, sở đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp quản lý. Trong đó có giải pháp nhân lực tại chỗ là lực lượng trật tự đô thị, cảnh sát khu vực ở phường, xã; quận, huyện... Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý thức ăn đường phố ở Việt Nam là điều không dễ. Bởi hiện người dân vẫn còn có thói quen đi xe máy, dừng xe tại các vỉa hè để mua thức ăn vì tiện lợi và nhanh gọn.

Đối với tình trạng bán hàng rong ngoài đường phố, bà Lan cho rằng người dân được quyền kinh doanh, không cần thẩm định trước để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Thế nhưng việc thẩm định đủ điều kiện ATTP chỉ là yếu tố ban đầu không phải tất cả, bởi nó chỉ mang tính thời điểm. Khâu hậu kiểm và thanh tra đóng vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng.

Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cho rằng các quận, huyện trên địa bàn TP cần phải có một số chỉ tiêu để xây dựng những điểm tập trung bán thức ăn đường phố an toàn. Sở cũng khuyến khích các địa phương tập huấn, tổ chức đào tạo kiến thức về vệ sinh ATTP cho những người bán thức ăn đường phố.

Ông Võ Quốc Duy, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cho biết hiện trên địa bàn phường có 15 cơ sở dịch vụ ăn uống, 145 điểm thức ăn đường phố, ba căn tin trường học, hai cơ sở chế biến thực phẩm, 127 quầy kinh doanh thức ăn tại Công viên vui chơi giải trí ẩm thực An Sương.

Để đảm bảo công tác vệ sinh ATTP, UBND phường chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy hại về ATTP.

Cụ thể, trong quý II-2024, phường đã kiểm tra, nhắc nhở 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cá nhân bán hàng rong trước cổng trường. Thực hiện kiểm tra 21/21 các nhóm lớp mẫu giáo, mầm non ngoài dân lập về việc thực hiện các nội dung ATTP, phân luồng thức ăn một chiều, khu vực chế biến thực phẩm, dụng cụ chế biến và lưu mẫu, test nhanh mẫu thực phẩm. Đối với người chế biến thực phẩm và chủ cơ sở định kỳ sẽ có tập huấn các nội dung về ATTP, khám sức khỏe định kỳ…

Thực tế kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở vẫn còn tình trạng khu vực chế biến chật hẹp, ứ đọng nước, bố trí thực phẩm nấu chín chưa hợp lý, chưa có danh sách xác nhận tập huấn cho nhân viên, trang bị bảo hộ chưa đúng quy định. Thông qua đó tổ kiểm tra đưa ra các đề nghị: Đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ đầu vào thực phẩm; thường xuyên vệ sinh dụng cụ đựng thức ăn; bố trí tủ lưu mẫu thực phẩm ở khu vực hợp lý, thực hiện việc lưu mẫu, kiểm thực ba bước theo đúng quy định; tổ chức tập huấn và lập danh sách xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP cho nhân viên.

“Qua kiểm tra, một số cơ sở đã thực hiện việc khắc phục các sai sót và có báo cáo lại với tổ kiểm tra” - ông Duy thông tin.•

TRẦN MINH - TUẤN ANH