Sự thật về những tin đồn 'đá chữa được bệnh'

Đá chữa bệnh là trò lừa đảo

Ngày 14/4, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin về ca hóc dị vật hi hữu. Người phụ nữ phát hiện mình nuốt vòng đá có 8 hạt trong lúc ngủ. Khi tỉnh dậy, bà đã cố móc họng để nôn nhưng không thể nôn ra được dị vật. Chiếc vòng bằng đá có 8 hạt, kích thước chừng 0,5x0,8cm. Bà nghe quảng cáo khi ngậm vòng đá sẽ phát tia, có tác dụng chữa bệnh, chữa viêm họng nên bà thực hiện theo.

Khi ngậm vòng bà ngủ quên, lúc tỉnh dậy mới phát hiện chiếc vòng đã bị trôi xuống họng. Người bệnh đã cố móc họng để nôn ra chiếc vòng nhưng không được và ngay lập tức được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Chiếc vòng đá người phụ nữ nuốt phải khi ngủ.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên sử dụng đá chữa bệnh. Bà Lê Thị Thắm (Mỹ Đình - Hà Nội) cho biết, gần đây có một nhóm người được quảng cáo là tới tri ân người cao tuổi ở phường về giới thiệu loại đá có thể diệt mọi năng lượng xấu. Khi đeo viên đá bên cạnh, sóng điện thoại, tivi, lò vi sóng... sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Tin lời giới thiệu, bà mua viên đá với giá 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng bà không thấy có tác dụng gì như quảng cáo.

Một trường hợp khác là bà Phạm Thị Loan (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, theo giới thiệu của những người bán thì viên đá hình lục giác này có nhiều tác dụng. Nếu đeo nó vào người thì tăng cường sức khỏe. Nếu cho vào nồi cơm, luộc rau, nước uống… thì viên đá sẽ thải độc rất hữu hiệu.

Theo quảng cáo của người bán hàng, sản phẩm được làm từ 13 loại đá khác nhau. Nó có tác dụng thải độc trong rau củ và bảo vệ sức khỏe. Khi nấu ăn, chỉ cần cho viên đá vào đun cùng là độc tố sẽ tan biến hết. Hoặc thả viên đá vào cốc nước uống là những chất độc hại sẽ được xử lý triệt để.

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, không loại đá nào có khả năng chữa bệnh, thải độc, hóa giải độc tố trong đồ ăn thức uống. Trường hợp nghiền nhiều loại đá ra rồi ép lại thành các viên đá khác nhau thì về bản chất, nó cũng chỉ là đá. Do không phải là hóa chất nên không thể có tác dụng gì trong việc tạo ra phản ứng để trung hòa hay hóa giải chất độc. Trường hợp người ta trộn hóa chất vào đá sau khi nghiền nhiều loại đá ra, thì có thể có tác dụng nào đó. Nhưng đó là tác dụng của hóa chất đó, chứ không phải đá.

Trong tự nhiên có một số loại đá như tuocmelin có thể giúp con người sảng khoái, thư giãn hơn, song không thể có khả năng chữa bệnh. Việc cho rằng nằm lên mấy viên đá mà khỏi được bệnh là hết sức hoang đường."Có một điều phải cảnh báo với người tiêu dùng cả tin là hiện nay, rất nhiều sản phẩm đá có nguồn gốc từ Trung Quốc được quảng cáo là đá phong thủy. Họ "thổi vào" đó nhiều khả năng thần kỳ như hút tài lộc, thăng quan tiến chức, chữa bách bệnh, đem lại vạn điều may cho chủ sở hữu… Đây là bịp bợm, không có cơ sở khoa học. Người tiêu dùng không nên, khiến "tiền mất, tật mang", rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo", GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.

Thận trọng, tránh bị lừa đảo

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, không một loại đá nào có những khả năng thần kì kể trên. Có thể là do tự thêu dệt hoặc viên đá là nhân tạo. Đá không thể tự phát ra mùi thơm, tự phát sáng hay hút được nọc độc rắn. Việc trả giá hoặc rao bán hàng tỉ đồng/viên đá này là không có cơ sở.

Rất nhiều loại hóa chất khác nhau có thể được sử dụng để tạo ra những "tính năng kỳ lạ" của viên đá. Tại phòng kiểm định của GS.TSKH Phan Trường Thị, đã từng có người đem loại đá có khả năng tự phát sáng đến để kiểm định "tính năng". Thực chất là người ta đã nhúng viên đá vào dung dịch hóa học cacbonat Sr nên nó dễ dàng phát sáng như đồ chơi của trẻ em. Hay để tạo ra mùi thơm, có rất nhiều loại hóa chất khác nhau được sử dụng. Người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể biến một viên đá thông thường thành viên đá có mùi thơm ngào ngạt.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, lâu nay ông cũng có nghe dư luận bàn tán về một số sản phẩm như quần áo, vòng đá hỗ trợ sức khỏe, trị bệnh nhưng sự thật có đúng như vậy hay không thì chưa thấy các công trình nghiên cứu hay báo cáo khoa học nào chứng minh.

Trong lĩnh vực khoa học, cụ thể là mỏ - địa chất, các nhà khoa học cũng xác định được một số loại đá có chứa các nguyên tố mà khi tiếp xúc với cơ thể con người sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, để nói rằng có tác dụng hỗ trợ, chữa trị bệnh tật thì chưa ai có chứng minh rõ ràng. Về các sản phẩm vòng đá mà nhà kinh doanh cho rằng có công dụng hữu hiệu trong ngăn ngừa, chữa trị bệnh tật nên cần phải được chứng minh một cách khoa học. Có thể lấy một vài mẫu sản phẩm đó mang đi kiểm nghiệm sẽ biết ngay thực hư, nhưng kết quả có thể biết trước là chúng không có tác dụng gì.

Theo các chuyên gia, hiện nay người dân sử dụng mạng xã hội, Internet khá phổ biến, bất kỳ một loại hình dịch vụ nào bao gồm cả khám, chữa bệnh họ đều tìm trên mạng. Nắm bắt được nhu cầu này, các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội được đa số người dân sử dụng như TikTok, YouTube...

Hơn nữa, để dễ đánh lừa lòng tin của người dân, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi, khiến nhiều người bệnh mắc lừa, chủ yếu là người già. Để không trở thành nạn nhân, chuyên gia khuyên bệnh nhân, muốn khám chữa bệnh phải đến bệnh viện lớn có chuyên khoa, nếu tìm đến phòng khám tư phải tìm hiểu thật kỹ về phòng khám này, bằng cấp, chứng chỉ người thăm khám.

Tô Hội