Tầm quan trọng của biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non

Việc đánh giá sự phát triển thể chất của từng trẻ hoặc một tập thể trẻ được tiến hành đơn giản bằng cách so sánh, đối chiếu các chỉ số về sự phát triển thể chất của từng trẻ so với chuẩn là những tiêu chuẩn được thể hiện trong khái niệm "Biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non".

Biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non: Công cụ theo dõi đánh giá sức khỏe và phát triển cho trẻ ở lứa tuổi mầm non

Biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non là một công cụ theo dõi liên tục để đánh giá sức khỏe và sự phát triển của trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Biểu đồ này sẽ theo sát quá trình tăng trưởng của trẻ từ khi sinh ra cho tới trước 6 tuổi với những chỉ số cơ bản nhưng rất quan trọng bao gồm: Cân nặng, chiều cao, vòng đầu, và các mốc phát triển khác như kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, và kỹ năng vận động.

Nghiên cứu biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non được dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của trẻ so với tiêu chuẩn chung của quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ đó, các số liệu nghiên cứu sẽ được tổng hợp, cập nhật để đưa ra các tiêu chuẩn phát triển chuẩn mực dựa trên nghiên cứu khoa học và dữ liệu thống kê.

Ngoài ra, với biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non, việc theo dõi và đánh giá các số liệu và quá trình phát triển của trẻ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, những dấu hiệu bất thường, từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp và hỗ trợ phù hợp.

Biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao cho trẻ từ 0-5 tuổi chuẩn WHO (Bộ Y Tế).Nguồn: Viện dinh dưỡng.

Theo Viện dinh dưỡng Việt Nam, hoạt động theo dõi quá trình phát triển thể lực của trẻ là quá trình tiến hành đo cân nặng, đo chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi một cách thường xuyên, liên tục theo định kỳ và có hệ thống; có sử dụng biểu đồ tăng trưởng của trẻ em để đánh giá xem trẻ có phát triển bình thường hay không. Sau đó sử dụng kết quả này để tư vấn cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ biết cách nuôi dưỡng trẻ hợp lý. Quá trình này phải được tiến hành theo dõi liên tục từ khi trẻ mới sinh cho đến hết 5 tuổi.

Một đứa trẻ được coi là phát triển bình thường không những phải tăng cân mà còn phải tăng cả chiều cao đều đặn. Nếu chúng ta theo dõi cân nặng và chiều cao hàng tháng cùng với việc sử dụng Biểu đồ tăng trưởng trẻ em, chúng ta sẽ biết được đứa trẻ đó có phát triển bình thường hay không. Từ đó kịp thời tư vấn cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ biết cách chăm sóc dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.

Biểu đồ tăng trưởng sức khỏelà công cụ để theo dõi liên tục sự phát triển thể lực của trẻ từ khi mới sinh đến khi tròn 5 tuổi, thông qua việc cân, đo và chấm lên biểu đồ để biểu diễn quá trình phát triển của trẻ, so sánh kết quả này với quần thể tham khảo để đánh giá tình trạng phát triển thể lực của trẻ.

Biểu đồ tăng trưởng sức khỏe của trẻ chính là các đồ thị theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ từ 0 cho đến 5 tuổi.

Nguồn: Viện dinh dưỡng

Biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá sức khỏe cũng như phát triển của trẻ nhỏ. Với những số liệu được theo dõi định kỳ, liên tục dựa trên những tiêu chí khoa học, có thể cung cấp cho cha mẹ, thầy cô giáo và những người trực tiếp nuôi dạy trẻ có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về sự phát triển cân bằng về dinh dưỡng, thể chất và tinh thần của trẻ. Biểu đồ sức khỏe cũng có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe để phụ huynh và thầy cô giáo có thể có những biện pháp cải thiện kịp thời để các trẻ có thể phát triển toàn diện, đầy đủ, đúng cách.

Những dữ liệu lịch sử sức khỏe được ghi chép đầy đủ trong biểu đồ sức khỏe, sẽ giúp cha mẹ, thầy cô giáo có hướng điều trị kết hợp các bệnh lý (nếu có) sau này của trẻ khi nắm rõ các đặc điểm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, các tệp biểu đồ sức khỏe của một lớp trẻ cũng tạo ra cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia điều chỉnh, thay đổi các chiến lược chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ về các vấn đề sức khỏe trong tương lai.

Theo các chuyên gia, biểu đồ tăng trưởng cũng đo đếm sự phát triển bình quân của trẻ nhỏ cùng tuổi cùng giới, ở cùng quốc gia có cùng cách sống và nguồn dinh dưỡng với mục đích cung cấp phương tiện đánh giá chính xác mỗi trẻ nhỏ tăng trưởng có phù hợp giới tính và lứa tuổi hay không. Mặc dù mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, nhưng chúng vẫn cần theo một tốc độ phát triển phù hợp. Biểu đồ tăng trưởng cũng cho thấy quá trình chuyển tiếp từ tình trạng phụ thuộc qua tình trạng tự lập hơn.

Nói chung, biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non là công cụ quan trọng và hữu ích cho cha mẹ và nhà trường có thể theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ em cách hiệu quả và khoa học. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Theo dõi sự phát triển của trẻ lứa tuổi mầm non bằng biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non có nhiều lợi ích.

Cần có kế hoạch theo dõi Biểu đồ sức khỏe trẻ để kịp thời tác động hỗ trợ

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non, chúng ta (bao gồm cả các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường, hệ thống y tế và các cơ quan chức năng có liên quan…) cần có kế hoạch kiểm tra sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ thường xuyên và có hệ thống để kịp thời phát hiện ra những thay đổi rất nhỏ về trạng thái sức khỏe và nhanh chóng tìm cách khắc phục.

Trẻ càng nhỏ, việc kiểm tra và ghi chép tại Biểu đồ sức khỏe càng cần được tiến hành thường xuyên hơn.

Trẻ em khỏe mạnh thì lớn đều đều và thường có sự tăng trưởng chung đều đặn. Nếu trẻ được ăn uống đầy đủ, chăm sóc tốt và không mắc bệnh gì thì cân nặng hàng tháng sẽ tăng đều. Điều này phản ánh sự phát triển bình thường và lành mạnh của trẻ.

Ngược lại, trẻ lên cân chậm, đứng cân hoặc hoặc thậm chí đứng cân hoặc sụt cân, có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe. Có thể bạn đó không được nuôi dưỡng đúng cách hay mắc bệnh nào đó hoặc cả hai. Trong trường hợp này, việc phát hiện và can thiệp sớm là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phát triển của trẻ.

Bảng tham khảo: Chuẩn tăng trưởng WHO 2007. Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng.

Việc kiểm tra và ghi chép thông tin vào biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non cần được thực hiện một cách chuẩn xác, tỉ mỉ và kịp thời vì sự phát triển của trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non diễn ra rất nhanh chóng và liên tục. Các chỉ số quan trọng như cân nặng, chiều cao, và các mốc phát triển khác được kiểm tra định kì, liên tục sẽ giúp nhà trường và cha mẹ đo được hiệu quả của chế độ dinh dưỡng hiện tại.

Theo dõi trẻ có lớn hay không bằng mắt thường không chính xác; Nhưng nếu cân thường xuyên và xác định giá trị cân nặng trên biểu đồ tăng trưởng chúng ta sẽ có thể thấy rõ chiều hướng phát triển của trẻ và có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của trẻ. Do vậy, mỗi trẻ em dưới 6 tuổi cần có một biểu đồ tăng trưởng riêng. Các bà mẹ và giáo viên mầm non cần biết cách sử dụng nó.

Chăm sóc sức khỏe trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, mọi người trong cộng đồng đều phải tham gia thực hiện.

Có thể hiểu: "Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải thuần túy chỉ là tình trạng không có bệnh tật".

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng, khi phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, việc đầu tiên chúng ta phải điều chỉnh lại chế độ ăn cho trẻ. Sau đó, phải theo dõi tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn để điều trị sớm nếu trẻ mắc phải.

Nguyên nhân phát sinh bệnh tật và làm chậm sự tăng trưởng hoặc gây tử vong cho trẻ là: điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn thức ăn không lành mạnh, nguồn nước kém chất lượng. Các yếu tố nòi giống, tuổi tác của bố men, các bệnh di truyền cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Các bậc phụ huynh cần theo dõi sự phát triển của trẻ, phát hiện bệnh sớm và dự phòng cho trẻ. Việc đưa con đi tiêm phòng hạn chế được tỉ lệ mắc bệnh và giảm được tỉ lệ tử vong của trẻ.

Các ngành, các cấp có chế độ chính sách cụ thể của nhà nước và những biện pháp của chính quyền giúp các bậc cha mẹ có thêm hiểu biết những kiến thức khoa học và nhận thức được sự cần thiết của việc chăm sóc giáo dục sức khỏe cho trẻ như: chế độ nuôi trẻ, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ, vệ sinh phòng bệnh, bổ sung vitamin A, phòng tai biến sản khoa...

Thực hiện được các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu thì chúng ta sẽ:

Giảm tỉ lệ tử vong của trẻ
Hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ.
Tăng chiều cao trung bình của trẻ.
Giảm tỉ lệ bướu cổ ở trẻ.
Thanh toán cơ bản bệnh dại, sốt rét, tả, thương hàn, dịch hạch, viêm gan B, viêm não Nhật Bản.

Một đứa trẻ
khỏe
mạnh là một đứa trẻ không những không có bệnh mà phải có một trạng thái thoải mái về tâm thần, sống trong gia đình hạnh phúc, trong một xã hội lành mạnh.

Việc có sức khỏe đối với bất kỳ ai không chỉ đơn thuần là việc không mắc bệnh tật mà còn là một trạng thái toàn diện của cơ thể và tâm trí. Đối với trẻ em, việc có được một môi trường và sự phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần là yếu tố tiên quyết để có những thế hệ người dân khỏe mạnh, những công dân ưu tú cho tương lai. Để khi lớn lên, các em có sẵn một nền móng vững chắc là sức khỏe tốt, từ đó, xã hội cũng có một thế hệ nguồn nhân lực vững mạnh, đầy năng lượng đóng góp vào tương lai phát triển của đất nước.

Sức khỏe thể chất bao gồm cả các yếu tố như cân nặng lý tưởng, hoạt động thể chất đều đặn, dinh dưỡng cân đối và giấc ngủ đủ giấc. Sức khỏe tinh thần bao gồm cảm giác hạnh phúc, tự tin, và khả năng đối mặt với căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Sức khỏe xã hội liên quan đến các kỹ năng giao tiếp, các phản xạ và xử lý tương tác, sự hòa nhập và cảm giác thuộc về trong cộng đồng.

Vì vậy, một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe không chỉ tập trung vào việc điều trị các bệnh lý đơn thuần mà còn đặt mục tiêu vào việc duy trì và cải thiện sức khỏe toàn diện của trẻ nhỏ trong cuộc sống hiện tại. Đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai.

Một đứa trẻ khỏe mạnh là một đứa trẻ không những không có bệnh mà phải có một trạng thái thoải mái về tâm thần, sống trong gia đình hạnh phúc, trong một xã hội lành mạnh, có thể chất tốt. Các yếu tố về sinh lý, về xã hội phải luôn gắn chặt với nhau, hỗ trợ bổ sung cho nhau.

Việc chăm sóc toàn diện cho trẻ em lứa tuổi mầm non cần được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, khoa học… Thông qua việc theo dõi bằng Biểu đồ sức khỏe trẻ, các nhà trường có thể kết hợp cùng với các bậc phụ huynh đưa ra các biện pháp chăm sóc toàn diện, khỏe mạnh cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó có thể cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh, một thế hệ người Việt khỏe mạnh về thể chất, thịnh vượng về tinh thần. Đây cũng chính là mục tiêu cao cả mà các chương trình chăm sóc sức khỏe học đường mang lại.

Sức khỏe của mỗi người là tài sản quý nhất của quốc gia, sức khỏe đó lại phần lớn phụ thuộc vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe các thế hệ trẻ em từ khi còn nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn mầm non. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe cho tương lai.

Trẻ em được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt từ khi còn nhỏ thường có khả năng học tập và lao động đạt hiệu quả cao hơn khi trưởng thành. Do đó, việc đầu tư vào sức khỏe của trẻ mầm non không chỉ là đảm bảo sức khỏe của riêng trẻ em, mà còn là đầu tư vào tương lai của toàn xã hội, bằng cách tạo ra một thế hệ người trưởng thành với sức khỏe tốt và khả năng thích ứng với mọi thách thức của cuộc sống.

Tác giả: Cô giáo Trương Thị Mai

Cựu Giáo viên Hệ thống mầm non Montessori Sunrise Kidz

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi gửi vào email của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học: [email protected]ặc gửi trực tiếp đến Tòa soạn: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại hotline: 02473.098.555.

Trương Thị Mai