Tặng cuộc sống, gieo hy vọng

Hãy nhân lên và lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp để thấy được sự diệu kỳ của cuộc sống.

Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều. Trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, đến nay ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm, triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện 8.607 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó ghép thận 7.914 ca, ghép gan 593 ca, ghép tim 82 ca, ghép thận-tụy 1 ca, ghép tim-phổi 1 ca, ghép phổi 10 ca... Lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Các bác sĩ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng (Ảnh: Bệnh viện 108 cung cấp).

Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca. Trong những năm qua, ngành Y tế đã có những nỗ lực để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Cùng với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện, tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022, trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Mới đây, ngày 4/4, xúc động trước nghĩa cử đẹp của nữ hộ sinh Bệnh viện E Lộ Thị Thùy Linh đã hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 4 người, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho chị. Chị Lộ Thị Thùy Linh có nhiều năm công tác tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện E. Do mắc bệnh hiểm nghèo, chị Linh đột ngột ngừng tim, được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức. Mặc dù các bác sĩ cứu chữa tích cực và tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não. Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, tổ tư vấn tiếp cận gia đình đề xuất hiến tạng của con gái. Sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình chị Lộ Thị Thùy Linh hiến toàn bộ tạng để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bệnh viện: Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong việc lấy tạng và ghép tạng cho người bệnh.Tháng 7 năm 2023, chàng trai Đ.V.Th, 32 tuổi, trú tại xã Lương Sơn, Yên Lập không may bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về. Th được gia đình chuyển đến Trung tâm y tế huyện Yên Lập, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, Th rơi vào tình trạng chết não. Khi biết Th không thể qua khỏi, với sự vận động của Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gia đình Đ.V.Th đã đồng ý hiến mô/tạng của Th để hồi sinh sự sống cho 4 người bệnh nặng.

Việc những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay. Lúc này, sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự “cho đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để những người sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người.

Trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm Việt Nam đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Hiện nhu cầu người chờ ghép mô, tạng ngày càng tăng, ước tính cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Với mong muốn nhiều người đăng ký hiến mô tạng hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi” vào ngày 19/5. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự dự lễ phát động và cùng các đại biểu đăng ký hiến mô tạng.

Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, tại lễ phát động Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng- Gieo mầm sự sống”, đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Thủ tướng cũng kêu gọi mỗi người chúng ta hãy nâng cao ý thức tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe, thường xuyên rèn luyện thân thể để phòng ngừa các loại bệnh tất, có sức khỏe tốt, để học tập tốt, lao động tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước vì sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, với sự nhận thức sâu sắc, lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, công tác ghép tạng và hệ thống hiến mô, tạng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, ngày càng có nhiều người đăng ký hiến mô, tạng, mang lại niềm tin, hy vọng cho những người bệnh, tô thắm tình nghĩa đồng bào ruột thịt, truyền thống “con Lạc cháu Hồng”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc.

Phạm Kim