Thành cổ nghìn năm trên tuyến biển miền Trung

Súng thần công trận hải chiến giữa quân của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Ảnh: Văn Chương

Ở tỉnh ình Định có những phế tích, thành cổ nổi tiếng do người Chăm xây dựng, đó là thành Thị Nại ở huyện Tuy Phước, thành Đồ Bàn ở thị xã An Nhơn, thành Uất Trì ở huyện Tây Sơn và một số thành nhỏ khác. Thời gian gần đây, giới khảo cổ nhắc tới di tích bờ thành ở Nhơn Hải. Điểm khác lạ là bức tường thành được xây dựng dưới mặt biển và đến nay vẫn khá nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu luôn đặt câu hỏi về kỹ thuật xây dựng tường thành của người Chăm từ hàng nghìn năm trước.

Có rất nhiều công trình thành lũy nằm dọc theo tuyến biển không chỉ phản ảnh về hoạt động phòng thủ của người Chăm xưa kia, mà đây còn là cửa ngõ để tổ chức các hoạt động giao thương, đánh bắt cá, chinh phục đại dương. Sử sách còn ghi chép chuyện vị vua Chăm là Chế Mân đi thuyền buồm qua tận Malaysia để bang giao với triều đình, sau đó lấy công chúa Tapasi làm vợ. Vua Po Rome vượt biển qua Vương quốc Kalantan (hiện nay là một bang của Malaysia). Giai đoạn này, Malaysia được cai trị bởi đế quốc Srivijaya và có sự cạnh tranh tôn giáo khi đạo Hồi xuất hiện tại quốc gia Phật giáo.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, BĐBP Bình Định hiện nay nằm ở vị trí gắn với địa danh xuyên suốt cả nghìn năm qua, đó là thành Thị Nại. Các triều đại Chăm Pa xây dựng thành Thị Nại, tháp Bình Lâm để trấn giữ cửa biển. Năm 1282, đội thủy binh của quân Nguyên Mông do Toa Đô chỉ huy tấn công Chăm Pa vào cuối năm 1282, chiến thuyền tiến vào cửa biển và hai bên đã giao chiến dữ dội, đội quân của người Chăm phải rút dần trước thế địch mạnh.

Nếu giao chiến và quân Mông Cổ vượt qua được thành Thị Nại thì kinh đô Đồ Bàn sẽ bị uy hiếp. Và 500 năm sau, khu vực này đã liên tục xảy ra những trận chiến giữa quân Tây Sơn và chiến thuyền của Nguyễn Ánh có sự hỗ trợ về các loại khí giới hiện đại của Pháp. Nguyễn Ánh nhiều lần quyết xuyên thủng thành Thị Nại để từ đây đi sâu vào nội địa, uy hiếp thành Hoàng Đế. Đợt tấn công thứ 3 vào năm 1799, thủy binh của Nguyễn Ánh mới xuyên thủng cửa biển Thị Nại, tiến vào nội địa hạ thành Hoàng Đế rồi cử Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ.

Tại xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, khu vực gần cửa Đại Cổ Lũy là nơi từng có thành Bàn Cờ và thành Hòn Yàng của người Chăm, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ IX, X. Những thành này nằm trong cụm thành Cổ Lũy, là tiền đồn để bảo vệ cho thành Châu Sa. Hệ thống thành Cổ Lũy có hình thang cân, cạnh trên 52m, đáy 60m, cao 25m, diện tích mặt thành khoảng 500m2. Thành Bàn Cờ hiện nay là phế tích với những viên gạch vỡ.

Những tòa thành này không chỉ giúp cho các vị vua Chăm trấn giữ bờ biển, mà còn là nơi để thu các sắc thuế. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ viết: "Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn có nhắc đến tên cửa Đại Cổ Lũy cùng việc thu thuế ở các tấn sở nằm bên các cửa biển ở xứ Đàng Trong. Lê Quý Đôn viết: Số tiền thuế đã đóng cửa Đại Cổ Lũy là 150 quan, cửa Sa Kỳ là 560 quan, cửa Thái Cần là 84 quan 5 tiền... (Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.219)”.

Giai đoạn xây dựng những công trình thành lũy này được thực hiện sau những lần quân Đại Việt đưa thủy binh vào đánh. Sử sách ghi là năm 982, vua Lê Đại Hành thân chinh dẫn quân vào đánh Chiêm Thành, do vua Chiêm là Parameshvaravarman 1 đã bắt giam 2 sứ thần của Đại Việt là Từ Mục và Ngô Tử Canh. Trận chiến đó đã khiến kinh đô Indrapura của vua Chăm (hiện nay thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị san phẳng, vua Chiêm Thành bị chém chết.

Sử sách ghi về thành Cổ Lũy trở thành đất của Đại Việt vào khoảng 400 năm sau. Đó là năm 1402, vua Hồ Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Hai bên đụng trận, tướng Đại Ngu Đinh Đại Trung và tướng Chiêm Thành Chế Tra Nan đều tử trận. Vua Chiêm Ba Đích Lại (con La Ngai) hoảng sợ, sai cậu là Bố Điền dâng đất Chiêm Động (huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương để xin rút quân. Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép phải dâng nộp thêm động Cổ Lũy (nay là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Thành lũy có nhiệm vụ trấn giữ vùng biên hải, đó là Trấn Hải thành ở Thừa Thiên Huế. Năm 1813, vua Gia Long ra lệnh xây dựng Trấn Hải thành ở cửa Eo để kiểm soát tàu thuyền và bảo vệ kinh đô. Sau nay, Trấn Hải thành còn được treo lồng đèn để làm ngọn hải đăng hướng dẫn tàu thuyền. Hiện nay, đây là tòa thành trấn giữ vùng biển còn được gìn giữ nguyên trạng nhất. Gần 30 năm sau, tức năm 1840, vua Minh Mạng ra lệnh xây dựng pháo đài Hổ Ky ở cửa biển Thị Nại, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; xây dựng hệ thống thành lũy trên núi Phương Mai.

Những nơi từng là thành lũy trăm năm trước, hiện nay là nơi có các đồn, trạm của BĐBP. Trấn Hải thành hiện nay là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế. Thành Hòn Yàng nằm gần khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi.

Lê Văn Chương