Thành phố 'dầu đen' giàu có bậc nhất Trung Quốc

Thành phố "dầu đen"

Karamay, còn có tên gọi khác là "thành phố dầu mỏ", "núi dầu đen", là thành phố thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, một trong những trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu của Trung Quốc và thế giới.

Với tổng diện tích 7.733km2, dân số khoảng 500.000 người, Karamay đạt tỷ lệ đô thị hóa lên tới 98,97%, GRDP bình quân đầu người hơn 240.000 nhân dân tệ (khoảng 35.000 USD), đứng thứ 2 cả nước, vượt nhiều thành phố phát triển ở miền đông Trung Quốc.

Một góc thành phố Karamay. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Ít ai hình dung một thành phố nhỏ ở khu vực tây bắc xa xôi lại có thể phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, bảo đảm đời sống người dân và các phúc lợi thể hiện ở số lượng trường học, giường bệnh, thiết chế văn hóa, số km đường cao tốc trên đầu người... ở mức cao nhất khu tự trị Tân Cương và hàng đầu Trung Quốc như vậy.

Karamay trong ngôn ngữ bản địa có nghĩa là "dầu đen", thành phố được thành lập năm 1958, gắn liền với giếng dầu đầu tiên mà Trung Quốc thăm dò và khai thác tại khu vực miền tây, là thành phố duy nhất trên thế giới được đặt tên bằng dầu mỏ.

Theo ông Chen Kai, Thị trưởng Karamay, sự phát triển của thành phố ngày nay gắn liền với câu chuyện của 68 năm về trước, khi 36 thanh niên địa phương lên núi Dầu Đen với quyết tâm tìm kiếm giếng dầu trên hoang mạc Gobi. Trải qua hơn 4 tháng gian khổ, họ đã tìm ra giếng dầu công nghiệp đầu tiên của Trung Quốc, góp phần biến vùng hoang mạc "không có cỏ, không có nước, chim không bay nổi" trở thành cơ sở khai thác, lọc hóa dầu lớn nhất miền tây Trung Quốc. Đến nay, sau 68 năm, địa phương này đã sản xuất 430 triệu tấn dầu thô và trên 100 tỷ m3 khí tự nhiên.

Biểu tượng "giếng dầu đầu tiên" tại quảng trường thành phố Karamay. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Tại quảng trường trung tâm thành phố, biểu tượng những "giọt dầu" nổi bật ở vị trí chính giữa, cùng với đó là những hình ảnh tái hiện quá trình tìm tòi, phát hiện, khai thác những giếng dầu, những nỗ lực của người dân địa phương trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo quê hương.

Công trình dẫn nước-sông nhân tạo cung cấp nước cho cả thành phố vốn được xây dựng trên hoang mạc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Phát triển hài hòa, hướng tới chất lượng cao

Những năm qua, thành phố Karamay tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ phụ thuộc chính vào dầu khí, sang phát triển hài hòa đa ngành nghề dựa trên lợi thế của địa phương, từ đó chuyển mình ngoạn mục từ "thành phố dầu mỏ" sang "thành phố sinh thái, văn minh, an toàn và đáng sống", điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Phim trường Ô Nhĩ Hòa, nơi quay nhiều bộ phim cổ trang, điểm check-in nổi tiếng. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Theo ông Chen Khai, thị trưởng Karamay, xây dựng trên hoang mạc với độ mặn cao, không thích hợp cho sự sinh trưởng của thực vật, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của gió, bão cát, thành phố khắc phục hàng loạt khó khăn, trở ngại về tự nhiên; đến nay, đã trồng hàng nghìn cây lớn, xây dựng nhiều công viên ngập nước, hệ thống sông hồ nhân tạo, nâng cao sự đa dạng sinh học và tỷ lệ phủ xanh mặt đất, kiến tạo môi trường sinh thái tươi đẹp, nên được mệnh danh là "tiểu Giang Nam" hay "tiểu Ô Trấn" (những địa danh nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái ở miền đông Trung Quốc).

Chợ đêm Bát Thất Mã-nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Thành phố đã đẩy mạnh việc chuyển đổi ngành nghề hướng tới chất lượng cao, với việc xác định kinh tế số là hướng đi chủ đạo, nhằm ứng dụng và tạo động lực cho các ngành kinh tế khác, từ đó đề ra quy hoạch phát triển số, xây dựng "giếng dầu số" đầu tiên, khu công nghiệp điện toán đám mây hay cơ sở điện ảnh số hóa... Ngoài ra, cùng với ngành nghề truyền thống là dầu khí, địa phương cũng phát triển đồng bộ các ngành logistics, năng lượng mới, vật liệu mới, văn hóa-du lịch...

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại hẻm núi Độc Sơn Tử. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Đáng chú ý, việc đẩy mạnh phát triển ngành "công nghiệp không khói" dựa trên lợi thế vốn có là cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa được coi là một điểm sáng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở thành phố Karamay.

Những điểm đến nổi tiếng như hẻm núi Độc Sơn Tử, thung lũng Bạch Dương Hà, thành phố Ma Quỷ, phim trường Ô Nhĩ Hòa, công viên xe du lịch RV quốc tế... đã khai thác tốt các điều kiện cảnh quan, địa hình, địa chất, địa mạo, cũng như văn hóa đa sắc màu của các dân tộc nơi đây, thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Thành phố Ma Quỷ, kỳ quan địa chất Yadan. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Với những định hướng, tầm nhìn dài hạn, Karamay xác định con đường phát triển hài hòa, hướng tới chất lượng cao, phấn đấu đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.