Thành phố Trung Quốc 'phát tài' nhờ làm ăn với Nga

Hoạt động khai thác cảng ở Mãn Châu Lý, nằm ở Nội Mông, phải hoạt động suốt ngày đêm để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng.

Trong chuyến thăm của phóng viên Nikkei tới thành phố này vào cuối tháng 8, những chiếc xe tải chở máy móc, container xếp thành hàng chờ tại một trạm hải quan phía Trung Quốc. Các chuyến tàu chở hàng đi Nga cũng đi qua Mãn Châu Lý.

Xe tải xếp hàng chờ qua cổng hải quan ở Mãn Châu Lý, thành phố của Trung Quốc giáp biên giới Nga. Ảnh: Nikkei.

“Xuất khẩu sang Nga năm nay tăng xấp xỉ gấp đôi so với năm ngoái,” đại diện một công ty thương mại cho biết, sản phẩm chính là thiết bị xây dựng do Trung Quốc sản xuất.

Một giám đốc điều hành tại một công ty kinh doanh khác cho biết: “Việc xuất khẩu xe đã qua sử dụng của Great Wall, Chery và các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc đã tăng mạnh”.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Nga và Trung Quốc đã giao thương 155,1 tỷ USD hàng hóa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết con số cả năm sẽ đạt mức kỷ lục 200 tỷ USD. Thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 190,2 tỷ USD vào năm 2022.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga tăng khoảng 62% so với cùng kỳ năm trước lên 71,8 tỷ USD. Xuất khẩu ô tô và linh kiện tăng gấp 4,5 lần và hiện chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu xe tải và thiết bị xây dựng cùng với ô tô cỡ tiêu chuẩn cũng tăng trưởng.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và châu Âu từng có thị phần cao ở Nga. Tuy nhiên, những cái tên quen thuộc trong ngành ô tô đã rời khỏi Nga kể từ khi nổ ra chiến sự tại Ukraine, khiến nhu cầu về xe do Trung Quốc sản xuất tăng cao.

Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 420.000 xe đã hoặc chưa hoàn thiện sang Nga trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7. Số này chiếm khoảng 16% tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc, tăng 12 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Vào tháng 8, Nhật Bản đã mở rộng lệnh cấm xuất khẩu ô tô sang Nga, đối với ô tô có động cơ 1,9 lít trở lên cũng như xe đã qua sử dụng. Nga bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào xe do Trung Quốc sản xuất, theo Nikkei.

Xuất khẩu thiết bị điện và điện tử gia dụng của Trung Quốc sang Nga đã tăng 37% về giá trị so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, trong khi giày dép và các mặt hàng liên quan tăng 54%.

Takafumi Nakai, chuyên gia đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Nga và NIS, cho biết: “Kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động, thiết bị máy tính cá nhân và các sản phẩm tương tự từ các nước phương Tây đã giảm mạnh, trong khi Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc khác đang mở rộng thị phần”.

Mãn Châu Lý đã trở thành một thị trấn sầm uất. Ở trung tâm thành phố, các nhà hàng phục vụ ẩm thực Nga nằm san sát.

“Tôi đến Mãn Châu Lý khoảng hai tháng trước,” một vũ công đến từ thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga cho biết. “Trung Quốc là một nơi tuyệt vời vì tôi có thể kiếm tiền dễ dàng hơn".

Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 83,2 tỷ USD hàng hóa từ Nga, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Dầu thô, than đá, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm công nghiệp năng lượng khác chiếm khoảng 70% tổng số.

Chuyên gia Nakai cho biết: “Ấn Độ đang nhập khẩu ngày càng nhiều dầu thô và các mặt hàng khác từ Nga, nhưng nước này hầu như không xuất khẩu sang Nga”. "Trung Quốc và Nga đã đạt được sự cân bằng trong xuất nhập khẩu và đang có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau."

Liên Hà