'The Matrix: Resurrections' - ma trận rời rạc

Ra mắt lần đầu năm 1999, The Matrix gây tiếng vang lớn với nội dung mới lạ, hấp dẫn, cùng những pha đánh đấm choáng ngợp. Khởi nguồn của loạt phim bắt đầu khi nhân vật chính Neo (Keanu Reeves) nhận thức được cuộc sống của mình và mọi người xung quanh chỉ là giả lập.

Khi công nghệ AI lên cầm quyền, chúng tạo dựng một thực tế ảo để cầm chân và biến con người thành “pin năng lượng” theo đúng nghĩa đen. Để thoát ra khỏi thế giới mơ hồ ấy, loài người phải liều mình đấu tranh, tìm kiếm lỗ hổng trong những phương trình nhị phân đã được xây dựng sẵn.

Sau hơn 18 năm kể từ ngày phần 3 - The Matrix: Revolutions đóng máy, đạo diễn Lana Wachowski đã đưa thương hiệu đình đám quay trở lại. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự chia ly của chị em nhà Wachowski, khi người em Lilly Wachowski hiện bận tâm với nhiều dự án phim khác.

Song, trái ngược với trông đợi của người hâm mộ, The Matrix: Resurrections lại nhận được nhiều lời chê hơn khen. The New York Times không ngần ngại nhận xét tác phẩm: “Không có bất kỳ câu chuyện ẩn phía sau”, “chẳng có lý do gì nên tồn tại”, cũng như đánh giá “kịch bản non nớt”.

Chuyện gì xảy ra nếu Neo chọn viên thuốc màu xanh?

Với tham vọng tái thiết lập lại cốt truyện của loạt phim, The Matrix: Resurrections mở ra câu chuyện về Neo dưới vỏ bọc Thomas Anderson. Là một nhà thiết kế game, nhân vật trung tâm có cuộc sống nhàm chán, mắc phải vấn đề tâm lý nặng nề khi không thể phân biệt nổi đâu là thực tế đâu là ảo ảnh trong đầu mình.

Những dấu hiệu về một thế giới “thật” khác đang tồn tại liên tục xuất hiện, bắt buộc Anderson phải lựa chọn. Một là uống những viên thuốc tâm thần màu xanh để được an toàn trong mơ hồ, một là nhảy vào nguy hiểm nhằm tìm kiếm sự thật về cuộc đời mình trong chính trò chơi anh tạo dựng mang tên Ma trận.

Không thể phủ nhận kịch bản của The Matrix: Resurrections gây chú ý khi khai thác một khía cạnh mới mẻ hoàn toàn, đánh đúng vào thắc mắc “Chuyện gì xảy ra nếu Neo chọn viên thuốc màu xanh thay vì viên thuốc màu đỏ thoát khỏi thế giới giả lập?” gần 2 thập kỷ của người hâm mộ. Tuy nhiên, cách khai triển dài dòng, sự ủy mị và loạt diễn văn mang tính giảng đạo của bộ phim đã đem lại hiệu quả ngược.

Hơn nửa thời lượng phim được dùng chỉ để nhấn mạnh hàm ý con người đang sống một cuộc đời được lập trình sẵn bằng những vòng lặp nhàm chán của cuộc đời Anderson. Thời gian còn lại cũng không có thêm bất cứ bước ngoặt kịch tính hay đột phá đáng mong chờ nào.

Tất cả chỉ xoay quanh lý do hồi sinh Neo và Tritiny (Carrie-Anne Moss) cùng chuyện tình lãng mạn ở tuổi trung niên của hai nhân vật theo lối dẫn dắt lộ liễu, nhạt nhẽo cả về lời thoại lẫn diễn xuất.

Phim có nhiều câu thoại triết lý nhưng thiếu trọng tâm.

Những điều trên khiến tổng thể The Matrix: Resurrections hệt như một ma trận rời rạc, thiếu liên kết. Bộ phim hoàn toàn không khơi dậy được cảm xúc hồi hộp, sự kịch tính như kỳ vọng mà còn dễ khiến nhiều người lạc trong mơ hồ về mục đích thật sự của cốt truyện.

Dàn diễn viên trẻ lấn lướt tiền bối

Ngay cả Keanu Reeves - điểm sáng được nhiều người trông đợi của The Matrix: Resurrections cũng không thể cứu vớt nổi kịch bản tẻ nhạt, non tay.

Không còn là Neo với khả năng chiến đấu "như thần linh", tài tử giờ đây phải đóng khung với hình tượng Thomas Anderson già nua, mệt mỏi đang lạc lối giữa thực và ảo. Đổi lại, anh phần nào cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò khi thể hiện rõ yếu tố tâm lý của một người hùng về vườn, hoài nghi với chính sự thật cuộc đời mình. Sự ngột ngạt, khó chịu ấy cũng chính là cuộc đời Reeves và cả chị em đạo diễn sau thành công của The Matrix.

Về phần Carrie-Anne Moss, cô là nữ chính của bộ phim. Tuy nhiên, hơn 2 tiếng trên màn ảnh, minh tinh trông như chỉ góp mặt ở hàng thứ khi xuất hiện chớp nhoáng, mờ nhạt và không để lại ấn tượng.

Đổi lại, các gương mặt mới trong bộ phim lại ghi dấu nhờ diễn xuất ấn tượng và lời thoại thú vị của mình. Đặc biệt là Bugs (Jessica Henwick) và Morpheus (Yahya Abdul-Mateen II). Cả hai có màn phối hợp xuất sắc từ những pha ra đòn đẹp mắt, đến loạt câu thoại tung hứng đầy hài hước, châm biếm.

Trong các phân đoạn nặng về tâm lý, Henwick cũng ăn điểm nhờ cách thể hiện có chiều sâu. Không thể phủ nhận, sức hút tự nhiên của bộ đôi nhân vật phụ phần nào khỏa lấp điểm yếu về kịch bản của The Matrix: Resurrections.

Món quà tri ân quý giá

Việc khéo léo biến thế giới thật thành một thứ trong cốt truyện, các nhân vật thành những người đang xem, màn bạc hệt như tấm gương phản chiếu lại hai thế giới của bộ phim chính là công cụ tuyệt vời nhất để tôn vinh di sản của thương hiệu đình đám.

Tuy bóp chết hướng đi mới trong kịch bản, The Matrix: Resurrections lại được đánh giá cao bởi tính gợi nhắc trong từng khung hình.

Các biểu tượng nổi bật như hai viên thuốc xanh đỏ, Neo nhìn thấy các phương trình nhị phân trong cuộc sống, các phân đoạn hành động đặc trưng của nhân vật chính dùng tay chặn đạn, bay lượn trên bầu trời… cũng được cài cắm khéo léo, đưa người xem sống lại một thế giới đầy hoài niệm kéo dài suốt gần 2 thập kỷ.

Các phân đoạn tri ân là tình tiết "cứu" nội dung phim.

The Matrix: Resurrections giống một bản phối lại của cuốn album cổ điển và phủ bụi suốt 18 năm qua. Không mới mẻ, táo bạo hay quá hay ho nhưng vừa đủ để làm hài lòng những ai đã yêu mến loạt phim này suốt thời gian qua.

Phúc Nguyễn